Trong khi cả thế giới còn rúng động với sự cố hạt nhân Fukushima thì người Pháp vẫn khá bình thản bởi họ đang sở hữu những lò phản ứng hạt nhân "sạch" nhất thế giới. Thậm chí họ còn tin tưởng đã có giải pháp cho thảm hoạ của Nhật. Người đã truyền cho họ cảm hứng này là Anne Lauvergeon, hay còn được biết đến với biệt danh "Anne Nguyên tử" - bà chủ của tập đoàn hạt nhân khổng lồ Areva.
Từ câu chuyện "giải cứu" Fukushima...
Sự cố ở Fukushima không huỷ diệt nước Nhật như đã từng xảy ra ở Chernobyl. Nhưng nó đã tác động tiêu cực đến suy nghĩ của mọi người về năng lượng nguyên tử. Những người chịu ảnh hưởng từ sự việc này chính là các tập đoàn năng lượng hạt nhân, trong đó có người khổng lồ Areva của Pháp.
Hiện tại, Pháp lại là quốc gia sở hữu nhiều lò phản ứng hạt nhân và có tham vọng xuất khẩu công nghệ này ra nước ngoài. Trong 10 năm tới, sẽ có hơn 130 lò phản ứng mới được xây dựng. Châu Á là một thị trường giàu tiềm năng, nơi được dự báo sẽ chiếm 1/3 số lò phản ứng hạt nhân.
Bởi vậy, Areva rất sốt sắng đưa ra những sáng kiến khắc phục hậu quả ở Fukushima. Họ hiểu rằng những thông tin về rò rỉ phóng xạ, bụi hạt nhân có thế khiến các nhà lãnh đạo châu Á ngần ngại ký vào những bản hợp đồng trị giá hàng tỷ đôla. Ngược lại, nếu xử lý hiệu quả đây sẽ là cơ hội để Areva quảng bá hình ảnh ra khắp thế giới.
Ngay khi sự cố xảy ra, chủ tịch Anne Lauvergreon đã phái một đoàn chuyên gia tới Fukushima. Việc đầu tiên của đoàn chuyên gia này là xác định mức độ nghiêm trọng của vụ rò rỉ phóng xạ. Họ đã đưa ra một kết luận quan trọng: vụ việc này không thể nghiêm trọng như thảm hoạ Chernobyl. Từ đó, nhiều tờ báo đã gọi đây là một "sự cố" thay vì "thảm hoạ".
Sau khi đã trấn an dư luận, các chuyên gia của Areva đưa ra một giải pháp ấn tượng: sử dụng công nghệ làm sạch đến 99,99% lượng phóng xạ ô nhiễm trong 67.000 tấn nước được bơm vào lò phản ứng hạt nhân.
Công nghệ được chia làm 2 phần. Trước hết, bơm hoá chất làm nóng nguồn nước, lọc các chất thải. Sau đó lọc tiếp các chất độc hại thoát ra dưới dạng hơi. Công nghệ này đã từng được ứng dụng tại nhà máy ở La Hague, thanh lọc nguồn nước biển Normady. Dự kiến cuối tháng 5 này Areva sẽ tiến hành "giải cứu" Fukushima.
Đến lúc này, người lãnh đạo cao nhất của Areva xuất hiện. Anne Lauvergeon tuyên bố sự cố hạt nhân ở Nhật đã làm thay đổi chiến lược của bà. Giờ đây, các lò phản ứng giá rẻ không còn là lựa chọn tương lai. Thay vào đó, Anne giới thiệu các lò phản ứng thế hệ thứ 3 với cấu trúc phức tạp và lớp vỏ dày hơn. Giải pháp này được những người cấp tiến ủng hộ.
