Kinh doanh trong một lĩnh vực khá đặc trưng là thiết bị y tế, điều hành một Cty toàn cầu, 16 năm chèo lái BMS với những bước đi tự tin, vững chãi là minh chứng cho khả năng lãnh đạo và chiến lược kinh doanh đúng đắn của CEO Phạm Thị Tú Oanh. Ở chị, đằng sau một người phụ nữ duyên dáng, đằm thắm tôi cảm nhận được một nữ doanh nhân thế hệ CEO 2.0 bản lĩnh và quyết đoán.
Sản phẩm tốt vẫn chưa đủ
Theo nữ doanh nhân Phạm Thị Tú Oanh, làm kinh doanh cần nhất là chữ tín, kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị y tế thì giữ uy tín về một sản phẩm tốt là yếu tố quyết định thành bại. Phát triển từ Cty mẹ là tập đoàn BMS ở Singapore, vào VN từ năm 1995, sở dĩ BMS phát triển và thành công ở VN cũng là nhờ nền móng vững chắc từ chiến lược kinh doanh kiên định này của người đứng đầu BMS.
Hiện nay, BMS là đối tác thân thiết, lâu năm của hầu hết các bệnh viện lớn với thế mạnh là cung ứng các thiết bị phòng mổ, dụng cụ tiêu hao cho khoa chấn thương, thiết bị chuẩn đoán; cung ứng dụng cụ phẫu thuật và vật tư y tế tiêu hao dùng trong phòng mổ. Thế mạnh của BMS là khả năng bao quát thị trường nhờ mạng lưới Cty rộng khắp tại các tỉnh thành lớn trong cả nước và có sự liên kết chặt chẽ với các Cty trong cùng hệ thống. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế, tiêu hao y tế, BMS là đại diện độc quyền nhiều năm nay của các hãng sản xuất đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật mổ nội soi, chấn thương, thiết bị trong phòng mổ, tiêu hao cao cấp.
Đặc biệt, sau 13 năm nhập khẩu mặt hàng túi ép, năm 2010 BMS quyết định đầu tư, hợp tác với Phần Lan xây dựng nhà máy sản xuất bao bì y tế đầu tiên tại VN nhằm hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh trong nước và thương trường quốc tế, xây dựng thương hiệu Việt. Nhà máy sản xuât túi ép tiệt trùng, bao bì y tế BMS là nhà máy đầu tiên tại VN sản xuất túi ép tiệt trùng, toàn bộ dây chuyền công nghệ được nhập khẩu từ Phần Lan. Với sản phẩm chất lượng cao không thua kém hàng nhập ngoại mà giá chỉ bằng 1/2 so với hàng nhập khẩu, hiện nay, sản phẩm của nhà máy chiếm lĩnh 95% thị trường túi ép tiệt trùng trong nước. Bên cạnh đó, 15% sản lượng của nhà máy đã được xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Philippines...
CEO Phạm Thị Tú Oanh chia sẻ : Thiết bị y tế là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của việc thăm khám, điều trị, hỗ trợ tích cực cho thầy thuốc trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đội ngũ y bác sĩ VN giỏi, tâm huyết có trình độ chuyên môn cao tuy nhiên việc đáp ứng các thiết bị, các giải pháp về y tế để phục vụ công tác chăm sóc chữa trị còn thiếu. Thực tế hàng năm, người bệnh trong nước tiêu tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để tìm đến các cơ sở y tế ở nước ngoài chữa bệnh. vì thế mục tiêu lớn nhất mà BMS đặt ra là trở thành cầu nối chuyển giao ứng dụng và phát triển kỹ thuật, cung ứng, sản xuất thiết bị y tế theo những phương pháp tiến bộ, có chất lượng tốt nhất trên thế giới vào VN.
Với phương châm đó, BMS đã có những bước phát triển vững chắc, trở thành một trong những công ty uy tín trong lĩnh vực thiết bị y tế và dụng cụ tiêu hao trong y tế tại Việt Nam. Doanh thu trung bình của BMS tại VN khoảng 600 tỉ đồng/năm.
Cần phải có dịch vụ tốt
Với phương châm "Sản phẩm tốt vẫn chưa đủ, cần phải có dịch vụ tốt", CEO Phạm Thị Tú Oanh cho rằng, dịch vụ tốt không chỉ là chế độ hậu mãi tốt, dịch vụ tốt còn được tạo ra từ đội ngũ nhân viên tận tình, biết lắng nghe, dịch vụ tốt còn được tạo ra từ những cam kết và trách nhiệm của Cty với môi trường, với xã hội và với cộng đồng.
Thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc biệt. Ngoài yếu tố được bán sử dụng như các loại hàng hóa thông thường, các thiết bị y tế, đặc biệt là các thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến đòi hỏi sự hướng dẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu mục tiêu chữa bệnh trong y tế. Bên cạnh đó, vấn đề bảo trì, bảo dưỡng thiết bị phải được thực hiện thường xuyên để đảm bảo toàn bộ quá trình hoạt động của thiết bị. Những vấn đề này đều được thực hiện nghiêm túc, chu đáo bởi đội ngũ chuyên gia của BMS. Để cập nhật những công nghệ mới trong y tế đồng thời tạo ra những cơ hội để các bác sĩ trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm đối với những bệnh lý mới. hàng năm BMS thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tham gia các khóa tập huấn, đào tạo ở nước ngoài, tổ chức các hội thảo y khoa về các phương pháp phẫu thuật để tiếp cận kịp thời các công nghệ kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, tham gia các triển lãm y dược toàn quốc... Hàng năm BMS đầu tư khoảng 3 % doanh thu tương đương với gần 20 tỉ đồng để tổ chức các đoàn bác sỹ tham gia các khóa tập huấn, đào tạo ở nước ngoài, tổ chức các hội thảo y khoa về các phương pháp phẫu thuật để tiếp cận kịp thời các công nghệ kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, tham gia các triển lãm y dược toàn quốc...
Sản phẩm tốt vẫn chưa đủ, cần phải có dịch vụ tốt" là phương châm hoạt động của BMS.
|
Nguồn nhân lực cũng là yếu tố được ban lãnh đạo BMS tập trung phát triển. Nhân viên BMS sau khi tuyển dụng sẽ được tiếp tục tham gia các khoá đào tạo trong và ngoài nước để khi làm việc với khách hàng, nhân viên của BMS sẽ mang đến cho khách hàng sự hài lòng nhất. Bộ phận đào tạo của Cty luôn đảm bảo cập nhật những công nghệ tiên tiến, các chương trình đào tạo về kỹ thuật phục vụ cho ngành y tế cũng như các chương trình đào tạo về thiết bị y tế thông tin mới nhất, cập nhật nhất cũng được tổ chức thường xuyên. Hầu hết các nhân viên kỹ thuật của BMS đều có chứng chỉ đào tạo tại nước ngoài, chứng chỉ do các
hãng cấp.
Hiện tại, ngoài điều hành BMS, chị Phạm Thị Tú Oanh còn là Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Hà Nội, một sân chơi chia sẻ kinh nghiệm điều hành DN của các CEO Thủ đô. Chị Phạm Thị Tú Oanh và các doanh nhân trẻ trong câu lạc bộ CEO Hà Nội đã có nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ chương trình Khởi nghiệp quốc gia của VCCI như : Hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo Giảng viên nguồn Khởi sự DN, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm Khởi nghiệp với các bạn trẻ Khởi nghiệp.
Thay lời kết
Đến tận bây giờ, khi BMS đã trở thành Cty cung cấp thiết bị vật tư y tế khá lớn mạnh ở Việt Nam, nhiều người vẫn nhắc đến câu chuyện người phụ nữ Phạm Thị Tú Oanh – Giám đốc BMS ngày thường rắn rỏi là thế mà đã ôm mặt khóc nức nở giữa hội trường khi Cty chị là cái tên đầu tiên trượt thầu. Nữ thuyền trưởng BMS tâm sự: “Khi mới bắt tay vào kinh doanh, tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như phải dừng lại nhưng tôi tự nhủ, phải quyết tâm vì phía sau mình là cuộc sống của biết bao cán bộ nhân viên, đó chính là động lực để tôi nỗ lực, chèo lái BMS”.
Chia sẻ về bí quyết “dùng người”, CEO Phạm Thị Tú Oanh nhắc đến “bộ gen văn hóa BMS”. Cũng đơn giản thôi, chị xây dựng ở BMS văn hóa triết lý là : Hành động nhanh và chính xác; Giữ bản thân luôn tươi như hoa; Tận tụy chăm chỉ như con ong kiếm mật; Thái độ lắng nghe cầu thị và chia sẻ. Văn hóa hành động là: Không nói lý do – Chỉ nói kết quả; Mỗi ngày lao động là một ngày tạo ra giá trị gia tăng; Không tranh luận – Chỉ nói giải pháp; Không cá nhân; Không vụ lợi.
Lúc đầu, tôi nghĩ, chắc chị kinh doanh trong lĩnh vực y tế nên thích “chơi chữ” trong ngành, nhưng càng ngẫm, tôi càng thấy chị có lý. Nếu tất cả những văn hóa triết lý và văn hóa hành động kia mà “ngấm” vào nhân viên BMS như những bộ gen, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì có lẽ văn hóa BMS sẽ là bộ “gen trội” làm nên thành công của BMS, thành công của nữ doanh nhân Phạm Thị Tú Oanh.
Hồng Thắm