BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Nhà đẹp » Sinh vật cảnh » Cây cảnh- Hoa cảnh- Bonsai » Cây Mai - Hoa Mai » Cách trồng và chăm sóc cây Mai » Chi tiết tin

Chăm mai sau Tết ở Bình Định

  Ngày: 18/02/2008
Tôi trở về làng mai Háo Đức, xứ sở của loài mai xuân, vào những ngày “hạ nêu” và bắt gặp một không khí náo nức không kém gì những ngày trước Tết. Trên đường cộ trâu, ba gác máy nhộn nhạo, kẻ chở mai, người đưa phân, đưa đất nhập vườn... để tái sinh cho một mùa hoa mai mới.


Chăm mai sau Tết ở Bình Định
Chăm sóc mai sau Tết.

Chơi hoa kiểng có lẽ không gì khó cho bằng chơi mai và có lẽ cũng không gì thú cho bằng chơi mai bởi vậy đã có bao nhiêu người “chết” vì mai vậy mà vẫn cứ mê mai, bởi hoa mai trong tiềm thức người phương Đông đã trở thành một biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết. Sinh thời Cao Bá Quát có câu thơ nổi tiếng: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm, Nhất sinh đê thủ bái mai hoa. Trong hội họa xưa thì mai đứng đầu trong bộ tứ bình: mai, lan, cúc, trúc... Vẻ đẹp của mai thì mỗi người có thể có một cảm nhận riêng song nét đặc sắc của cây mai ấy là sự sóng đôi cùng mùa xuân như một định mệnh. Đó là một loài hoa nở sớm nhất của mùa xuân, bất chấp có hay không sự điểm tô của chồi, lộc khi lá già của năm cũ rụng đi... Mai còn có vẻ đẹp của cốt cách mà đại thi hào Nguyễn Du từng đúc kết: Mai cốt cách tuyết tinh thần...
 
Tóm lại, nếu là người chơi mai thực thụ phải biết hết vẻ đẹp của cây mai từ gốc đế, dáng thế, chi cành đến nụ hoa... Người Bình Định từng nổi tiếng là sành chơi mai, song, gần mười năm qua, khi xuất hiện làng mai thương phẩm Háo Đức (xã Nhơn An, huyện An Nhơn) thì Bình Định đã trở thành xứ sở của loài hoa này và chính cách chơi mai của Bình Định đã chi phối không nhỏ đến trào lưu chơi mai cả nước...
 
Tôi có thâm niên hơn chục năm trồng mai và từng có vườn mai nghìn cây, từng qua chục năm thức đêm, dầm sương dãi gió bán mai ở chợ hoa mỗi dịp xuân về nhưng chưa bao giờ dám nói rằng mình hiểu biết nhiều về cây mai, bởi loài hoa thanh khiết và tao nhã này đã có quá nhiều tao nhân mặc khách xưa nay hun đúc vào nó với bao điều triết lý... Nhưng ngày xuân tôi thường có thói quen dạo chơi làng tuồng, làng mai - những làng quê đặc sắc của xứ sở Bình Định - và cảm khái trước niềm vui, nỗi buồn của người trồng mai, chơi mai mà rút ruột viết đôi dòng về cây mai sau Tết. Nhất là những ngày này, cứ bước ra đường, dù là ở thành phố Quy Nhơn hay An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước... lại thấy những cánh hoa mai lả tả bay theo dấu những xích lô, ba gác, cộ trâu, xe máy, thậm chí là xe tải... Có một “thống kê vỉa hè” cho biết gần 50% dân Bình Định chọn mai chưng vào dịp Tết.
 
Chăm mai sau Tết ở Bình Định
Nghệ nhân Đặng Xuân Ngữ ở làng mai Háo Đức chăm mai sau Tết. 

 
Từ lao động nghệ nhân...

Cúc, vạn thọ, thược dược... và cả hoa hồng chẳng thể sánh bằng mai về tuổi thọ. Tất cả gần như chỉ một lần mãn khai và trở về cát bụi, còn với cây mai càng lão càng đẹp, càng quý. Bởi thế sau mỗi độ nở hết lòng cho mùa xuân, cây mai lại được chăm chút trở lại. Dẫu đã thực thụ mãn khai hay vẫn còn đó những búp nụ muộn mằn, cứ sau ngày hạ nêu, cây mai lại được đưa về vườn (hoặc chí ít là vị trí có cái nắng, có cái gió...) để được chăm chút.
 
