BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Nhà đẹp » Sinh vật cảnh » Cây cảnh- Hoa cảnh- Bonsai » Cây cảnh khác » Chi tiết tin

Chơi cây cảnh: Cẩn trọng!

  Ngày: 09/12/2010
Nhiều loại cây như: trúc đào, bã đậu, dây leo huỳnh anh… thường được các gia đình, quán ăn, tiệm cà phê trồng trang trí làm cảnh. Thế nhưng, ít ai biết rằng những loại cây này lại có thể gây ngộ độc.


Chơi cây cảnh: Cẩn trọng!
Cây trúc đào - Nguồn: Internet

Đưa con nhập viện chỉ vì… cây cảnh

Thấy con gái 3 tuổi bị nôn, ói mửa, đau bụng, vợ chồng chị Tú Mai (quận Bình Tân, TP. HCM) vội vã đưa con đến bệnh viện. Kết luận của bác sĩ khiến cả gia đình chị bất ngờ: “bé bị ngộ độc vì tiếp xúc với… cây cảnh”.

Chị Tú Mai kể, nhà chị ở mặt tiền một con đường lớn. Để không khí mát mẻ và tránh bụi bặm, vợ chồng có mua và trồng rất nhiều cây cảnh đặt trước sân. Riêng hai chậu trúc đào được để ngay cửa ra vào. Vợ chồng chị đi làm cả ngày, con gái đành giao cho bà giúp việc. “Chắc những lúc bà bận pha sữa hay nấu cháo nên bé ngồi chơi một mình, bò lê la khắp nhà, có thể đã ngậm phải lá hoặc hoa cây trúc đào” - chị Mai nói.

Gia đình anh Đức (quận Tân Phú, TP. HCM) cũng tá hỏa khi cậu con trai 4 tuổi  bỗng nhiên có những triệu chứng nổi hồng ban, mề đay trên da, sưng môi… Đưa con đi khám, vợ chồng anh mới hay: con trai anh chị bị dị ứng do tiếp xúc với… hoa, lá dây leo huỳnh anh trước cửa nhà. “Tưởng mua cây cảnh về trồng cho đẹp, ai dè lại khiến con mình bị ngộ độc” - anh Đức ngỡ ngàng.     

Có thể gây tử vong

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP. HCM, có rất nhiều loại cây cảnh nhìn bên ngoài rất đẹp nhưng nếu tiếp xúc sẽ có nhiều nguy cơ bị ngộ độc.

Trong các bộ phận của cây trúc đào đều chứa chất nhựa màu kem, vàng ngà rồi hóa lục. Nếu nhựa này vấy lên da sẽ gây rát da, viêm da; vào mắt sẽ gây rát mắt, đỏ mắt cấp. Trong nhựa này có các glucosid độc, chủ yếu là oleandrin (còn gọi là neriolin) với tỷ lệ 0,7 - 1 phần nghìn. Đây là chất có tác dụng mạnh đối với tim, nếu dùng đúng liều quy định thì có tác dụng trợ tim, nếu dùng quá liều sẽ gây ngộ độc.

Sau khi chất độc vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như nôn mửa dữ dội, nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, sau đó người mệt lả. Ngộ độc nặng hơn thì có thể trụy tim, tụt huyết áp, hôn mê rối loạn nhịp tim. Ngộ độc quá nặng sẽ dần dần thiếu ôxy lên não. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. 

Chơi cây cảnh: Cẩn trọng!

Cây huỳnh anh - Nguồn: Internet

Còn dây leo huỳnh anh là một loại cây cảnh thường được trồng trước cửa nhà hoặc các quán cà phê, cũng là một loài thực vật độc. Nhiều trường hợp ngộ độc ghi nhận ở trẻ em do chơi ngậm nhai cây, hoa, hoặc nuốt phải nhựa mủ. Triệu chứng ngộ độc khi trẻ ăn phải sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa, gồm đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo triệu chứng sưng môi, choáng váng.

Ngoài gây ngộ độc, cây huỳnh anh cũng rất nhạy với những trẻ có cơ địa mẫn cảm. Khi trẻ sờ phải nhựa mủ trắng của cây sẽ gây viêm da, nổi hồng ban, mề đay. 

