BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Nhà đẹp » Sinh vật cảnh » Cây cảnh- Hoa cảnh- Bonsai » Cây Mai - Hoa Mai » Liên quan cây Mai » Chi tiết tin

Lùng mua mai vàng

  Ngày: 12/01/2004
Nằm về phía đông phá Tam Giang, vùng Ngũ Điền (gồm Điền Hải, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Lộc và Điền Hương - huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) nhìn trên cao xuống tựa như một vầng trăng khuyết. Ngũ Điền xưa nay vốn nổi tiếng với gạo trắng thơm cùng bề dày truyền trống của nền văn hóa làng xã, và Điền Hòa (tên xưa là Thế Chí Tây) cũng nằm trong vòng “hào quang” ấy. Với hơn 1.000 hộ dân, ngoài việc đồng áng, giờ đây người Điền Hòa còn thêm cái thú chơi mai.


Lùng mua mai vàng
Anh Hồ Thanh Tùng đang tỉa cành cho chậu mai lớn nhất trong lố mai vàng đầu tiên chuẩn bị tham dự chợ hoa tết - Ảnh: Đăng Nam

Cả làng chơi mai

“Trà là quan, mai là dân dã” (trà tức trà mi), lão tri điền Đặng Văn Nậy ở đội 5 giải thích cho tôi nghe ngày xưa người ta phân biệt như thế nhưng giờ thì khác, quan - dân đều chơi mai. Có lẽ vậy nên giờ đây nhà nào ở Điền Hòa cũng có dăm chục chậu mai gọi là hương xuân ngày tết. Cái thú chơi mai không chỉ có ở người lớn tuổi mà ngay cả những đứa trẻ cũng tỏ ra sành điệu.

Quang, cậu học sinh lớp 8 Trường THCS Điền Hòa, trên đường đi học về tạt vào hội mai xuân ngắm nghía, bình phẩm: “Chậu này e không kịp nhưng chậu này chắc chắn là trúng. Nhìn vỏ trấu của nụ biết sẽ nở đúng giao thừa”. Còn ông Nguyễn Văn Bé - phó chủ nhiệm Hội Mai cảnh Điền Hòa - lại nói giọng đầy hãnh diện: “Đây chưa phải là những “lão mai” xuất sắc. Muốn chiêm ngưỡng cứ tìm về nhà ông Thân, ông Giá”, rồi ông cao hứng đọc bài thơ

Mời khách ai đến Điền Hòa
Ngày mười tháng chạp quê nhà hội mai...

“Nhất đế, nhì thân...”

Ông Nguyễn Văn Chí cùng con trai có mặt từ rất sớm để tham gia khai hội. Năm nào cũng vậy, cứ đúng dịp hội mai xuân là cha con ông lại tìm về Điền Hòa, trước là để thưởng thức, sau là xem mặt những “lão mai” ưng ý trước khi đi đến thương thảo. Là người không dưới 30 năm chơi mai, chỉ cần lướt mắt một lượt là ông biết ngay gốc nào “đáng giá nghìn vàng”. 

Đảo một vòng, cuối cùng cha con ông đứng lại trước chậu mai bên trong công viên xã, miệng xuýt xoa: “Nhìn hướng nào cũng thấy rồng sà”, rồi ông diễn giải: không phải tất cả mai cổ thụ đều có giá. Mai phải được uốn theo hình, theo thế, như gốc mai này chủ nhân của nó đã uốn theo thế “long giáng” - tức rồng sà xuống đất. Nhưng cái “độc” của cây mai này còn ở chỗ là “long giáng tứ diện” - tức bốn mặt đều là rồng sà xuống đất... nhả ngọc. “Bạc đầu trong nghề, nhưng đây là cây mai đầu tiên tôi thấy”.

 

Lùng mua mai vàng
Ông Nguyễn Văn Chí bên gốc mai "long giáng tứ diện" - Ảnh: Đăng Nam

Ngoài “long giáng”, các “lão mai” còn được uốn theo nhiều thế độc đáo khác. Ví như thế “long vân” - tức rồng quấn cột đình, thế “khói trầm” - tức hình lượn theo dáng khói trầm hương xông. “Độc là ở chỗ đó, nhìn vào là biết ngay sở thích của chủ nhân”. Ông Nguyễn Văn Bé cho rằng dân sành chơi mai chỉ cần nhìn vào đế (gốc). Mai đẹp trước tiên phải đạt được bốn tiêu chuẩn “nhất đế, nhì thân, tam tầng, tứ giống”.

