Mùa này, Leicester City, Tottenham, West Ham đều có thể cạnh tranh vô địch hoặc suất dự Champions League. Giải đấu cao nhất nước Anh đang trải qua “cơn động đất” thực sự. Nhưng hãy tin rằng, đây không hẳn là hiện tượng nhất thời…
Thời điểm Premier League chỉ còn 7 vòng đấu nữa kết thúc, người ta đang nói về cuộc cạnh tranh chức vô địch giữa Leicester City và Tottenham hay việc West Ham đứng trước cơ hội giành vé dự Champions League.
Nếu ai không theo dõi giải đấu từ đầu, có lẽ, tất cả đều ngỡ như rằng đó là câu chuyện tưởng tượng, ở thế giới hoàn toàn khác. Nhưng giờ đây, Premier League đang chuyển mình mạnh mẽ. Ở đó, khái niệm “Big 4” hay “Big 5” đang dần trở nên lỗi thời. Giờ đây, đó là giải đấu của… toàn dân.
“Mùa giải này diễn ra theo cách hoàn toàn logic” - HLV Slaven Bilic chia sẻ trên tờ Telegraph. Trong đó, chiến lược gia của West Ham nhấn mạnh rằng trình độ của các CLB Premier League thu hẹp bởi giờ đây, những CLB yếu cũng sẵn sàng mua sắm “ác liệt” nhờ nguồn thu lớn từ bản quyền truyền hình.
Tờ The Sun từng nhận định: “Giờ đây, nguồn thu từ bản quyền truyền hình của Premier League lớn hơn rất nhiều tiền thưởng từ chức vô địch Champions League. Do đó, Champions League không còn là ưu tiên của các ông chủ ở Premier League. Thay vào đó, bây giờ, những CLB ở Anh đang coi Premier League chính là “con bò sữa”.
Thực tế, với chức vô địch Premier League mùa giải trước, Chelsea nhận được 98, 9 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình. Nhưng mùa này, nhà vô địch giải đấu sẽ nhận được 160 triệu bảng. Ngay cả CLB xuống hạng cũng “đút túi” khoảng 100 triệu bảng.
Nhờ đó, những CLB yếu ở Premier League không còn là “con nhà nghèo” chứng kiến “Big 4” hay “Big 5” tung hoành. Thay vào đó, với nền tảng tài chính vững mạnh, những West Ham, Newcastle… quyết đấu lại những “ông lớn” để tạo nên thế cân bằng.
Có thực tế ít ai biết rằng, Newcastle là CLB chi tiêu mạnh thứ 2 trong mùa giải này (tính cả 2 kỳ chuyển nhượng mùa Đông và mùa Hè), chỉ sau Man City. Những CLB như Watford, Bournemouth, West Ham… cũng vung tiền mạnh mẽ không kém. Ngay cả Stoke City, đội bóng nổi tiếng “keo kiệt” ở Anh cũng phá kỷ lục chuyển nhượng để mang về Xherdan Shaqiri.
Nói về sự vùng dậy của các CLB lớn, Mourinho từng nhận xét: “Giờ đây, những CLB yếu ở Premier League cũng đủ lực để mua những cầu thủ chất lượng, đủ sức góp mặt trong đội hình của Chelsea. Cabaye? Gradel? Wijnaldum? Tất cả đều có thể thi đấu cho The Blues. Do đó, tôi cho rằng những CLB lớn ở Anh sẽ ngày càng khó khăn bởi sự cạnh tranh lớn”.
Cách đây 3 năm, khi Franco Baldini nhậm chức Giám đốc kỹ thuật của Tottenham, ông đã tạo nên bước đột phá. Khi ấy, quỹ lương của Spurs đã nhảy vọt lên thứ 6 ở Premier League, cao hơn cả Liverpool. Nhờ đó, CLB đã vươn mình lên xếp thứ 5. Giờ đây, giải đấu cao nhất nước Anh đang chứng kiến quá nhiều trường hợp như vậy.
Do đó, chỉ cần Chelsea, Man Utd, Man City, Liverpool, Arsenal… mua bán thất bại trong một kỳ chuyển nhượng (ngay cả với những ngôi sao hàng đầu), họ hoàn toàn có thể phải trả giá bằng cả mùa giải thất bại.
Nói về mùa giải “động đất” ở Premier League, HLV Mark Hughes của Stoke City nhận định: “Tôi nghĩ đây không phải là hiện tượng nhất thời. Nó sẽ kéo dài trong nhiều năm tới”. Chung quan điểm đó, Roberto Martínez cho biết: “Tôi nghĩ hiện tượng này sẽ kéo dài. Ngay cả Stoke City cũng bỏ tiền chiêu mộ Xherdan Shaqiri thì các bạn biết rồi đấy. Những đội bóng chiếu dưới ở Premier League sẽ ngày càng chịu chi hơn”.
Nói về Premier League, Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha, Javier Tebas đã gọi giải đấu này là “NBA của thế giới bóng đá”, khi mà cách biệt giữa những CLB đang càng ngày càng thu hẹp. Ông nói: “Tôi tin Premier League sẽ trở thành NBA của thế giới bóng đá trong vòng 5 năm tiếp theo. Khi ấy, các giải đấu khác ở châu Âu chỉ như thứ cấp”.
Mùa giải tới, số tiền bản quyền truyền hình của Premier League sẽ chạm mốc mới 8 tỷ bảng/3 năm. Đương nhiên, những CLB ở giải đấu này sẽ được hưởng lợi lớn. Nhưng nghịch lý rằng, nó có thể khiến thành tích của các CLB Anh ở cúp châu Âu đi xuống.
Bởi lẽ, mỗi trận đấu với các CLB Premier League giờ đây như trận chung kết. Họ chẳng thể rảnh rang tính toán và thi đấu ung dung ở giải quốc nội như Bayern Munich, Barcelona, PSG. Điều đó khiến những CLB Anh không có sự chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu cao nhất châu Âu cấp độ CLB.
Thực tế chứng minh điều đó. Kể từ mùa 2011/12, khi Chelsea giành chức vô địch Champions League, người ta không thấy bất kỳ đại diện nào ở Anh xuất hiện ở vòng bán kết. Mùa này, họ chỉ còn đúng Man City tham dự vòng tứ kết.
Đó là tình trạng ở Champions League, còn tại Europa League, chẳng khó hiểu khi Southampton, Tottenham đều chủ động buông ở giải đấu này. Đơn giản, tiền thưởng cho nhà vô địch Europa League (khoảng 30 triệu euro) chẳng đủ kích thích họ.
Theo news.90mi.vn