Giá Hoành phi, câu đối Câu đối hán nôm, hoành phi câu đối hán nôm, cuốn thư câu đối, đại tự, câu đối, Hoanh phi cau doi, hoành phi câu đối hán nôm, cuốn thư câu đối, đại tự, câu đối, Hoành phi câu đối hán nôm, cuốn tư câu đối, đại tự, câu đối, Hoành phi câu đối, hoành phi đồng, câu đối cuốn thư, câu đối đồng, câu đối hán nôm, câu đối Việt Nam, Đức Lưu Quang, hoành phi đại tự, hoành phi đồng, câu đối
Văn hóa Hán Nôm – đôi điều suy ngẫm
Ông cha để lại cho con cháu một ngôi nhà cổ. Con cháu lại xây cho mình những ngôi nhà mới, to đẹp, tiện nghi hơn. Vì thế mà không ở nhà cổ nữa, cũng không chăm nom, coi sóc để một ngày kia nó bị mối mọt xâm hại, mục ruỗng và bị gió mưa đánh bẹp. Con cháu lúc ấy mới nhận ra rằng tất cả của cải quý báu, tinh túy hun đúc của bao đời ông cha đều cất giữ trong ngôi nhà cổ ấy; nhận ra rằng từng hơi thở của mình đều nhận sinh khí từ ngôi nhà cổ ấy. Con cháu bèn hò nhau dựng lại ngôi nhà. Dĩ nhiên chẳng phải để ở mà chí ít cũng mong bảo tồn linh khí của ông cha. Nhưng, chao ôi việc đó mới khó làm sao !
Mấy năm gần đây bỗng rộ lên phong trào học Hán Nôm và “chơi Hán Nôm” ở nhiều nơi. Ngành Hán Nôm, bao gồm những người nghiên cứu Hán Nôm, những người dạy – học Hán Nôm… và cả những người “chơi Hán Nôm” nữa, như được khoác lên mình tấm áo mới. Ngành Hán Nôm đang được xã hội quan tâm và trọng vọng. Điều đó làm cho những “người trong Ngành” như chúng tôi thấy rất đỗi vui mừng, song cũng không phải là không thấy lo. Mừng vì rằng cái “sở học” của mình từ nay có “đất dụng võ”. Còn lo thì không ít…
1. Trước hết xin được bắt đầu từ một chuyện rất nhỏ. ấy là mới đây, trong không khí hân hoan của năm mới, anh chị em phóng viên làm chương trình truyền hình đón xuân, có “đưa” khán giả ngang qua “chợ chữ”. “Chợ chữ” – cái tên gọi làm chúng tôi phải giật mình. ồ thế ra trong cái thời buổi kinh tế thị trường này, cái gì chả có thể đem ra chợ mà bán, mà mua ? Nhưng chúng tôi đều thống nhất với nhau rằng chữ là một loại “hàng hóa” đặc biệt. Đó là thứ “sản phẩm” mà không phải “nhà sản xuất” nào cũng có thể hiểu thấu đáo được nó, kiểm soát được nó, nắm bắt được cái “thần” của nó. Cứ xem cái cách mà mấy chàng trai trẻ tuổi “bán chữ” luận về “hàng hóa” của mình trên tivi đủ thấy điều đó. Đâu phải cứ biết viết chữ Hán, viết chữ Hán đẹp là có thể ra chợ “bán chữ”.
