Ông Phạm Tuấn Hoàng (49 tuổi) có nhà, tiệm kinh doanh điện thoại tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Nhưng vì “máu” với nghề chăn nuôi, yêu thích động vật nên ông giao việc kinh doanh cho vợ rồi về khu vực cù lao Ba Xê (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) nuôi vịt trời.
Lão nông cho biết, năm 2013, ông lên mạng Internet đọc được bài báo viết về mô hình nuôi vịt trời ở tỉnh Bắc Giang và bắt đầu theo nghề “lạ” từ đó. “Tôi bàn với vợ về vùng nông thôn ven TP HCM thuê mặt nước làm trang trại nhưng bà ấy không đồng ý nên tôi giao tất cả việc kinh doanh cho vợ rồi một mình đi tìm đất nuôi vịt”, ông kể.
Cuối năm 2013, ông Hoàng liên doanh với Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ Long Biên (TP Biên Hòa) cùng khai thác du lịch tại cù lao Ba Xê. Tại đây, HTX cho phép ông sử dụng 3 hécta diện tích mặt nước và đất để nuôi vịt trời. Thời điểm này, ông gom góp tiền rồi ra Bắc Giang mua 400 con vịt giống mang về nuôi dưỡng.
Kể từ đó, chủ tiệm điện thoại trở thành nông dân nuôi vịt. Ông Nguyễn Xuân Huy, người dân địa phương thổ lộ: “Lúc đầu, tôi nghĩ việc nuôi vịt trời của anh Hoàng chỉ là việc làm ngớ ngẩn. Không ngờ cái ngớ ngẩn ấy lại cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng”.
Chăn nuôi loài vịt biết bay nhưng lão nông 49 tuổi lại chọn phương thức thả rông, không xây chuồng trại. Theo ông Hoàng, vịt trời tập quán hoang dã và thích sống những đầm nước có nguồn thức ăn dồi dào. Cù lao Ba Xê được bao bọc bởi mênh mông sóng nước của nhánh sông Đồng Nai, cách biệt với khu dân cư nên đã tạo được môi trường hoang dã.
“Vịt trời có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, không phải can thiệp các biện pháp phòng ngừa dịch. Chi phí thức ăn ít, chi phí chuồng trại không cần thiết nên nông dân rất dễ làm. Tôi muốn kết nối với ngành chức năng để có cơ hội phổ biến kỹ thuật chăn nuôi đơn giản, lợi nhuận cao này đến với nông dân”.
Ông Phạm Tuấn Hoàng
|
“Cách làm của tôi hoàn toàn trái ngược với những trang trại chăn nuôi vịt trời thường bỏ một lượng vốn lớn để xây dựng chuồng, trại khác. Tôi chỉ đem về thả rông trên đầm và chờ chúng sinh đàn, đẻ đống”, người nuôi vịt biết bay chia sẻ.
Ông nói thêm, vịt trời có bản năng định cư nên người nuôi không phải lo sợ. "Lúc chúng mới nở, mình đưa về đầm thả thì chúng sẽ sống và gắn bó với nơi đó đến hết cuộc đời. Nếu có sự đe dọa, chúng sẽ bay đi nơi khác tạm lánh một thời gian rồi sẽ quay về. Do vậy, tôi để đàn vịt tự do bơi lội, tự do bay mà không sợ mất”, ông chia sẻ.
Nuôi giống vịt hoang dã nên ông cũng có cách chăm sóc rất đặc biệt. Hàng ngày, ông để đàn vịt bay tự tìm nguồn thức ăn. Theo ông, thức ăn khoái khẩu của vịt bay là lục bình (bèo tây) nên rất dễ tìm. Những khu vực ngập nước ven sông Đồng Nai có nhiều lục bình nên nguồn thức ăn miễn phí cho vịt bay luôn được đảm bảo.
Đàn vịt trời của ông Phạm Tuấn Hoàng xúm xít ăn lục bình. Ảnh: Ngọc An.
Ông cho biết, nếu thiếu lục bình, ông sẽ bổ sung lúa chứ nhất quyết không áp dụng thức ăn công nghiệp, vì không muốn đàn vịt mất đi tính hoang dã.
Sau hai năm, đàn vịt trời của ông Hoàng phát triển lên đến hơn 5.000 con, trong đó, 1.400 con đẻ trứng, 3.600 con giống và vịt thương phẩm. Ông Hoàng tiết lộ, vịt trời đang được các nhà hàng lùng mua với giá 250.000 đồng mỗi con. Chi phí đầu vào mỗi con là 60.000 đồng. Từ giai đoạn con giống đến thương phẩm, thời gian nuôi là 2 tháng. Từ việc bán hàng nghìn vịt thương phẩm và giống, trứng, mỗi tháng, ông thu trên 400 triệu đồng.
Ông Ngô Minh Châu, Chủ nhiệm HTX Thương mại - Dịch vụ Long Biên - đơn vị kinh doanh du lịch ở cù lao Ba Xê - cho biết, cách nuôi vịt trời của ông Hoàng khá thú vị vì hoang dã hoàn toàn. "Cách nuôi này không làm thay đổi môi trường cù lao. Đàn vịt trời không chỉ tạo nguồn thu nhập hàng trăm triệu cho anh Hoàng mà còn tạo thêm vẻ đẹp cho khu du lịch sinh thái, tạo hứng khởi cho du khách tới tham quan”, ông Châu nói.
Ngọc An