Ghé Trịnh Châu thăm phố phường sôi động
Chúng tôi đến Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam vào một ngày cuối Thu, nhưng nhiệt độ trung bình là 15 - 20 độ C. Với người dân Trung Quốc thì nhiệt độ này là lý tưởng, nhưng với những người khách lạ vốn quen với khí hậu nắng nóng quanh năm thì cuối Thu ở Trung Quốc chẳng khác nào mùa Đông.
Ông Tề Hồng Khánh, Trưởng phòng Khai thác thị trường, Cục Du lịch Hà Nam, cho biết: “Hà Nam là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, với trên 100 triệu người sống chủ yếu bằng nghề nông. Nguồn tài nguyên ở đây rất phong phú, nhất là: than đá, vàng và nhôm.
Hà Nam còn là tỉnh dẫn đầu Trung Quốc về sản lượng lương thực, nhất là vừng và lúa mì; rất năng động trong việc mở cửa với khoảng 8.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Hà Nam rất chú trọng đầu tư phát triển giao thông vì lãnh đạo ở đây tin rằng, hệ thống giao thông phát triển sẽ thu hút nhiều du khách và các nhà đầu tư”.
Có lẽ do vậy mà Trịnh Châu được xem là thành phố vừa mang dáng dấp của cố đô với nếp sinh hoạt truyền thống, vừa mang hơi thở của một thành phố hiện đại, đang trên đà phát triển.
Đi trên đường có thể bắt gặp những tòa nhà cao ngất, chung cư, hệ thống giao thông hoàn chỉnh, sạch, xanh với tám làn xe, những hàng cây hoa hòe, hoa móng rồng màu vàng, đỏ, trắng, hồng... trải dài hai bên đường.
Các trung tâm thương mại, cửa hàng tràn ngập hàng hóa xen lẫn với những công trường xây dựng, những ngôi nhà có lối kiến trúc cổ, những xe lôi, xe đạp điện xuôi ngược trên đường. Tại một cổng chào dẫn vào thành phố có dòng chữ “Quốc thái dân an” và hai con voi đá.
Buổi tối, cảnh sinh hoạt, buôn bán của khu vực trung tâm thành phố diễn ra khá nhộn nhạo, giống hệt khu mua bán của người Hoa ở quận 5, TP.HCM vào những ngày giáp Tết. Những chiếc xe bán hủ tiếu mì, cháo, xe đẩy bán trái cây, xe làm kẹo đậu phộng tràn xuống lòng đường lẫn với dòng xe cộ và người đi bộ.
Song, thu hút du khách nhiều nhất là những chiếc xe làm bánh đập với hai người đàn ông và đàn bà mặc quần áo sặc sỡ đủ màu, mỗi người cầm một chiếc búa to thay nhau đập bột trên những chiếc thớt lớn, bên cạnh là chảo dầu sôi sùng sục, đặt trên bếp lò lửa cháy phừng phực.
Giữa cảnh buôn bán chộn rộn, không khí càng thêm nhộn nhịp với tiếng đàn, tiếng hát vang ra từ những điểm diễn ca kịch lưu động trên đường phố.
“Chính nhờ những buổi biểu diễn hằng đêm cộng với cảnh mua bán sầm uất này mà Trịnh Châu thu hút khá nhiều du khách, chủ yếu là người Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan”, hướng dẫn viên cho biết.
Anh Nguyễn Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Vietravel, đơn vị tổ chức tour, nói thêm: “Cuộc sống và sinh hoạt của người dân Hà Nam có nhiều nét riêng thú vị và đây cũng là một trong tám cố đô của Trung Quốc với nhiều danh thắng, di tích lâu đời nổi tiếng: động Long Môn, Vân Đàm sơn, tháp Sắt, Long Đình đại điện, Thiếu Lâm tự, phủ Khai Phong, lăng mộ Quan Công...
Tuy nhiên, đến nay vẫn rất ít tour khai thác điểm du lịch này nên Vietravel đang cùng Hãng Hàng không Phương Nam và Tổng công ty Du lịch Trung Quốc nỗ lực đưa du khách đến đây khám phá”.
Đến phủ Khai Phong xem Bao công xử án
|
Du khách chụp hình với Bao Công |
Từ Trịnh Châu, sau hai tiếng đồng hồ đi trên đường cao tốc, chúng tôi đến Khai Phong. Nét đặc trưng của Khai Phong là những khu chợ đêm với các món đặc sản: ếch xào, ve con chiên giòn, thịt chuột, thỏ, lừa...