Xin chữ, cho chữ là một tập tục lâu đời của dân tộc ta, là nét đẹp văn hóa đã đi vào văn chương ( Ông Đồ – Vũ Đình Liên, Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân). Ngày trước chỉ có những bậc tài cao, đức trọng mới được người ta đến “xin chữ”. Nay ở “chợ chữ”: ai bán cũng được, ai mua cũng xong. Người bán chữ, dám xin chưa bàn tới, nhưng hẳn cũng có nhiều hạng. Người mua chữ, họ là ai ? Một số người muốn đến “chợ chữ” để gửi gắm tâm sự, tình cảm, những ước vọng và cả trí tuệ của mình. Một số người yêu thích nghệ thuật thư pháp. Một số người thì đơn giản chỉ là muốn tìm cái gì đó để treo trong nhà ngày Tết, mà treo chữ thì thật trang trọng cổ kính. Lại có người vô thức, hoặc tò mò. Còn một số người khác thì coi đó như một thứ mốt thời thượng, một thứ trang sức cho cuộc đời.
Chữ nghĩa vốn là thú chơi tao nhã của ông cha, nay trở thành “hàng hóa” để mua bán, để không ít “trưởng giả học làm sang”, há chẳng phải là một điều đáng lo sao ?
2. Rồi thỉnh thoảng, chúng tôi hoặc các đồng nghiệp lại được nghe những lời bông đùa của người quen, đại loại như: “Biết chữ Hán, khi nào thất nghiệp đi viết sớ cũng sống được đấy!”; “Này, viết sớ bây giờ “kiếm” lắm, tết tư cứ lên chùa mà ngồi…”; “Có biết xem bói không, xem cho một quẻ ?”… Thật, cũng có lúc ngẫm mà buồn, thấy “tự trọng nghề nghiệp”. Thì ra người ta thường quan niệm cái “nghề” của chúng tôi chẳng khác nào những thầy “lí số”! Những quan niệm ấy xuất phát từ những nguyên do xã hội. Chả là chục năm trở lại đây, đời sống kinh tế vật chất của dân ta được cải thiện đáng kể. Một bộ phận dân cư “phất” lên nhanh chóng. Phú quí sinh lễ nghĩa. Người ta đi lễ bái Thánh – Phật nhiều hơn, cúng tế nhiều hơn. Thầy cúng, viết sớ, xem bói, đoán việc lại thành nghề. Nhưng đâu phải cứ có chút ít vốn chữ Hán, chữ Nôm thì đều có thể làm thầy bói, thầy cúng.
3. Hay chuyện làng tôi có cả thảy bốn họ lớn cùng chung sống dưới gốc đa cổ thụ, cùng uống nước giếng đình. Vừa rồi cả bốn họ cùng xây lại từ đường Những ngôi từ đường được xây dựng rất khang trang, đồ sộ cho “sánh ngang với tầm cỡ” của dòng họ. Để “tăng cường” dáng vẻ cổ kính, tôn nghiêm cho bê tông cốt thép, người ta phải vừa tái tạo, vừa tân tạo những kiến trúc Hán Nôm của ngôi từ đường. Không riêng gì quê tôi mà hầu như các làng quê khác đang diễn ra những hoạt động tương tự. Vô hình trung, người ta đã thực hiện việc gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền những vốn văn hóa Hán Nôm. Còn việc thực hiện được đến đâu, như thế nào lại là chuyện khác.
Có lẽ căn nguyên sâu xa của những hoạt động này là do những thay đổi về đời sống kinh tế vật chất, Do đời sống khấm khá, có dư dật mà người ta có điều kiện chú ý hơn đến những nhu cầu tinh thần. Việc tu bổ các di sản, các công trình kiến trúc của ông cha thời nào cũng có. Nhưng thời nay, công việc đó được thực hiện một cách rầm rộ và đôi chỗ có những biểu hiện của sự thái quá, tùy tiện, cẩu thả và thái độ thiếu nghiêm túc. ở khắp nơi người ta hối hả đi đúc chuông, đúc khánh, khắc bia đá, làm câu đối, hoành phi, cuốn thư, đại tự… để bài trí ở tư thất, từ đường, đình chùa, miếu mạo, khu du lịch… Rất nhiều công trình được thực hiện với quy mô to lớn, hoành tráng. Để tạo ấn tượng đặc biệt, tạo cảm giác mới lạ, người ta trang trí chữ Hán ở các quán ăn, quán rượu dân tộc, quán trà… Có chàng họa sĩ còn làm bức đại tự bằng xi măng to bằng cả bức tường lớn đặt ở đại sảnh nhà mình. Có nhà sính chữ đến mức đề chữ Hán ở khắp mọi nơi trong nhà.