Như vậy là trong vòng 2 tháng kể từ khi sự cố Fukushima xảy ra (11/3/2011), Areva đã luôn có mặt tại những điểm nóng. Nỗ lực của Areva hoà cùng nỗ lực của nước Nhật đã đem lại những kết quả đáng kể. Fukushima không trở thành Chernobyl, sự cố không lan rộng. Điều quan trọng nhất là sau những ngày đen tối, dư luận đã bắt đầu có cách nhìn khách quan hơn với các lò phản ứng hạt nhân.
...tới chân dung của người đàn bà nguyên tử
Không xuất hiện nhiều trong chiến dịch giải cứu Fukushima, nhưng dư luận đã thấy thấp thoáng ở Anne Lauvergeon bản lĩnh của một người thủ lĩnh. Bản lĩnh ấy đã được tôi luyện qua gần 30 năm lăn lộn trong thế giới chính trị và sau này là kinh tế. Vì thế, Anne Lauvergeon được mệnh danh là "Anne nguyên tử" (Atomic Anne) - gợi nhớ đến "bà đầm thép" Magaret Thatcher lừng danh trong giới chính khách.
Anne Lauvergeon sinh năm 1959 trong một gia đình trung lưu trí thức. Ngay từ khi còn đi học, Anne đã thể hiện cá tính mạnh mẽ. Bà giành nhiều học bổng nghiên cứu khoa học, vốn thường được trao cho nam giới. Năm 22 tuổi, bà tốt nghiệp khoa vật lý của đại học danh tiếng Ecole Normale Supérieure. Trong mắt bạn bè, bà là một gương mặt nữ xuất sắc hiếm có.
Nhưng Anne Lauvergeon đã không trở thành một nhà khoa học. Sự xuất chúng ở nhiều lĩnh vực đã dẫn bà vào con đường chính trị. Khi mới 30 tuổi, bà đã trở thành Tham mưu phó cho tổng thống Pháp Francois Mitterand. Anne trở thành người đại diện cho tổng thống trong nhiều cuộc họp quan trọng. Thành tựu nổi bật của bà là tổ chức thành công hội nghị G7.
Năm 1995, thêm một lần Anne Lauvergeon làm mọi người ngỡ ngàng. Nhà chính trị sắc sảo đã trở thành nhà quản lý của ngân hàng Lazard. Đến năm 1997, Anne được mời về Alcatel - tập đoàn viễn thông lừng danh của Pháp. Từ đó tới nay, Anne đã trải qua vị trí lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn lừng danh.
Anne Lauvergeon bắt đầu được gọi là "Anne nguyên tử" khi danh tiếng của bà gắn liền với các công ty năng lượng hạt nhân. Năm 1999, ở độ tuổi 40 bà trở thành CEO của tập đoàn Areva - chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và xử lý rác nguyên tử làm sạch môi trường. Đây là một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Anne Lauvergeon, Areva thay đổi chiến lược một cách khôn ngoan. Chiến lược của Areva là bán cả sản phẩm và giải pháp. Khách hàng của Areva có thể mua "trọn gói" sản phẩm gồm lò phản ứng hạt nhân, uranium và công nghệ làm sạch rác hạt nhân.
Anne Lauvergeon luôn nhấn mạnh ưu điểm của phong cách xây dựng nhà máy hạt nhân kiểu Pháp. Đó là chú trọng tới bảo vệ môi trường và tái xử lý chất thải. Bà thuyết phục khách hàng tin tưởng đây không chỉ là nguồn năng lượng sạch mà còn rất kinh tế. Năng lượng hạt nhân là một cách tự vận động để tránh lệ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu dầu.
Nhờ đó, Areva từng bước vươn ra thị trường thế giới. Tập đoàn này đã trở thành nhà lắp ráp lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới với hơn 75.000 nhân công và giá trị ước tính 43 tỷ euro.
Năm 2001, Anne lại được chính phủ bổ nhiệm làm tổng giám đốc Cogema - một công ty chuyên xử lý rác thải hạt nhân. Lúc này, Anne đã trở thành tên tuổi sáng giá trong giới năng lượng hạt nhân. Năm 2005, bà lọt vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới do Times bình chọn. Năm 2010, Forbes xếp bà đứng thứ 9 trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng toàn cầu, hơn cả Hilary Clinton, Michelle Obama và Nữ hoàng Elizabeth II.
