Những con chó qua khoá huấn luyện ngắn hạn đã trở thành các “tay đua tốc độ” mỗi khi ra sân chinh chiến. Trò chơi mới lạ ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút được du khách tham quan xứ miệt vườn sông nước.
Để tăng cường thêm các trò vui chơi cho du lịch miệt vườn, từ cuối năm 2009 Làng du lịch Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh, H. Phong Điền, TP. Cần Thơ) đã mở lớp huấn đào tạo chó đua. Những chú chó đua được tuyển chọn từ chó lai Nhật nhỏ con lanh lẹ, hay chó Phú Quốc tinh khôn, với dáng thon gọn… nhưng tốc độ bứt phá không hề thua một “đối thủ” nào.
Những chú chó đang chờ hiệu lệnh xuất phát
Ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc làng du lịch Mỹ Khánh cho biết, để huấn luyện bầy chó đua (hiện có 13 con) thành thục đường đua dài 15m, trước hết phải tập cho chúng quen với đám đông. Khi các “vận động viên” nghe tiếng ồn ào không còn sủa bậy, chạy hoảng loạn nữa thì đưa chúng vào lồng đua được chia thành 5 ô đánh số thứ tự từ 1 đến 5.
Hằng ngày, chúng phải trải qua bài tập làm quen với các chấn động trong ô đua. Lúc chúng dạn dĩ không còn nhốn nháo, sợ đến cuống chân khi chủ nhân lắc mạnh lồng đua nữa thì xem như chúng hoàn thành khoá học thứ hai. Bước cuối cùng là làm quen với đường đua, “đấu sĩ” nào chịu... chạy tới đích sẽ được chủ vuốt ve cho ăn tôm khô, cá nướng nhằm khích lệ, còn nếu lười, uể oải bị đánh vài roi bỏ đói. Chính vì vậy, những chú chó luôn ganh tỵ nên càng thể hiện mình trên đường đua. Để trở thành một “vận động viên” thực thụ, mỗi “học viên” chó phải được đào tạo sơ sơ cũng mất khoảng 2 tháng.
Ngoài việc thưởng thức, tham quan vùng sông nước miền Tây. Du khách được xem đua chó miễn phí, nếu muốn vui chơi khí thế hơn thì chúng ta chỉ cần bỏ 5.000 đồng mua vé “đặt cược” cho tay đua kiệt xuất mà mình yêu mến. Phần thưởng cho người thắng cuộc là những món quà xinh xắn.
Thường ngày, trường đua bắt đầu mở cửa thi đấu từ 9h và kéo dài tới 14h. Một vòng đua chia làm hai đợt, mỗi đợt gồm 5 con chó Phú Quốc và 5 chó lai Nhật tranh tài. Khi 5 “vận động viên” chó Phú Quốc lao ra khỏi từ các ô đua sủa rần trời, chạy vùn vụt… thì trên hàng ghế khán giả cổ vũ rất nhiệt tình cho những chó đua mà mình cá cược. Người ta cứ nhìn màu lông mà cổ vũ, người thì hò hét "cố lên vàng ơi", người thì la "xám ơi phải thắng"...
Theo ông Sáng, khi huấn luyện các chó lai Nhật tiếp thu bài khá ngoan, còn chó Phú Quốc hay láu táu ỷ lại tài leo trèo nên lâu lâu leo rào vượt trường đua. So với trò đua heo, đua chó có nhiều điểm lợi hơn như chó tiếp thu bài nhanh, khi chạy về đích được du khách tán thưởng quăng vài món ngon và họ cũng thích thú khi các nhìn “đấu sĩ” ve vẩy đuôi như lời cám ơn.
Mặt khác, chó đua ít bị cho “về hưu” sớm như heo. Một con heo mau tăng cân, chạy ì ạch làm đấu trường kém hấp dẫn và dễ bị thương khi vượt các chướng ngại vật. Còn chó đua gọn, lanh lẹ và tuổi thọ cao hơn nên chiến đấu được dài lâu.
"Đua chó là trò chơi đầu tiên ở miền Nam được chúng tôi áp dụng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí. Trò chơi này đang được duy trì rất tốt và thu hút được lượng du khách đến xem đông. Trong thời gian tới, chung tôi sẽ nâng cấp cho trường đua xứng tầm”, ông Sáng chia sẻ.
Hoài Giang - Đông Nhi
Theo Bưu Điện Việt Nam