Chỉ trong hai ngày 12, 13 tháng này, ba nhãn hiệu điện thoại Trung Quốc là Elephone, Oukitel, Infinix đã họp báo chính thức gia nhập thị trường Việt Nam. Một tuần sau, ngày 20/7, hãng Vivo cũng tổ chức một sự kiện đánh dấu có mặt tại thị trường bằng việc giới thiệu Trấn Thành làm gương mặt đại diện sản phẩm.
Tháng trước, nhãn hàng Flash của công ty TCL cũng giới thiệu Flash Plus 2. Còn vào tháng 4, thương hiệu TP Link chuyên sản xuất thiết bị mạng cũng nhảy vào thị trường với loạt smartphone đầu tiên của hãng.
|
Một điện thoại của Elephone - Ảnh: H.Đ
|
Trong 6 thương hiệu kể trên, Elephone khá non trẻ khi mới có thương hiệu smartphone riêng vào năm 2014, chỉ bán qua kênh online – theo thông tin từ đại diện hãng phát biểu tại họp báo. Trang elephone.hk cho biết thương hiệu này thành lập từ năm 2006, có trụ sở chính ở Thâm Quyến, Quảng Đông (Trung Quốc). Khi vào Việt Nam, Elephone hiện chỉ bán qua kênh của trang thương mại điện tử Lazada. Vị đại diện Elephone khi trả lời báo chí cho biết bước đầu tìm hiểu thị trường, công ty sẽ chỉ phân phối qua bán hàng online để thăm dò thị trường trước khi có kế hoạch phủ sóng ở các kênh bán lẻ.
Infinix cũng là thương hiệu mới ra đời, khi được thành lập năm 2013, văn phòng chính ở Hồng Kông nhưng nhà máy đặt tại Thâm Quyến, trung tâm thiết kế ở Thượng Hải. Trong sự kiện hôm 13/7, Infinix ra mắt chiếc Hot 3 LTE, hợp tác với Lazada để bán qua kênh online. Trước đó, Infinix cũng đã được bán qua kênh Lazada với mẫu Hotnote vào cuối năm ngoái. Ngoài ra, theo Infinix, điện thoại của họ cũng được bán tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Cũng như Elephone, Oukitel khá lạ lẫm với với người dùng Việt Nam. Những chiếc điện thoại hãng này đã có mặt tại thị trường xách tay một năm trở lại đây, nhưng hãng chỉ chính thức tham gia vào tháng 7 này. Hàng loạt smartphone Oukitel giới thiệu hôm 12/7 được phân phối bởi PHTD (thuộc Petrosetco, cũng đồng thời phân phối Infinix).
Mặc dù mới tổ chức sự kiện hôm 20/7, giới thiệu Trấn Thành là gương mặt đại diện sản phẩm, nhưng Vivo đã có mặt tại Việt Nam hơn một năm nay. Hãng này có hướng đi khá bài bản khi đã phủ sóng khắp các tỉnh thành, với bảng hiệu Vivo gắn trên nhiều cửa hàng lớn nhỏ. Vivo là một trong các thương hiệu smartphone lớn tại Trung Quốc, và đang có kế hoạch vươn ra toàn cầu bằng nhiều trung tâm nghiên cứu đặt tại nhiều khu vực trên thế giới.
Trong khi đó, Flash là một thương hiệu thuộc sở hữu tập đoàn TCL. Trước đây, Flash được gắn với Alcatel – một thương hiệu từ Pháp – được TCL mua lại. Tuy nhiên trong năm nay, Flash được tách riêng thành một thương hiệu, không còn gọi là Alcatel Flash như các smartphone ra mắt Việt Nam năm ngoái. Chiếc điện thoại Flash Plus 2 ra mắt tại Việt Nam tháng này cũng bán độc quyền qua Lazada.
Non trẻ nhất trong các thương hiệu trên là TP-Link, khi hãng chuyên sản xuất thiết bị mạng này vừa tung ra thị trường Việt Nam 3 mẫu smartphone giá rẻ hồi tháng 4 năm nay. Tất cả các smartphone của TP-Link khi vừa ra mắt cũng chọn Lazada làm kênh phân phối độc quyền, như một cách để thăm dò thị trường.
Hầu hết các smartphone mới tung ra gần đây của các hãng kể trên đều thuộc phân khúc tầm thấp và trung, nhắm đến khách hàng mới, trẻ, mua qua kênh online hay các khu vực nông thôn. Hầu hết chúng đều chưa có mặt trên các hệ thống lớn bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A.
Bên cạnh các thương hiệu này, hiện có nhiều thương hiệu lớn nhỏ khác nhau, gia nhập thị trường sớm hơn, như Gionee, Coolpad, Wing, Lenovo, Huawei…
Lý giải nguyên nhân các hãng nhỏ tích cực nhảy vào Việt Nam, một chuyên gia bán lẻ nhận xét thị phần smartphone trong nước tuy khốc liệt nhưng vẫn còn khoảng hơn 20% cho các hãng nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, sự ra đời của kênh bán hàng online như Lazada, hoặc áp lực của các nhà phân phối phải kiếm thêm các nhãn hàng để bán hàng kiếm doanh số cũng là các lý do để các thương hiệu, chủ yếu từ Trung Quốc, đổ bộ Việt Nam.