Ông giải thích: gốc càng lão thì càng giá trị, nhưng thân mà trọc lóc (không có nhánh) thì cũng vứt. Kế đến mai phải được uốn nhiều tầng - tức nếu rồng phải nhiều vây còn nếu hổ thì phải nhiều vuốt, cuối cùng là giống. Ông Bé khẳng định: mai chuẩn phải là hoàng mai, tức hoa phải vàng và hương phải thơm, còn nếu hồng trúc mai hay diệp hồng mai... cũng chưa gọi là giá trị. Tuy vậy, dù có đạt bốn tiêu chuẩn trên nhưng các “lão mai” lại “tọa” trong chiếc chậu mới thì cũng chưa gọi là “độc” được.

Để có được một gốc mai vàng ưng ý, người chơi mai Điền Hòa đã phải cất công chăm, tỉa không dưới năm năm trời. “Mai vàng khó trồng hơn các mai khác, độ dẻo của cành cũng kém hơn nên khó uốn. Được cái hoa thơm nên ai cũng thích”, lão tri điền Đặng Văn Nậy khẳng định. Là người chơi mai gia truyền nên ông Nậy biết cái giá phải bỏ ra để có được một “lão mai”.

Ông tâm sự: “Không dễ có được gốc mai đâu chú! Mai con sau khi trồng giữa đất độ chừng một năm tuổi thì bứng cho vào chậu; tiếp tục dưỡng mai thêm một năm nữa thì bắt đầu cắt, tỉa cành tạo thế, nhiều khi phải cắt bỏ cả nhành to. Mai chậu sau những lần cắt, tỉa và uốn như vậy sẽ mất rất nhiều sức nên người chơi mai lại phải tiếp tục dưỡng ...”.

Ròng rã năm năm trời, người Điền Hòa cứ cắt cắt, tỉa tỉa, uốn qua, uốn lại, sáng tạo nên nhiều dáng thế độc đáo trên thân mai. Phải nói rằng những thế mai như “hổ phụ sinh hổ tử”,“long mẫu xuất long nhi”... đã khiến nhiều khách chơi mai tứ xứ mê mẩn...

Mai vàng xuôi ngược Bắc - Nam

Bí thư xã Điền Hòa, ông Đặng Mức, cho biết phong trào trồng và chơi mai rầm rộ nhất trong vòng 10 năm nay. Từ ngày kinh tế khá lên, nhiều lão ông trong làng bắt đầu tìm lại thú chơi xưa: đúng sáng mồng 1 tết, sau khi đi thăm viếng bà con, xóm giềng, các cụ tụ tập bên chén trà, chén rượu và bắt đầu bình phẩm về mai...

Theo thống kê, hiện toàn xã Điền Hòa có không dưới ngàn gốc mai chậu độ tuổi 1-10 năm. Những năm qua nhờ mai cảnh mà nhiều gia đình ở đây đã sắm sửa được nhiều thứ. Như gia đình ông Nguyễn Văn Bặm bán năm cây mai thu về 15 triệu đồng, ông Đặng Giá bán một cây hơn 7 triệu đồng. Hay như “lão mai” của nhà ông Nguyễn Thân - với thế long ngự, nhiều lần dân chơi mai ở Huế tìm về gạ gẫm mua với giá 23 triệu đồng nhưng gia chủ vẫn chưa muốn bán...

Tiếng tăm mai vàng Điền Hòa cứ thế vang xa. Có lẽ vậy nên năm nay đúng vào dịp hội mai xuân, nhiều người đã đổ về tìm mai. Những gốc mai đẹp tuổi 3-5 năm được các thương nhân mua đưa xuống thuyền chở vào Huế “sửa soạn” trước khi “đánh” ra Bắc. Chưng một “lão mai” trong nhà đang là mốt của những gia đình khá giả.

Ông Chí vừa vân vê “lão mai long giáng tứ diện”, dừng tay lại, ông ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Gốc này hô 50 triệu, tôi lấy không trả một tiếng”... Và với kinh nghiệm 30 năm chơi mai của mình, trước khi chia tay, cha con ông Chí bảo tôi rằng: “Đã mua được mai Điền Hòa hãy khoan tính đến chuyện bán, cứ đem về “sửa soạn” độ dăm năm, mai lúc ấy sẽ tính bằng USD”.

ĐĂNG NAM


Nguồn:  Tuổi Trẻ Online
Các bài đăng trước cùng danh mục   Liên quan cây Mai
Cải tạo hoa mai – văn hoá và kinh tế - 02/04/2003
Cải tạo hoa mai – văn hoá và kinh tế NEWS2372
Trước kiểng thế là kiểng hoa. Và văn hoá thưởng hoa ngày càng cao cùng sự phát triển kinh tế, xã hội như một quy luật tất yếu. Những cánh hoa mai tròn đầy đem đến cho người hưởng thụ cảm ...
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Nhà đẹp » Sinh vật cảnh » Cây cảnh- Hoa cảnh- Bonsai » Cây Mai - Hoa Mai » Liên quan cây Mai
Tìm liên quan » Lùng mua mai vàng
Đang xem » Lùng mua mai vàng