Đầu tiên phải là tỉa cành, tạo dáng trở lại cho cây mai. Người Bình Định chơi mai khó tính và phần đông còn rất khuôn mẫu nên ngoài việc yêu cầu cây mai phải có gốc đế to, mạnh mẽ, hình thù càng cổ quái càng hay còn yêu cầu phải có dáng uốn lượn mềm mại, chi cành phân bố cân đối và phải nhỏ dần về phía ngọn. Chính vì yêu cầu này mà việc cắt sửa cây mai sau ngày Tết là điều tối quan trọng. Chẳng thế mà anh Nguyễn Văn Huy (đường Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn), mới sau mùng bảy Tết đã giục giã nghệ nhân Huỳnh Văn Khoa từ xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn về Quy Nhơn cắt sửa cho anh mấy cây mai với sự trân trọng, ưu đãi hết mực.
 
Cả làng Háo Đức những ngày này náo nức như một nông trường vào vụ. Vườn mai của anh Đặng Xuân Ngữ (người mới bán một cây mai trước Tết nguyên đán với giá 85 triệu đồng) có gần chục người đang làm công việc chăm mai sau Tết trong đó có bốn nghệ nhân. Anh Trường Hào, một nghệ nhân cắt sửa mai cho cơ sở cây cảnh Hòa Thanh, tâm sự: “Những ngày này các nghệ nhân ở Háo Đức làm việc không ngơi tay. Giá công cho nghệ nhân thấp nhất là 80.000 đồng/ ngày. Nếu được rước đi xa thì có thể cao hơn...”. Phía đối diện, vườn mai của ông Nguyễn Xuân Dương cũng đang thuê chị Thắm, chị Nhi, chị Hai làm công việc rút cây tựa, cắt hoa, làm cỏ... Tiền công cho các chị chỉ là 35.000 đồng mỗi ngày! Công việc của nghệ nhân là cắt cành, tạo dáng... thậm chí là bổ khuyết cho một cây mai vốn bị “lỗi”.
 
Thấy tôi ngạc nhiên trước một vết xẻ thành rãnh trên một cành mai, nghệ nhân Huỳnh Văn Khoa giải thích: “Chi này bị lỗi do ở phía dưới nhưng lại nhỏ hơn chi phía trên, nên phải chích thế này để nhựa tích tụ nuôi cho mau lớn...”. Lại thấy anh lục đục khoan một lỗ xuyên qua thân một cây mai để xâu một nhánh của chi phía dưới bổ khuyết cho chi vốn đã bị chết lao... Công việc của một nghệ nhân quả đúng là phức tạp, chả thế mà tiền công cao gấp 3 lần công lao động bình thường dẫu cùng làm việc trên một cây mai.
 
Tuy nhiên, sau Tết cây mai không chỉ cần tạo lại dáng thế mà còn đòi hỏi phải thay đất mới. Mai rất kén đất. Muốn mai được tốt, cho búp hoa nhiều vào năm sau, đất trồng mai phải đạt yêu cầu là đất phù sa màu mỡ... Tốt nhất là đất lấy ở các bãi soi ven sông ngay sau mùa lũ lụt.
 
Chăm mai sau Tết ở Bình Định
Đưa mai về vườn chăm. 

 
... đến dịch vụ cung cấp đất

Là người trồng mai có thâm niên, lại ở thành phố, gần mươi năm trước chuyện đau đầu đối với tôi vẫn là thay đất cho mai. Hồi ấy, cứ sau ngày Tết, tôi lại tất tả mang bao về An Nhơn lấy đất. Biết cây mai phù hợp với đất phù sa, tôi đã chọn những đám bắp ở ven cầu Xi ta thuộc thôn An Ngãi, Tiên Hội của xã Nhơn Hưng và phải chọn thời điểm giữa trưa (để tránh sự phát hiện gây phiền toái của chủ ruộng). Tôi moi từng nắm đất cho vào bao, đủ đất cho một bao thì đầu 5 ngón tay cũng chực tóe máu. Về sau, cứ sau mỗi vụ lụt, tôi lại về An Ngãi tìm chủ một cộ trâu và cùng cộ trâu đi ven sông lùng kiếm đất, chỗ này lấy dăm nhát xẻng lại đi chỗ khác. Đủ cộ thì đánh trâu ra đường rồi cho đất vào bao và thuê xe lam đưa về Quy Nhơn...
 