Biểu tượng của nữ quyền
Mặc dù sinh ra ở nước Pháp dân chủ, xã hội vẫn chưa thật sự đánh giá công bằng vai trò của người phụ nữ. Sự thành đạt của "Anne nguyên tử" khiến cánh mày râu không khỏi ghen tỵ.
Mọi người có thể đồng ý Anne Lauvergeon là một người tài giỏi, nhưng lại không chấp nhận bà là một nhà công nghiệp. Bởi lẽ một nhà công nghiệp phải là đàn ông.
Ngay tại Pháp, phần lớn giới tinh hoa là những quý ông đáng kính. Điều ấy đã khiến một nhân vật nữ trẻ tuổi như Anne Lauvergeon gặp ít nhiều bất tiện. Thật khó tránh khỏi những tuyên bố khiêu khích của Henry Proglio - chủ tịch E.D.F và là đối thủ chính của Anne.
Năm 2009, ông này từng phát biểu nên giải tán Areva. Sau đó, Henry lại đề nghị chính phủ cho Areva sát nhập vào E.D.F. Cần nhớ rằng E.D.F là nhà sản xuất năng lượng nguyên tử lớn nhất thế giới. E.D.F cũng là khách hàng quan trọng nhất của Areva.
Đáp trả lại những phát biểu "bề trên" đó, "Anne nguyên tử" đã khẳng định Areva luôn là một công ty độc lập. Trước đây, E.D.F chiếm 80% doanh thu của Areva. Hiện tại con số này giảm xuống chỉ còn 25%. Areva đã không còn là "đứa trẻ" như suy nghĩ của đối thủ.
Thậm chí, bà còn khiến không ít bậc trượng phu phải ngượng ngùng với câu nói: "Trong một số trường hợp, lựa chọn nữ giới sẽ tốt hơn những người đàn ông da trắng".
Mặc dù câu nói ấy đã gây ra tranh cãi, song rốt cuộc tất cả đều thừa nhận nó đúng trong trường hợp của Anne.
Bà thường nói rằng: "Sinh ra làm một người phụ nữ đã là một lợi thế". Phải chăng suy nghĩ đó đã đem lại sự tự tin cho "Anne nguyên tử", để người phụ nữ này liên tục thành công trong những lĩnh vực khó, tưởng chừng chỉ dành cho nam giới?
"Anne nguyên tử" không hề cô đơn giá lạnh. Bà có một gia đình nhỏ với 2 đứa con xinh xắn. Bà biết cách trở thành điểm tựa cho mọi người. Ngay từ khi còn là phụ tá của tổng thống Mitterand, Anne thuyết phục người dân Pháp tin rằng năng lượng nguyên tử là lựa chọn tương lai. Hơn 20 năm kể từ nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng, hệ thống này đã đóng góp 77% điện năng của toàn nước Pháp.
Giờ đây, Anne Lauvergeon lại trở thành điểm tựa cho cả tập đoàn Areva. Areva đang đứng trước nhiều thách thức sau khi 2 dự án lò phản ứng kiểu mới ở Phần Lan bị trì hoãn gây thiệt hại 700 triệu euro. Bốn hợp đồng với các ông hoàng Ả rập Xê út bị hủy bỏ càng khiến chính phủ Pháp không hài lòng.
Nhưng dường như Anne Lauvergeon đã có cách vượt qua những khó khăn đó. Bà còn lên kế hoạch xây dựng 1/3 số lò phản ứng của thế giới trong vòng 10 năm tới. Trong những cuộc họp gần đây, người ta thấy bà chủ của Areva luôn cười. Và theo những nhân viên lâu năm, khi "Anne nguyên tử" đã mỉm cười, mọi việc sẽ ổn.
Theo VEF