Cách đây 5 năm, Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Toàn Thịnh Phát, đã gây chú ý trong giới doanh nhân trẻ của TP.HCM bởi chiến lược đầu tư trọn gói vào giáo dục, từ mẫu giáo đến hết trung học. Ngày đó, nói đến đầu tư bất động sản, người ta chỉ chú trọng nhóm sản phẩm thời thượng là nhà ở và căn hộ, bởi thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận cao hơn nhiều so với đầu tư vào giáo dục. Song, ông Kiệt quan niệm rằng đầu tư giáo dục là đầu tư cho con người và cho cả xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện chúng tôi muốn trao đổi với ông không phải bất động sản hay giáo dục, mà là dự án xây dựng Cụm Cảng Vịnh Đầm rộng hơn 305 ha tại Phú Quốc, đang được nhiều nhà đầu tư vào đảo này quan tâm.
- Tại sao Toàn Thịnh Phát lại đầu tư vào cảng biển, lĩnh vực trước đây chưa bao giờ nghe đề cập trong chiến lược phát triển của Công ty?
Năm 2005, chúng tôi có chuyến ra đảo Phú Quốc để tìm cơ hội đầu tư vào dự án biệt thự ven biển. Tuy nhiên, 5 năm qua, nói chính xác là 4 năm, hạ tầng cơ sở của Phú Quốc phát triển chậm khiến không ít nhà đầu tư chờ đợi mòn mỏi và nhiều dự án đến bây giờ vẫn chỉ là bãi đất hoang. Chỉ có cơ sở hạ tầng tốt mới kéo được nhà đầu tư trở lại. Và một trong những nguyên nhân làm cho các dự án hạ tầng ở đây chậm là việc mang nguyên vật liệu từ đất liền ra vô cùng khó khăn (đặc biệt vào mùa mưa bão), chi phí thường lên gấp đôi. Ví dụ, tòa nhà văn phòng của Toàn Thịnh Phát tại Phú Quốc được đầu tư xây khoảng 10 tỉ đồng, nhưng nếu xây trong đất liền chỉ khoảng 5-6 tỉ đồng.
Nhận thấy Phú Quốc đang cần một khối lượng lớn vật liệu xây dựng, hàng hóa, phương tiện vận chuyển... để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng gấp, tôi quyết định đầu tư kinh doanh cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho Đảo. Muốn vậy phải có cảng để đưa hàng vào cho thuận tiện.
- Phú Quốc đã có Cảng An Thới, nay thêm Vịnh Đầm và theo quy hoạch của tỉnh Kiên Giang sẽ xây thêm cảng thứ 3 ở phía Đông. Ông có nghĩ trong tương lai sự cạnh tranh sẽ không nhỏ?
Cảng An Thới ở phía Tây vào mùa mưa bão (thường từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch) gió rất mạnh, tàu chở nguyên vật liệu, hàng hóa không thể cập cảng. Hiện nay, An Thới kiêm 3 nhiệm vụ: vừa đón tàu du lịch, vừa tàu cá và cả tàu chở hàng hóa. Với Cảng Vịnh Đầm, chúng tôi tập trung làm dịch vụ đón tàu chở hàng. Trong tương lai xa mới đón tàu du lịch.
Tuy nhiên, riêng việc kinh doanh các dịch vụ tiếp nhận tàu chở hàng, vật liệu xây dựng, dịch vụ tiếp nhiên liệu cho tàu, dịch vụ tàu mua cá do ngư dân đánh bắt là đã quá nhiều thứ để làm. Với Phú Quốc, chỉ có vùng Vịnh Đầm hướng Đông Nam - tôi muốn nhấn mạnh - là vịnh duy nhất có thể tiếp nhận tàu quanh năm. Bởi vịnh được chắn gió an toàn ngay trong mùa mưa bão và nay đã có nhiều tàu đánh cá vào trú bão.
- Là người chuyên về kiến trúc xây dựng, nay đầu tư kinh doanh cảng biển, ông mất bao lâu để nắm bắt được?
Cảng Vịnh Đầm nay thuộc Công ty Toàn Hải Vân, thành viên của Toàn Thịnh Phát. Công ty Hải Vân trước là của anh Võ Phước Hải, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành cảng biển. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và thấy mình may mắn khi được cùng làm trong dự án này.
- Tại sao không làm Cảng Vịnh Đầm sớm hơn để phục vụ kinh doanh mà phải đợi đến nay?
Hiện nay, thị phần nguyên vật liệu tại Phú Quốc của Công ty là 58% và có xu hướng tăng mạnh. Khi tôi đến Phú Quốc năm 2005, đã có quy hoạch Phú Quốc tầm nhìn đến 2020 của Chính phủ, nhưng 2 năm sau mọi thứ vẫn án binh bất động. Sân bay không được nâng cấp, đường sá thì như đường làng. Làm sao dám đầu tư trong hoàn cảnh như vậy? Định hướng đầu tư của doanh nghiệp thường thuận theo định hướng đầu tư của Chính phủ, nhưng phải biết nghe ngóng xung quanh nữa. Tôi nghĩ doanh nghiệp kinh doanh hơn nhau ở việc biết nghe và quan sát. Nay, khi sân bay được tiến hành xây khẩn trương, đường trục chính xuyên đảo được triển khai, Chính phủ điều chỉnh quy hoạch với tầm nhìn 50 năm sau, chúng tôi nghĩ, Phú Quốc đang thật sự được đánh thức.
- Công ty chỉ sở hữu 6 chiếc tàu thủy chở vật liệu xây dựng, làm thế nào có thể cung cấp nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng có khi đến hơn 1.000 tấn xi măng/tháng tại Phú Quốc?
Sáu chiếc tàu đó được đầu tư gần 30 tỉ đồng và chúng tôi chưa có ý định đầu tư tiếp. Tuy nhiên, hiện tại, tính luôn 6 chiếc đó, có đến 40 tàu chuyên chở hàng hóa phục vụ toàn Đảo và chúng tôi có thể thuê bất kỳ lúc nào. Xe tải chở hàng cũng vậy, chúng tôi có 10 chiếc nhưng nếu cần, có thể huy động một lúc 50 chiếc. Hơn nữa, Cảng Vịnh Đầm theo kế hoạch mới của chúng tôi, có thể đón được tàu 1.500 tấn. Vào mùa cao điểm, trong 1 tháng, Công ty có thể cung cấp 32.000 m3 đá, 500 tấn xi măng và gần 10.000 viên gạch.
- Cảng Vịnh Đầm dự kiến cần 1.200 tỉ đồng trong 5 năm, Công ty có kế hoạch niêm yết, tăng vốn điều lệ để hoàn thành Dự án?
Toàn dự án chia làm 3 giai đoạn từ nay đến năm 2015. Hiện nay, chúng tôi đang ở giai đoạn 1 với số tiền đổ vào khoảng 100 tỉ đồng. Toàn Tịnh Phát có 13 công ty và 2 chi nhánh thành viên với vốn điều lệ 300 tỉ đồng. Doanh thu dự kiến năm 2010 là 700 tỉ đồng và chắc chắn chúng tôi sẽ đạt được. Việc lên sàn chúng tôi nghĩ đến từ lâu bởi Công ty đã lớn và cần ra đại chúng, chứ không phải vì cần thêm vốn đầu tư. Chính cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngành đầu tư xây dựng nên kế hoạch này cũng chậm theo. Có thể cuối năm nay, hoặc đầu năm sau chúng tôi sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội.
Theo NCĐT