BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Du lịch » Du lịch quốc tế » Đức (Germany) » Chi tiết tin

Đến Berlin đi... xe đạp

  Ngày: 17/08/2012
Đón tôi từ một nhà trọ bình dân tại tây Berlin, người bạn Đức Paul Siebert đưa tôi về nhà mượn chiếc xe đạp Kettler của cô em gái và giải thích rằng mùa hè, đi dạo phố và tham quan Berlin bằng xe đạp là hợp lý nhất.


Đến Berlin đi... xe đạp
Làn đường dành cho xe đạp có thể nằm trong trục đường giao thông chính, cũng có thể nằm trên vỉa hè dành cho người đi bộ. Ảnh:

Từ nhà Paul đạp xe ra khu phố cổ Berlin mất khoảng 45 phút. Paul giới thiệu cho tôi tất cả các công trình nguy nga, đồ sộ, từ nhà quốc hội cho đến những nhà hát opera, nhà ga tàu hoả… ở trung tâm thành phố. Các công trình xây dựng và hệ thống giao thông công cộng đều thể hiện sự hiện đại của đất nước có nền công nghiệp phát triển nhất tại châu Âu. Chính vậy mà khi đặt chân đến thành phố này, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy số lượng xe đạp di chuyển thật nhiều trên đường phố, cũng như những dãy xe đạp dựng đầy lề đường.

Xe đạp và giao thông công cộng

Cả người già, người trẻ, nhiều nhân viên công sở mặc đồng phục, thậm chí là váy ngắn cũng di chuyển bằng xe đạp một cách thoải mái. Có cả cánh đàn ông mặc veston, đeo cặp táp mà tôi tin họ có chức vụ trong công ty hay đơn vị nào đó cũng thong dong đạp xe. Thấy tôi mải mê nhìn những người đi xe đạp, Paul cười: “Mọi người bỏ xe hơi, chuyển sang đi xe đạp khi giá xăng tăng hồi khủng hoảng kinh tế. Sau đó, giá xăng dầu ổn định, nhiều người vẫn đi xe đạp kết hợp với giao thông công cộng. Nhà mình có năm người mà có tới bốn chiếc xe đạp”.

Paul làm ở một công ty chuyên về thiết kế tại Berlin. “Trong nhóm bạn cùng lứa, lúc đầu có vài đứa đạp xe đi làm, nhưng sau lan ra cả nhóm vì thấy đi xe đạp khá thú vị. Tiết kiệm tiền không phải là lý do chính, chủ yếu đi xe đạp khá thuận tiện, giảm kẹt xe, dễ di chuyển vào đường hẹp, lại tốt cho sức khoẻ và đỡ gây ô nhiễm môi trường. Cậu có tin thủ tướng, bộ trưởng, nhiều nhà chính trị, doanh nhân, bác sĩ cũng đi xe đạp chứ đâu chỉ dân thường mới đi”, Paul say sưa kể khi thấy tôi vừa lắng nghe vừa dõi theo những dòng xe đạp trên đường.

Châu Âu có nhiều thành phố nổi tiếng với việc triển khai các chính sách dùng xe đạp để bảo vệ môi trường như Paris, Amsterdam hay Copenhagen. Đức chưa có các thành phố nằm trong danh sách này, nhưng chính phủ Đức vẫn khuyến khích người dân chọn những phương tiện thân thiện môi trường.

Đạp xe cùng Paul trên đường phố Berlin, tôi hiểu được ít nhất hai lý do khiến dân Đức sẵn sàng đi xe đạp. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng về giao thông công cộng của Đức đầy đủ và tốt. Người dân di chuyển từ ngoại thành vào nội thành, đặc biệt tại các thành phố lớn như Berlin và Bonn cũng như ngược lại, thuận tiện nhờ hệ thống giao thông công cộng đa dạng từ tàu điện ngầm đến tàu hoả, xe buýt, xe điện và nhất là luôn phục vụ liên tục, chính xác giờ giấc. Người dân có thể đi bộ hoặc đạp xe từ nhà ra các bến bãi đậu xe, gửi xe đạp tại công viên hoặc bãi xe trước khi dùng hệ thống giao thông công cộng đi làm hoặc đi học. Nhiều chiếc xe đạp được khoá từ sáng đến chiều tại các hàng rào quanh công viên trong thành phố. Thứ hai, hạ tầng dành cho xe đạp tại Đức được quan tâm đầy đủ. Thành phố Berlin luôn dành hàng triệu euro ngân sách mỗi năm để nâng cấp phần đường dành cho người đi xe đạp. Làn đường dành cho người đi xe đạp có thể nằm trong trục đường giao thông chính, cũng có thể nằm trên vỉa hè dành cho người đi bộ, có bảng hiệu hướng dẫn rõ ràng.

45 triệu xe hơi, 70 triệu xe đạp

“Cậu có tin thủ tướng, bộ trưởng, nhiều nhà chính trị, doanh nhân, bác sĩ cũng đi xe đạp chứ đâu chỉ dân thường mới đi”.

Để bảo đảm an toàn, người đi xe đạp không được nói chuyện điện thoại, không được dùng chất có cồn. Ban đêm, xe đạp đi trên đường cũng phải có đủ đèn đóm, thiếu sẽ bị phạt. Người đi xe đạp không bị bắt buộc đội nón bảo hiểm, nhưng hầu hết người dân lại ý thức việc bảo vệ cái đầu nên tự giác đội nón bảo hiểm.

Đức nổi tiếng là xứ sở của ngành công nghiệp xe hơi với những thương hiệu hàng đầu như Audi, Mercedes-Benz, BMW hay Porsche. Nhưng người Đức còn tự hào đất nước họ là nơi xuất hiện chiếc xe hai bánh đầu tiên (năm 1817). Paul phấn khích cho biết: “Tại các thành phố Berlin, Hamburg, Bonn, Frankfurt hay Hannover, xe đạp được sử dụng rất nhiều. Ở Đức có khoảng 45 triệu xe hơi, nhưng có tới 70 triệu xe đạp. Trung bình mỗi gia đình có hai chiếc xe đạp. Xe đạp là phương tiện đi lại giá rẻ, thân thiện môi trường. Hơn nữa, ở những thành phố hay tắc nghẽn giao thông thì đạp xe di chuyển nhanh chẳng kém gì đi xe hơi”.

Có vẻ như giá xăng dầu thế giới có tăng hay giảm thì những người tham gia giao thông ở Đức cũng chẳng còn quan tâm nữa. Tôi chợt ước xứ mình thay hết xe gắn máy bằng xe đạp! Khi đó, các ông độc quyền xăng dầu chắc không mặn mà lắm với trò ghim hàng, tăng giá nhanh; giảm chậm và nhỏ giọt nữa.

Bài và ảnh: Kim Dung


Nguồn:  SGTT Media
Các bài đăng trước cùng danh mục   Đức (Germany)
Tham quan hội chợ y tế ở Đức - 27/10/2010
Tham quan hội chợ y tế ở Đức NEWS12812
Đến nước Đức, du khách sẽ có cảm giác hòa mình vào thiên nhiên với không khí thanh bình của cây cỏ, những làn gió mát từ những dòng sông xanh chảy giữa lòng thành phố và sự náo nhiệt của ...
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Du lịch » Du lịch quốc tế » Đức (Germany)
Tìm liên quan » Đến Berlin đi... xe đạp
Đang xem » Đến Berlin đi... xe đạp