Trang hoàng cho ngôi nhà mình bằng một đôi câu đối, hay một bức hoành phi không khó. Những đôi câu đối có nội dung đại loại như: “Tổ công tông đức thiên niên thịnh, Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương”… được chế tác và bán phổ biến. Chất liệu được sử dụng để làm các sản phẩm này khá đa dạng và rất hiện đại: gỗ, gỗ khảm trai, đồng, nhôm, kính, mi – ka, gương, giấy si… Chữ Hán được khắc, chạm, trổ trên các sản phẩm này thường không đẹp, trông thô dại, có khi còn sai hình thể nội dung…
Cách đây không lâu, chúng tôi tình cờ được một người bạn kể cho nghe một câu chuyện khá thú vị. Chuyện rằng một hôm có một cụ già đến “cửa hàng dịch vụ Hán Nôm” của anh ta nằng nặc yêu cầu làm cho cụ bức hoành phi đề 3 chữ “Thủy Hữu Dĩ”. Theo lời cụ thì trước đây ở nhà thờ tổ của dòng họ có đặt bức hoành phi đề ba chữ ấy, nay đã thất truyền. Con cháu muốn tưởng nhớ tổ tiên bàn nhau làm lại, nhưng chỉ nhớ âm đọc mà không nhớ mặt chữ ra sao, ý nghĩa thế nào? Tra cứu các điển cố, điển tích khắp các sách vở mà chẳng thấy manh mối nào, mướt mồ hôi cuối cùng lại thấy trong Kinh Thi, bài Văn Vương hữu thanh, có khổ thơ:
豐 水 有 芑
武 王 豈 不 仕
貽 厥 孫 謀
以 燕 翼 子
Phong thủy hữu dĩ,
Vũ Vương khởi bất sĩ?
Di quyết tôn mưu,
Dĩ yến dực tử.
Nghĩa là:
Sông Phong có cỏ dĩ, (cây rong)
Vua Vũ há chẳng làm được gì? (có công gì ?)
(Người) Để lại mưu kế cho cháu,
(Người) Để yên ổn giúp cho con.
Hóa ra “THỦY HỮU DĨ” nghĩa đen là “sông có cỏ dĩ”, mà đặt vào văn cảnh khởi nguồn mới thấy được điển nghĩa thật sâu sắc: tổ tiên mưu tính để giúp đỡ con cháu đời sau. Thì ra, các cụ xưa hẳn đã cân nhắc kĩ lưỡng mới đặt ba chữ ấy ở từ đường của gia tộc vậy.
Càng đi sâu khám phá càng thấy thế giới Hán Nôm thật mênh mông, kì diệu và đầy những ý nghĩa sâu xa. Trộm nghĩ, sau những con chữ ấy luôn là những ẩn số, mà mỗi lần giải mã được chúng, là mỗi lần người ta thấy mình trưởng thành cùng với những điều tâm đắc. Bởi vì, những ẩn số đó chính là vốn sống, vốn văn hóa, tư tưởng, kinh nghiệm của ông cha bao đời đúc kết và truyền lại cho con cháu.
Tóm lại, học chữ Hán, chữ Nôm hay cả việc chơi Hán Nôm là một việc tốt, rất cần được sự quan tâm, khích lệ và sự hướng đạo của xã hội. Càng tốt hơn nếu việc đó trở thành một tập tính, một thói quen văn hóa của dân ta. Mong sao Ngành Hán Nôm sẽ ngày càng phát triển sánh ngang với vị trí, tầm quan trọng của nó trong xã hội.