Chơi cây cảnh: Cẩn trọng!

Cây bã đậu - Nguồn: Internet

Chất nhựa cây bã đậu khi dính da gây viêm da mạnh, rát bỏng, phồng lên và mọng nước, sau đó thành mụn mủ và tróc da, tạo sẹo vĩnh viễn. Nếu ăn phải vài hạt hoặc 1/2 đến 2 giọt dầu bã đậu, nửa giờ sau sẽ bị đau bụng, nóng rát hậu môn. Ăn nhiều hơn sẽ gây viêm ruột nặng với các triệu chứng ngộ độc như: viêm miệng, viêm họng, nôn mửa, đi tiêu lỏng nhiều, có khi tiêu ra máu, mạch đập nhanh và yếu, huyết áp tụt, có thể dẫn đến tử vong. Hạt bã đậu tây có độc tính cao, tác dụng xổ mạnh, có thể gây chết người. 

Lương y Đinh Công Bảy khuyến cáo: không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước, ao hồ nuôi tôm cá...) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống sẽ làm nhiễm độc nước. Bởi, chất độc của cây trúc đào không bị phá hủy khi đun sôi hoặc qua quá trình phơi khô sấy. Chỉ cần vô tình hít phải khói từ cây trúc đào bị đốt, khi sử dụng cành cây để xỉa răng hoặc uống nguồn nước mà các bông hoa đã rụng xuống cũng bị ngộ độc…

Trường hợp ngộ độc từ cây trúc đào nên dùng than hoạt tính, than củi để hỗ trợ sự hấp thu nhằm đưa ra ngoài các chất độc còn lại trong cơ thể. Kích thích gây nôn và rửa ruột là các biện pháp bảo vệ cần thiết để giảm sự hấp thụ các hợp chất có độc.

Cách gây nôn: Dùng ngón tay đã rửa sạch hoặc lông gà sạch ngoáy vào họng hoặc vào phần cuống lưỡi, gây kích thích, tạo phản xạ nôn.

Có thể pha 3 muỗng cà phê muối vào một cốc nước 100ml, cho uống hết. Nước muối kích thích trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, gây nôn.

Khi bị ngộ độc cây bã đậu, có thể gây nôn, rửa dạ dày, cho uống nước lòng trắng trứng hoặc than hoạt tính (1-2 muỗng canh). Theo kinh nghiệm dân gian có thể lấy lá chuối tây rửa sạch, ép lấy nước cho uống liền sau khi bị ngộ độc, rồi tìm cách gây nôn và đưa đi cấp cứu.

Trường hợp ngộ độc nặng cần đưa đến bệnh viện ngay để xử lý kịp thời.


Thủy Thanh

Nguồn:  Phunuonline.com.vn
Các bài đăng trước cùng danh mục   Cây cảnh khác
Sinh vật cảnh: chào hàng sớm mùa tết - 03/12/2010
Sinh vật cảnh: chào hàng sớm mùa tết NEWS1835
Lễ hội sinh vật cảnh và thương mại đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (1 – 5.12.2010) thật sự là một cuộc hội ngộ lớn của giới nghệ nhân sinh vật cảnh từ ...
Xem thêm
Câu chuyện quá lạ lùng về cây cảnh triệu năm tuổi! - 30/11/2010
Câu chuyện quá lạ lùng về cây cảnh triệu năm tuổi! NEWS1835
Tôi như muốn thêm một lần quỳ lạy cái sự nhiệm màu thần thánh của đất trời, khi được nhìn tận mắt, sờ tận tay vào cái cây cảnh hoá đá đó.
Xem thêm
Bí quyết giữ hoa tươi ngày tết - 08/02/2010
Bí quyết giữ hoa tươi ngày tết NEWS1835
Ngày tết, chậu mai và những loại cây kiểng gần như không thể thiếu ở mỗi nhà. Làm sao để có được một cây mai đẹp, làm sao chọn được chậu hoa treo tươi tắn?
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Nhà đẹp » Sinh vật cảnh » Cây cảnh- Hoa cảnh- Bonsai » Cây cảnh khác
Tìm liên quan » Chơi cây cảnh: Cẩn trọng!
Đang xem » Chơi cây cảnh: Cẩn trọng!