BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Nhà đẹp » Sinh vật cảnh » Cây cảnh- Hoa cảnh- Bonsai » Cây Mai - Hoa Mai » Liên quan cây Mai » Chi tiết tin

Đi buôn mai Tết

  Ngày: 20/01/2004
Đến giờ này vẫn khó có thể dự đoán trước được về mùa hoa năm nay. Những người trồng và bán mai vẫn đang chờ... những giây phút cuối. Chỉ có điều, bây giờ mỗi khi nhìn những chậu mai vàng rực rỡ khoe sắc ở mỗi gia đình trong dịp Xuân về, tôi lại liên tưởng đến bao nỗi nhọc nhằn của những con người đang mưu sinh với nghề cây kiểng đặc trưng này


Đi buôn mai Tết

Cách đây hơn tuần lễ, nhân lúc ngồi khề khà tại một quán cà phê ở khu Ngã tư Ga, quận 12, TPHCM và nghe tôi than thở về “hầu bao” eo hẹp của mình trong khi Tết chỉ còn dăm ba bữa, anh Nguyễn Văn Hùng, một người có gần chục năm chuyên kinh doanh cây kiểng ở miệt này, đã tận tình chỉ bảo: “Cậu về mượn ít vốn đi buôn mai đi. Có gì anh sẽ hướng dẫn cho”. Anh Hùng quả quyết, buôn mai Tết là một công việc chỉ làm trong một tháng nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, quan trọng là phải “có gan làm liều” vì rủi, may không ít.
“Săn” mai vườn
Vét sạch tiền dành dụm và vay thêm của cô bạn gái cũng chỉ được ngót nghét... 10 triệu đồng. Anh Hùng trấn an, vốn như vậy cũng đủ để đi đến các nhà vườn “săn” vài chục gốc mai vừa phải. Anh Hùng nhẩm tính, chỉ cần kiếm được trên 50-100 gốc, vừa bán lẻ tại quầy vừa bỏ mối cho các vựa lớn ở các chợ Bến Thành, Công viên 23-9, một số shop hoa trên đường Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ... với giá cao hơn gấp rưỡi so với giá gốc. Hy vọng Tết này, mỗi chúng tôi có thể lãi được gấp đôi số vốn bỏ ra.
Vậy là tôi theo chân anh ròng rã gần 5 ngày vào các nhà vườn trồng mai ở các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông... (quận 12), Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước... (quận Thủ Đức), những nơi được mệnh danh là “lãnh địa” mai. Vừa đi anh vừa cập nhật kiến thức cho tôi, đại loại như: nhìn vỏ trấu của nụ để biết xem cây nào sẽ nở vào đúng đêm giao thừa, ngày mùng một; nhìn gốc mai để biết loại nào cây nào nở bông lâu tàn; mai đang được khách hàng ưa chuộng là loại mai ghép có 10-12 cánh, nở đều, bông dày, to, vàng rực... “Chọn mai trước tiên phải nhìn gốc rồi đến thân sau đó mới đến bông. Chứ đừng vội nhìn cây nhiều bông mà chọn là “hố” nặng”.
Ghé vào trên hai chục vườn mai, vườn nào cũng có vài trăm gốc gồm đủ các loại giống như: hoàng mai, mai ghép tai dão, diệp hồng mai... Nhưng tôi thật sự bị thu hút bởi những gốc mai ghép 24 cánh với 3 màu trắng, vàng, tại vườn mai của ông Nguyễn Văn Hồ, ngụ khu phố 3, Thạnh Lộc. Đang tần ngần định chọn mua thì anh Hùng xua tay, bảo: “Bây giờ chẳng còn ai mua mấy loại này đâu. Nó không thể hiện được cái “thần” của loài hoa này. Lỡ gom về thì “ôm sô” là cái chắc...”. Rồi anh giải thích, những loại ghép trên tàn rất nhanh. Chỉ những gốc mai xù xì lâu năm nằm trong góc, anh nói, dân chơi mai bây giờ ngày càng có xu hướng chọn những chậu mai vàng “cổ”, tức là gốc càng lâu năm càng tốt và phải được uốn theo nhiều tầng, nhiều thế như rồng uốn khúc, rồng sà, phụng múa, long phụng hòa duyên... Theo lời ông Nguyễn Văn Hồ thì để có được những gốc “mai lão” này, ông phải bỏ công chăm dưỡng, cắt tỉa năm, sáu năm trời. Đã vậy, khi uốn cành không khéo, mai chết như chơi, coi như công “dã tràng xe cát”.
Đêm... bán mai
... Chiều 20 tháng chạp, chúng tôi hì hục khuân mai lên xe ba gác chở về gian hàng bán mai ở chợ mai quận 12. Tôi được phân công bán và giữ quầy vào ban đêm do ban ngày bận đi làm. Rốt cuộc cả ba đêm thức bán mai, tôi chỉ bán được có 5 gốc. Nhưng có hai gốc, tôi bán chỉ bằng phân nửa giá mua cho... hai cô gái trẻ. Sau đó lại phải bỏ tiền túi bù vào vì sợ bị mang tiếng là mình... dại. Khách vắng một phần do chưa cận Tết nên khách đi buôn mai kiểng chưa nhiều. Nhưng quan trọng hơn, nhiều người thấy tôi mặt mày đỏ lựng, cứ lúng ta lúng túng khi giải thích về giống và cách chăm sóc mai ngày Tết nên khó mà tin tưởng, bỏ sang quầy khác. Khách hàng thì đa phần đều khó tính, chọn cây thì phải nhiều nụ, có người còn bắt tôi phải viết giấy cam đoan hoa sẽ nở đúng vào đêm giao thừa nếu không sau Tết sẽ phải... bồi thường. Đã vậy, do phải thức trắng mấy đêm liền nên đến đêm 23 đưa ông Táo về trời, tôi “ngủ gà, ngủ gật” thế nào lại bị lấy trộm mất ba chậu mai bonsai nhỏ. Chưa gì mà đã thấy nguy cơ lỗ vốn là... rất có thể. Cô gái tên Bích Hoa ở quầy bên cạnh là sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Tết không về quê, góp vốn cùng nhóm bạn buôn mai, thấy vậy an ủi: “Năm ngoái tụi em cũng suýt lỗ vốn. May nhờ đêm giao thừa bỗng dưng mai “hút” khách. Thôi cứ ráng chờ đến giờ chót...”. Hóa ra trồng mai đã khó mà buôn mai cũng không đơn giản một tí nào.
