Đồi Thịt Băm (Hamburger hill) hoặc cao điểm 937 theo cách gọi của người Mỹ và đỉnh A Bia của người dân địa phương thu hút mọi người bởi câu chuyện liên quan đến chiến tranh, cả trong lịch sử lẫn huyền thoại.
Từ xã Hồng Bắc, huyện A Lưới đã đầu tư một tuyến đường khá rộng dẫn đến chân núi. Từ đây, chinh phục 853 bậc cấp với chiều dài 1.567m sẽ lên đến đỉnh. Tuy nhiên nhóm khảo sát đã thống nhất cách chinh phục ngọn đồi bằng đường rừng.
Câu chuyện núi rừng
Bắt đầu từ thôn A Hưa, xã Nhâm, chúng tôi được già làng Pa Long Ku Xe cùng bốn chàng trai người Tà Ôi dẫn đường. Đã 76 tuổi nhưng già Pa Long Ku Xe vẫn thoăn thoắt đôi chân, tay cầm dao phát dẫn đầu đoàn người. Ba ngọn đồi cà phê của người dân cùng hai con dốc toàn lau lách mở đầu cuộc chinh phục như thử sức từng người xem có thể tiếp tục quãng đường rất gian khó trước mặt. Băng qua sáu ngọn đồi nối tiếp nữa, cảnh vật hiện ra đẹp như tranh với hàng hàng lớp lớp rẫy lúa cạn của bà con thiểu số.
Ngày 10-5-1969, sư đoàn không vận 101 nổi tiếng của Mỹ tấn công các vị trí của miền Bắc VN dọc đường biên giới với Lào. Đó là đồi 937. Quả đồi này đã được ghi vào lịch sử quân đội Mỹ như một nỗi khổ nhục với biệt danh đồi Thịt Băm. Các bác sĩ bệnh viện di động của quân đội Mỹ nói họ chưa bao giờ thấy nhiều người bị thương đến vậy trong một thời gian ngắn...Trong mười ngày chiến trận ở đồi Thịt Băm, nhà xác vùng 1 chiến thuật lúc nào cũng đầy xác lính Mỹ. “Cuộc hành quân ở đồi Thịt Băm là cuộc hành quân điên rồ và vô trách nhiệm”, thượng nghị sĩ Kennedy đã bày tỏ sự thất vọng hoàn toàn và ông cũng không thể tìm lời nào gay gắt hơn những lời này.
(Trích từ phim Unknown imagine the Vietnam war (Cuộc chiến tranh VN, những hình ảnh chưa được biết đến) của tác giả Daniel Costelle)
|
Theo già Pa Long Ku Xe, những giống lúa này được truyền lại từ “mấy trăm đời trước”, kể cả cách trỉa hạt và chăm sóc. Đó là các giống lúa radư, lúa rẫy và các loại nếp đen, nếp than, gạo đỏ... mà nhiều nhà nông học ở miền xuôi đang trong quá trình tiếp cận nghiên cứu nhằm bảo tồn nguồn giống.
Hết những rẫy lúa bạt ngàn, chúng tôi bắt đầu vào cánh rừng già theo con đường mòn nhỏ. Dốc nối tiếp dốc, 22 thành viên lần lượt chia thành ba... “đẳng cấp”. Tốp đầu tiên do già Pa Long Ku Xe dẫn đầu, vừa đi vừa phát những cành cây, chùm lá bỏ lại trên mặt đường, vừa để thoáng lối vừa làm dấu hiệu cho những nhóm sau.
“Hồi chiến tranh ở đây bom đạn ác liệt lắm. Mình lúc đó là bộ đội Cụ Hồ, đóng ở ngọn núi xa bên kia. Còn ngọn A Bia thì quân giặc chiếm đóng. Hắn đổ bộ bằng máy bay mà người dày đặc. Pháo dập qua chỗ mình dữ lắm. Cả làng cả bản phải dạt sang tận Lào sinh sống, lánh đạn, năm 1973 mới về lại”. Những câu chuyện về núi rừng, về muông thú, về sự khốc liệt của chiến tranh theo lời kể của già Pa Long Ku Xe cứ thế làm mọi người quên bớt mỏi mệt...
Càng đi sâu vào rừng già, những con dốc càng lúc càng nhiều, ngoằn ngoèo và độ dốc càng khủng khiếp. Mọi người bắt đầu đi bằng “ba chân” với cây gậy được vót một đầu nhọn cắm níu vào lòng đất. Khoảng thời gian nghỉ chờ đợi tốp sau lên đến gần nửa giờ. Tiếng chim muông, ve rừng tranh đua vang rền, mọi người cũng biết thêm rất nhiều loại lá, vỏ cây với những công dụng rất đặc biệt qua sự hướng dẫn của già Pa Long Ku Xe...
Phút chiêm nghiệm
Chưa đầy 6km đường rừng nhưng mất đến ba giờ đồng hồ. Mệt nhừ, mồ hôi tuôn như tắm nhưng rồi tất cả đều rất phấn khích khi chinh phục được đỉnh đồi huyền thoại.
Tại khu vực đỉnh đồi, địa điểm sân bay trực thăng A Bia cũ đã được dựng một nhà bia tưởng niệm. Còn tất cả đều là rừng già. Ở góc đông nhà bia vài người phát hiện điểm vọng cảnh lý tưởng. Từ đây có thể phóng tầm mắt xuống thị trấn A Lưới, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, bao bọc bởi trùng điệp núi rừng. Chợt nhận ra lý do tồn tại cái tên đồi Thịt Băm và vị trí chiến lược của nó trong chiến tranh...
Không ai bảo ai mọi người đều dừng lại, ngả mũ nín lặng. Mấy điếu thuốc được đốt cắm lên bát nhang đặt dưới chân bia.
|
Nhà bia tưởng niệm vừa được xây dựng tại khu vực đỉnh đồi Thịt Băm - Ảnh: T.LỘC
|
Xế trưa, chúng tôi tiếp tục tìm đường lên cao điểm 937, vị trí cao nhất đồi Thịt Băm. Men theo một con đường mòn rất nhỏ nằm khuất dưới những bụi gai, mọi người tiến sâu thêm 100m nữa, điểm cao thấp thoáng ngay trước mặt nhưng không còn lối đi nào.
50m rừng còn lại ken đặc bụi cây, ngay dưới đất, len lỏi với đất đai, cây cỏ là những mảnh bao cát, nhựa mỏng... của lính Mỹ. Dưới những gốc cây còn cả những đoạn hầm công sự nhưng không ai biết liệu đâu đấy còn lại bom mìn(?). Nhìn mặt mọi người, ai cũng một chút đăm chiêu, lắng đọng.
Trong khung cảnh chỉ toàn rừng xanh, những trận chiến khốc liệt diễn ra từ hơn 40 năm trước, những âm hưởng của lịch sử và huyền thoại như phảng phất xung quanh.
THÁI LỘC