Vài năm gần đây, khi cây mai Háo Đức nói riêng và cây mai Bình Định nói chung phát triển rầm rộ, trở thành mai thương phẩm được xuất bán khắp dọc dài đất nước mỗi độ xuân về, các dịch vụ phục vụ cho nghề trồng mai đã hình thành và đáp ứng gần như đủ mọi yêu cầu cho người trồng mai.
 
Chăm mai sau Tết ở Bình Định
Cộ trâu chở đất cho mai. 

Người cung cấp đất trồng mai nổi tiếng nhất ở làng mai Háo Đức là anh Nguyễn Văn Minh. Từ là chủ một cộ trâu cách đây 10 năm, anh đã chuyển dần sang xe độ chế và 2 năm nay anh mua hẳn chiếc xe ben hiệu Chiến Thắng để làm dịch vụ này. Anh Minh cho biết, trong mùa thay đất mai năm ngoái anh đã chở 70 xe đất cung cấp cho người trồng mai ở khắp An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát và đưa về các dịch vụ bán đất trồng mai ở Quy Nhơn. Năm nay, anh đã bỏ ra 7 triệu đồng để mua 4 sào đất bãi soi rất tốt ở mé sông Bàu Sáo thuộc thôn Thanh Liêm, cận kề với thôn Háo Đức và trước Tết này anh đã chở cho người trồng mai ở Háo Đức 60 xe. Ngoài anh Minh, ở Háo Đức còn có anh Hiền, anh Quý cũng chuyên đi cung cấp đất trồng mai bằng xe độ chế... Ở thị trấn Bình Định lại có anh Nguyễn Văn Phú, anh Thạnh, anh Minh Trọng... cũng là những người chở đất phù sa đi rải khắp các vườn mai.
 
Và có lẽ thế mà giờ đây nếu có nhu cầu về đất trồng mai với khối lượng lớn, chỉ cần nhấc máy bấm vào số 0919332521 gọi anh Phú hoặc 0906452591 gọi anh Minh sẽ có đất trồng mai đưa đến tận nhà. Nếu ở nội huyện An Nhơn giá chỉ khoảng trên dưới 300.000 đồng còn ở thành phố Quy Nhơn giá sẽ gấp đôi cho một xe ben... Nếu có nhu cầu ít hơn bạn có thể đến vườn cảnh ở ga Hàng Không, mỗi xe ba gác giá 60.000 đồng; ít hơn nữa bạn có thể đến dịch vụ cây cảnh Xuân Lý hay dịch vụ của Trung tâm giống cây trồng Quy Nhơn cùng trên đường Nguyễn Thái Học, mỗi bao giá 12.000 đồng và nếu chỉ có một vài cây cần thay đất bạn cứ đến Công viên Quang Trung, cả một dãy 4 điểm dịch vụ bán đủ thứ: đất, phân bò, xơ dừa... Chỉ cần vài ngàn đồng, bạn có thể giúp cho cây mai cưng quý của mình đủ dinh dưỡng hồi phục sức lực sau một cái Tết mãn khai hết lòng.

Quang Khanh

Nguồn:  Báo Bình Định

Các bài đăng trước cùng danh mục   Cách trồng và chăm sóc cây Mai
Kỹ thuật trồng mai - 26/01/2007
Kỹ thuật trồng mai NEWS3658
Trồng mai kiểng là một thú chơi của nhiều người. Tuy nhiên, trồng như thế nào là đúng cách, trồng như thế nào để có được chậu mai kiểng đẹp? – Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm. ...
Xem thêm
Bài thuốc mai nở không rụng của một lão nông - 09/01/2007
Bài thuốc mai nở không rụng của một lão nông NEWS3658
Để mai nở không rụng, ông Năm Hiếu ở Bình Thủy, Cần Thơ pha hỗn hợp gồm auxin, các nguyên tố đa, vi lượng. Cứ 10 gram thuốc pha với 5 lít nước rồi phun một lần duy nhất lên toàn bộ cây ...
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Nhà đẹp » Sinh vật cảnh » Cây cảnh- Hoa cảnh- Bonsai » Cây Mai - Hoa Mai » Cách trồng và chăm sóc cây Mai
Tìm liên quan » Chăm mai sau Tết ở Bình Định
Đang xem » Chăm mai sau Tết ở Bình Định