Chuyện bên lề vườn mai
Nhìn chung, năm nay thị trường mai khởi động khá chậm. Chỉ còn chưa đầy tuần lễ là Tết nhưng lượng khách đến đặt hàng ở các vườn không nhiều như các năm trước. Có lẽ do thời tiết khá thất thường, trời lạnh kéo dài nên nhiều người ngại mua mai sớm, hoa nở không như ý muốn. Mới Tết năm ngoái, cũng vì thời tiết phức tạp mà mai nở sớm nên nhiều chủ vườn lẫn thương lái đều lỗ đậm. Gặp tôi, nghệ nhân trồng mai Đinh Phước Thành, chủ gần 500 gốc mai ở An Phú Đông, không giấu được vẻ lo lắng: “Không khéo Tết năm nay mai lại nở sai ngày vì thỉnh thoảng lại có vài đợt sương muối...”. Mặc dù, hơn tuần nay, cả gia đình ông đã chia nhau đi bán mai ở chợ hoa quận 12 và Công viên 23-9... Nhưng lượng mai tiêu thụ vẫn chỉ mới bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôi đã từng nghe nói rất nhiều về những nông dân trở thành tỉ phú, triệu phú nhờ trồng mai như Nguyễn Văn Bay, phường An Phú Đông; Võ Văn Vàng, phường Thạnh Lộc (quận 12); Nguyễn Văn Nên (quận Thủ Đức)... Người ta kháo nhau, nghề trồng mai cả năm lời bạc tỉ nên những năm gần đây nhiều người thi nhau đổ xô trồng mai Tết. Theo khảo sát chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, tổng diện tích trồng mai ở TP hiện cũng đã lên gần 500 - 600 ha, tăng gần gấp rưỡi so với ba, bốn năm về trước. Ước sẽ có khoảng gần 50.000 gốc mai các loại cung cấp cho thị trường TP trong dịp Tết Nguyên đán này. Chỉ có điều, có thử gắn với nghề này, tôi mới nghiệm ra rằng, cuối cùng rồi cũng giống như bao nghề nông nghiệp khác, người trồng và bán mai cũng vẫn phải đang “bơi” theo kiểu tự phát. Nghề làm mai kiểng vẫn chủ yếu dựa theo lối thủ công và kinh nghiệm. Mọi chuyện phó mặc cho... ông trời. Chỉ cần một đợt sâu bệnh, triều cường... cây mai có thể làm cho người trồng và kinh doanh nó phá sản bất cứ lúc nào. Mới năm ngoái, có gần 100 hộ trồng mai ở quận 12, Thủ Đức gần như không ăn Tết vì đợt triều cường cuối năm làm hàng trăm gốc mai của họ chết vì úng gốc. Năm nay, nạn trộm mai hoành hành vào ban đêm cũng làm nhiều hộ khốn đốn. Vào rằm tháng chạp mới đây, mấy chục hộ trồng mai ở miệt này đã bị bọn “kiểng tặc” thuê xe tải lẻn vào các vườn lấy đi những chậu “mai lão” trị giá vài chục triệu đồng...
 Đến giờ này vẫn khó có thể dự đoán trước được về mùa hoa năm nay. Những người trồng và bán mai vẫn đang chờ... những giây phút cuối. Chỉ có điều, bây giờ mỗi khi nhìn những chậu mai vàng rực rỡ đang khoe sắc ở mỗi gia đình trong dịp Xuân về, tôi lại liên tưởng đến bao nỗi nhọc nhằn của những con người đang mưu sinh với nghề cây kiểng đặc trưng này và tự hỏi bao giờ nghề trồng mai sẽ được định hướng, đầu tư một cách căn cơ, bài bản?
Nguyễn Bình

Nguồn:  Nld.com.vn
Các bài đăng trước cùng danh mục   Liên quan cây Mai
Lùng mua mai vàng - 12/01/2004
Lùng mua mai vàng NEWS3627
Nằm về phía đông phá Tam Giang, vùng Ngũ Điền (gồm Điền Hải, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Lộc và Điền Hương - huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) nhìn trên cao xuống tựa như một vầng trăng ...
Xem thêm
Cải tạo hoa mai – văn hoá và kinh tế - 02/04/2003
Cải tạo hoa mai – văn hoá và kinh tế NEWS3627
Trước kiểng thế là kiểng hoa. Và văn hoá thưởng hoa ngày càng cao cùng sự phát triển kinh tế, xã hội như một quy luật tất yếu. Những cánh hoa mai tròn đầy đem đến cho người hưởng thụ cảm ...
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Nhà đẹp » Sinh vật cảnh » Cây cảnh- Hoa cảnh- Bonsai » Cây Mai - Hoa Mai » Liên quan cây Mai
Tìm liên quan » Đi buôn mai Tết
Đang xem » Đi buôn mai Tết