Phi công chê lương Vietnam Airlines thấp. Hàng loạt nhân sự của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VAECO chuyển đi với lý do thu nhập thấp.
Hiện tượng phi công, nhân viên kỹ thuật cao của Vietnam Airlines cáo ốm hàng loạt trong dịp Tết Dương lịch vừa qua khiến lãnh đạo hãng đau đầu. Đến cuối năm 2014, Vietnam Airlines có 734 phi công, trong đó 535 người Việt. Mức lương trung bình của tất cả các phi công là 74, 8 triệu đồng trong năm 2013. Trong đó, phi công người nước ngoài nhận lương cao gấp đôi đến ba lần so với phi công Việt Nam. Một Cơ trưởng tàu bay A320/321 của Vietnam Airlines cho biết lương phi công nội của Vietnam Airlines chỉ bằng nửa so với Vietjet Air. Vì lý do lương thấp, nhiều phi công đã chọn cách nghỉ việc, chuyển sang hãng hàng không tư nhân.
Không riêng phi công, Vietnam Airlines đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám nhân sự cấp cao khác thuộc các khối kỹ thuật vì vấn đề lương thưởng. Mới đây, một trưởng ban của Vietnam Airlines chuyển sang Vietjet Air để nhận mức lương gấp cao gấp ba lần.
Tình trạng trên cũng xảy ra cả với nhiều công ty khác trong ngành hàng không. Jetstar Pacific chứng kiến gần chục người gồm việc phi công, nhân viên kỹ thuật, nhân viên điều hành bay chuyển sang Vietjet Air, theo tính toán của một lãnh đạo của Jetstar. Công ty kỹ thuật máy bay VAECO - một công ty con của Vietnam Airlines, từng gây xôn xao khi hàng loạt nhân viên kỹ thuật xin nghỉ việc để chuyển sang Vietjet, khiến công ty phải ban hành hợp đồng buộc nhân viên bồi thường tiền tỷ nếu nghỉ việc. Tại VAECO, nhân viên kỹ thuật cấp thấp được trả lương 7, 5 triệu đồng, sang Vietjet Air có thể nhận lương gấp đôi, gấp ba.
* Nhân viên hàng không mất tiền tỷ nếu nghỉ việc
Cơn khát nhân sự trong ngành hàng không diễn ra thời gian gần đây chủ yếu do tốc độ tăng trưởng nhanh của hàng không tư nhân. Bắt đầu từ con số 0 cách đây 5 năm, hiện nay số lượng nhân sự của Vietjet lên con số hơn 1.000 người. Với 12 chiếc máy bay và sẽ tăng thêm trong thời gian tới, hãng cần một lượng khá lớn phi công, nhân viên kỹ thuật, điều hành bay. Một phi công của Vietnam Airlines cho biết kể từ khi Vietjet Air xuất hiện và trả lương cao, bản thân các phi công bắt đầu có sự so sánh.
Hiện tượng chảy máu chất xám trong ngành hàng không đã gây ra những thiệt hại không nhỏ. Theo một đại diện Vietnam Airlines, các vị trí phi công, kỹ thuật đều là lao động đặc thù, mất nhiều thời gian để đào tạo và cũng không nhiều cơ sở đào tạo. Với ngành phi công, trong hợp đồng với một nhân sự của hãng, Vietnam Airlines tính toán họ mất khoảng 1, 7 tỷ đồng để đào tạo nên một phi công cơ bản tại Học viện Hàng không ESMA (Pháp) trong khoảng thời gian 72 tuần.
Còn với ngành kỹ thuật, theo tính toán của Công ty kỹ thuật máy bay VAECO, để đào tạo một sinh viên kỹ thuật mới ra trường thành nhân viên kỹ thuật máy bay level A (thấp nhất) cần đến 3 năm. Đào tạo được một nhân viên level B cần tới 5 năm và có những người vừa học vừa làm hơn chục năm mới đến được level C. Theo Giám đốc kỹ thuật bảo dưỡng của một hãng hàng không, hiện số lượng nhân viên level B ở Việt Nam không nhiều, còn level C chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vì mất công và thời gian đào tạo, trả lương cao là cách nhanh nhất để có nhân lực chất lượng cao, vị này nhận định.
Về phía Vietjet Air, nơi đang được cho là hút nhiều nhân sự từ các công ty khác trong ngành, đại diện hãng cho biết đã tuyển một số phi công và nhân viên kỹ thuật từ Vietnam Airlines. Không bình luận về số lượng 100 phi công, nhân viên kỹ thuật của Vietnam Airlines đòi "lãn công", song lãnh đạo Vietjet cũng cho biết kể cả khi nhận thêm nhiều máy bay thời gian tới, hãng cũng chỉ tuyển dụng thêm vài chục phi công.
Đại diện này cho rằng trong môi trường kinh doanh bình đẳng, nếu ở đâu trả lương cao hơn thì người lao động có quyền lựa chọn. Vị này tự đánh giá không phải Vietjet Air đang trả lương cao, mà chỉ là phù hợp với mặt bằng khu vực. Bên cạnh đó, Vietjet Air cho rằng yếu tố khiến người lao động lựa chọn nơi làm việc không chỉ vì lương, mà còn vì môi trường lao động. Theo đó, người lao động sẽ thích làm việc tại những nơi mà họ được đối xử tốt, giúp họ có tinh thần thoải mái.
Các công ty, hàng hàng không và cả cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau nhằm đối phó với tình trạng chảy chất xám. Ví dụ, lãnh đạo Jetstar cho biết họ phải tăng cường đào tạo đội ngũ kỹ thuật trẻ kế cận để bổ sung nguồn nhân lực. Tăng lương cũng là một biện pháp mà Jetstar đang làm. "Ngoài ra, quan trọng nhất là môi trường lao động. Chúng tôi chú trọng xây dựng môi trường tốt, nhất là khi hãng được kế thừa được quy trình quản lý từ Tập đoàn Qantas của Australia", Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà nói.
Còn với Công ty kỹ thuật máy bay VAECO, biện pháp đưa ra là yêu cầu nhân viên ký lại hợp đồng lao động, trong có những ràng buộc như nhân viên sau khi được đào tạo phải làm việc tại công ty 10 đến 20 năm. Ai nghỉ việc sẽ phải bồi thường số tiền công ty đã bỏ ra để đào tạo (từ 700 đến 1, 3 tỷ đồng).
Tại Vietnam Airlines, mới đây hãng đã gửi thư mời các phi công tham dự buổi phổ biến về chế độ tiền lương mới, áp dụng từ 1/1/2015. Theo đó, khung mức lương cơ bản của phi công Việt được điều chỉnh theo hướng tăng so với trước.