Di tích ở đây có Long Đình đại điện, tháp Sắt cao 13 tầng, đặc biệt là Phủ Khai Phong được xây dựng phỏng theo lối kiến trúc thời nhà Tống, nằm bên bờ hồ Bao Công.
Sáng sớm, tuy tiết trời se lạnh nhưng đã có hàng trăm người dân và du khách chờ đợi trước phủ. Mọi người đang xuýt xoa, co cúm vì lạnh thì bỗng giật mình vì tiếng trống vang lên liên hồi cùng với cánh cửa phủ từ từ mở rộng, và hai hàng quân lính cầm cờ, mang trống oai nghiêm bước ra.
Bao công đạo mạo xuất hiện cùng hộ vệ. Hồi trống dài kêu oan của ba mẹ con một thiếu phụ đã bắt đầu phiên xử án đầu tiên trong ngày.
Tuy màn trình diễn chỉ tái hiện một trích đoạn trong rất nhiều vụ án Bao Công xử, nhưng với dàn diễn viên thuần thục, hóa trang và mặc trang phục đúng kiểu đời nhà Đại Tống, người xem có cảm giác như đang tham dự một phiên tòa thật: cũng nín thở theo dõi các tình tiết éo le, giật mình khi Bao Công luận tội và sợ hãi khi nhìn những chiếc long đầu trảm, hổ đầu đao và cẩu đầu đao...
Sau phiên xử, du khách còn được chụp ảnh với Bao đại nhân, thuê trang phục vua, quan, công chúa mặc để chụp hình, được thưởng thức nhiều màn trình diễn nghệ thuật ngoài trời như xiếc, múa, tham gia cuộc thi tuyển phò mã với các vòng thi trả lời câu đố, làm thơ.
Người thắng cuộc sẽ được mặc áo phò mã, được rước vào phủ quan trong tiếng pháo nổ giòn giã và những trận mưa hoa, kẹo chúc mừng...
“Đây chính là sáng kiến đáng ghi nhận của những người làm du lịch ở Hà Nam. Nhờ vậy mà mỗi năm có trên một triệu lượt khách đến tham quan phủ Khai Phong, doanh thu đạt 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 90 tỷ đồng Việt Nam)”, ông Tu, hướng dẫn viên tại Phủ, cho biết.
Vô Thiếu Lâm tự coi lò võ nghệ
Cách Trịnh Châu 100km, Thiếu Lâm tự nằm ở chân núi Tung Sơn thuộc huyện Đăng Phong. Ở đây khí hậu mát mẻ, trời nắng nhẹ, có khoảng 120 trường võ Thiếu Lâm. Vì vậy, thu nhập chính của người dân ở Đăng Phong là từ nghề dạy võ.
|
Tuyển phò mã tại Phủ Khai Phong |
Hằng năm có khoảng 70.000 người đến học Kungfu, trong đó có những học viên của 30 nước trên thế giới, vừa học võ, vừa học văn hóa.
Ở Thiếu Lâm tự có nhiều cây có tuổi thọ từ hàng trăm đến 1.500 năm tuổi, đặc biệt các loại cây này phải trồng hai cây vào cùng một gốc thì mới cho quả. Trên những thân cây ngân hạnh có nhiều lỗ tròn, người ta cho rằng đó là dấu tích của những người luyện võ.
Ngoài tham quan các bia mộ, di tích, các nhà tập võ có dấu tích 48 vết lõm do quá trình tập luyện nhiều năm lưu lại, du khách còn được xem biểu diễn Kungfu.
Và điều thú vị ở đây không phải là những màn biểu diễn đặc sắc, những đường quyền đạt trình độ siêu đẳng của các võ sư Thiếu Lâm, mà là được tận mắt xem biểu diễn võ thuật ngay tại “lò” Thiếu Lâm đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, được lên giao lưu, múa võ cùng các võ sư.
Không thiếu những trận cười đến vỡ bụng khi du khách không bắt chước được động tác mà các võ sư đã thực hiện. Sau buổi biểu diễn, du khách còn được chụp hình với các tay võ lão luyện của Thiếu Lâm tự.
Điều không thể phủ nhận là những sản phẩm lưu niệm, quà tặng mang đặc trưng của mỗi điểm đến ở Hà Nam đều rất phong phú, đa dạng, bắt mắt khiến khách dù khó tính mấy cũng phải mua vài món.
LỮ Ý NHI