1. Vừa vặn
Áo sơ mi phải mặc vừa người thì trông mới đẹp. Vì thế khi mua áo, bạn nên đặc biệt chú ý những chi tiết sau:
- Phần nách có độ hẹp vừa đủ để khi mặc vào không bị mất thời gian
- Cổ áo không thít quá chặt vào cổ hay quá rộng
- Đường cúc áo khi cài phải thật khít, không bị tõe ra ở phần ngực
- Ống tay áo vừa đủ dài
- Sống cổ áo phải dựng thẳng lên được và có độ dài vừa với cổ
- Đường vai vừa vặn, không bị thừa hay chật
- Vạt áo dài không dài quá hay ngắn quá
2. Giặt khô
Nhiều người có xu hướng giặt khô áo sơ mi hơn là giặt thường vì họ nghĩ giặt khô sẽ giữ áo bền hơn. Nhưng thực chất giặt ở nhà là tốt nhất. Mồ hôi, đồ ăn, dầu mỡ, các chất khó tẩy thì giặt khô không thể giặt sạch được hết và lại rất tốn tiền. Các máy giặt bây giờ đều có chế độ giặt đồ nhẹ, bạn nên dùng chế độ này với áo sơ mi. Còn nếu áo sơ mi của bạn là áo vải lụa thì giặt tay là ok nhất.
3. Phụ kiện
Để chiếc áo sơ mi thêm hoàn hảo, bạn nên cho chúng cặp kè với vài phụ kiện xinh xinh. Thông dụng nhất là chiếc vòng cổ, vừa làm mềm mại khu cổ áo, vừa khiến chiếc áo bớt đơn điệu. Với áo sơ mi ngắn hay cắm thùng thì độ dài của vòng cổ khoảng 50 cm là vừa. Còn với áo sơ mi dáng dài thì nên đeo vòng dài cỡ 80 cm.
Một phụ kiện rất ổn khác là hoa gắn ngực áo. Muốn nền nã lịch sự thì một bông hoa kim loại đính đá nhỏ nơi ngực áo là ngon lành. Còn nếu mặc áo sơ mi đi tiệc, bạn có thể chơi nguyên một đóa hoa vải to làm điểm nhấn.
4. Giặt tẩy
Trên thị trường có 2 loại tẩy trắng: Loại alkeline yếu dạng bột và loại axit yếu dạng lỏng. Loại bột có tính tẩy mạnh hơn, nhưng muốn tẩy từng vùng bị ố vàng thì lại nên dùng loại lỏng. Khi tẩy theo vùng, bạn nên pha thuốc tẩy với tỉ lệ 1:1, đổ trực tiếp vào vùng cần tẩy, sau một lúc khi thuốc đã ngấm, bạn cho cả áo vào máy giặt. Để áo sơ mi luôn trắng sáng, trước khi giặt bạn ngâm với thuốc tẩy và nước tầm 20 phút, dùng bàn chải đánh qua những vết ố khó giặt. Nếu ngâm nước nóng 40 độ C thì hiệu quả sẽ càng cao.
5. Cổ áo
Đặc điểm quan trọng nhất của áo sơ mi là phần cổ áo. Nếu công việc của bạn yêu cầu mặc nhiều áo sơ mi thì nên sưu tập đủ các loại cổ áo từ loại phổ thông cổ Đức cho tới cổ truyền thống, cổ buộc nơ… cho các dịp khác nhau.
6. Họa tiết
Với áo sơ mi trắng thì nên chọn loại có họa tiết in chìm ở dưới để tránh bị đơn điệu. Hoặc nếu không loại sơ mi có dún bèo, cổ nơ hay các nếp gấp cũng là lựa chọn hay.
Size: Với người Việt vốn nhỏ nhắn thì áo cỡ X và XS rất được ưa chuộng.
Nguồn gốc: Thương hiệu đầu tiên của áo sơ mi là Charvet (năm 1838) và còn nổi tiếng đến tận bây giờ
7. Nước thơm quần áo
Một số nhãn mỹ phẩm có bán loại nước thơm làm mềm quần áo. Nếu có tiền, bạn nên đầu tư một lọ nước này dùng riêng cho áo sơ mi, vừa làm vải mềm mại mà lại có mùi rất dễ chịu. Hương lavander và hương chanh còn có tác dụng chống côn trùng.
8. Cách gấp áo sơ mi
B1. Cài cúc vào, xếp vai ngay ngắn
B2. Dùng một tấm bìa cứng (khoảng 30x21cm) đặt lên phần sau lưng áo, gấp 2 bên áo vào trong
B3. Gấp đường ống tay áo sao cho cổ tay áo vừa khít với chân áo
B4. Gấp ngực ngược lại đằng sau theo đường dưới của tấm bìa cứng
B5. Quay lại áo về phía trước, rút tấm bìa ra
9. Là ủi
6 bước là một chiếc áo sơ mi:
Là cổ áo: là từ hai bên trái phải vào chính giữa
Là đường cúc áo: Là từ mặt sau rồi quay lại là mặt trước
Là cổ tay:Là từ bên trong, cả hai bên trái phải
Là hai bên ống tay áo, cho nếp li
Là lưng áo từ bên trong
Là mặt trước, căn sao cho không làm nhàu mặt sau áo
10. Bảo quản
Nên quy hoạch một khu riêng chỉ để treo áo sơ mi trong tủ quần áo của bạn. Áo sơ mi trắng để trong tủ lâu ngày dễ bị ố vàng thì nên để trong túi riêng, mỗi chiếc thả một gói chống ẩm vào thì càng tốt
11. Móc treo
Chọn loại mắc áo có độ rộng vừa với độ rộng của vai áo.
(theo 2!Đẹp)