Trong mô hình kinh doanh của Mikitani, Rakuten không nắm giữ bất cứ cửa hàng nào. Với một mức phí nhỏ, các nhà bán lẻ có thể nhờ trang web này bán hàng thay. Khi một người tiêu dùng đặt hàng một sản phẩm qua mạng của Rakuten, đơn đặt hàng này sẽ được chuyển đến nhà bán lẻ. Rakuten được nhận 2,6% doanh thu bán hàng cho mỗi đơn hàng thành công.
Hiện nay hệ thống Rakuten đã có hơn 4.500 nhân viên. Có hơn 26.000 nhà bán lẻ sử dụng hệ thống này với 47 triệu người sử dụng có đăng ký, tương đương 40% dân số của đất nước mặt trời mọc. Với khối tài sản 3,4 tỷ USD, Hiroshi Mikitani đang đứng thứ 178 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2009 do tạp chí Forbes bình chọn.
Bước đi đúng hướng
Trong khi kinh tế Nhật đang rơi vào suy thoái, đã có người cho rằng, đấy là quãng thời gian tồi tệ nhất để xây dựng một dự án bán hàng trực tuyến.
Bất chấp những lời can ngăn dè bỉu, Mikitani chỉ ra cơ hội: “Tôi tin tưởng rằng, Internet sẽ cất cánh ở Nhật Bản và tôi muốn trở thành một phần của sự phát triển này”.
Bước ngoặt này đã được chứng minh là hướng đi đúng. Rakuten hiện là điểm đến mua sắm phổ biến nhất và lớn nhất trên những trang web tiếng Nhật. Và Mikitani là một trong những ngôi sao sáng nhất trên lĩnh vực Internet còn rất non trẻ của Nhật Bản vào thời điểm đó. Hàng ngày, hàng triệu khách hàng đã truy cập vào chợ trực tuyến để mua đủ thứ từ các cửa hàng không có đủ tiền hoặc không đủ điều kiện để xây dựng mạng lưới bán hàng hoặc trang web của riêng mình.
Vào một ngày thứ Sáu lạnh lẽo đầu năm 2009, giữa lúc môi trường kinh tế ngày càng u ám, Hiroshi Mikitani - người sáng lập, chủ tịch và là giám đốc điều hành (CEO) của mạng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản, Rakuten Inc. - đã xua đi cái lạnh bằng một công bố tại cuộc họp báo là trong năm tài chính 2008, công ty của ông đã đạt được những kết quả kỷ lục.
Doanh thu bán hàng của Rakuten trong năm 2008 đã tăng đến 16,8%, lên mức 250 tỷ Yên. Kết quả này có được nhờ 20,2% tăng trưởng trong phân khúc thương mại điện tử và 24% tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Doanh thu từ thương mại điện tử của Rakuten đã chạm con số 92 tỷ Yên trong năm tài chính 2008 và đóng góp con số kỷ lục 26 tỷ Yên trong lợi nhuận hàng năm của công ty. Đồng thời, Rakuten Travel - một công ty con của Rakuten - đã thu hút được 25 triệu khách du lịch trong nước trong năm 2008.
Tất cả điều đó trái ngược với không khí nghẹt thở của môi trường kinh doanh trên cả nước, khi tổng doanh thu của các cửa hàng bách hóa giảm đến 4,3%, mức giảm lớn nhất của lĩnh vực này trong một thập kỷ qua.
Mikitani đã hạn chế tối đa rủi ro bằng việc giảm chi phí điều hành kinh doanh trên trang web và chú ý đến dịch vụ khách hàng. Các cửa hàng trên website này được giám sát chặt chẽ và một số đã bị buộc phải rời Rakuten vì các hoạt động kinh doanh bị cho là mờ ám.
Kỹ năng kinh doanh Mỹ trong văn hóa Nhật
Trong bài phỏng vấn với tạp chí The Japan Times vào giữa tháng 3/2009, Mikitani nói rằng tri thức chính là yếu tố mà công ty của ông mang lại để giúp các công ty nhỏ. Theo Mikitani, doanh thu của Rakuten trong năm khủng hoảng 2008 không những không giảm mà còn tăng, không phải do công ty của ông không chịu tác động từ cuộc khủng hoảng, mà nếu nền kinh tế tốt hơn thì Rakuten còn đạt doanh thu cao hơn.
Bán hàng trực tuyến đã và đang phát triển mạnh mẽ do nhiều lý do. Thứ nhất, nhu cầu tiêu dùng của con người là cực kỳ đa dạng, với Internet người ta có thể mua thêm nhiều thứ mà họ chưa từng biết đến trước đây. Thứ hai, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta có rất ít thời gian và mọi người chú ý nhiều hơn đến giá cả. Mọi người tìm kiếm những sản phẩm tốt trên Internet vì mua bán trực tuyến là rẻ hơn. Thứ ba, mua sắm trực tuyến là rất tiện lợi, bạn có thể mua hàng trong khi vẫn ngồi tại nhà mình.
“Những đặc tính đó luôn đúng và cũng là lý do tại sao mua sắm trực tuyến lại có thể sống khỏe trong một nền kinh tế yếu ớt”, Mikitani khẳng định.
Vào tháng 4/2000, Mikitani đưa Rakuten lên sàn chứng khoán Jassdaq của Nhật Bản, đánh một tiếng chuông lớn trên thị trường bán hàng trực tuyến thế giới. Rakuten, với 50% cổ phần được Mikitani và gia đình nắm giữ, đã huy động được 430 triệu USD trong đợt đấu giá cổ phần lần đó. Kể từ đó, mức vốn hóa thị trường của công ty đã tăng lên 6 tỷ USD, trong khi nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử mới niêm yết khác của Nhật Bản lại phải chứng kiến cảnh giá cổ phiếu sụt giảm mạnh mẽ thời gian gần đây. Rakuten hiện thu hút khoảng 70 triệu lượt xem một tháng, chỉ đứng thứ hai sau cổng trực tuyến Yahoo! Japan của Softbank.
Con người kinh doanh theo kiểu Mỹ của Mikitani được hình thành từ trước những ngày ông học ở Đại học Harvard. Khi còn là một đứa trẻ, Mikitani đã có hai năm sống ở New Haven, khi ông sống cùng bố mình là một giáo sư kinh tế tại Đại học Yale.
Lấy được bằng MBA tại Đại học Harvard, Mikitani có điều kiện để so sánh và cân nhắc chọn lựa con đường thành công của mình giữa hai nền văn hóa là Nhật và Mỹ. Ở Nhật, một người được gọi là thành công khi làm việc cho một công ty lớn và được trả lương hậu hĩnh. Trong khi tại Mỹ, chấp nhận rủi ro và bắt đầu sự nghiệp với công ty riêng của mình mới tạo nên một anh hùng thực thụ.
Vào thời điểm Mikitani thành lập Rakuten, Nhật Bản không có nhiều doanh nghiệp kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong khi những công ty kinh doanh trực tuyến nở rộ hàng ngày trên khắp nước Mỹ, Nhật Bản vẫn ở trong thời kỳ đóng băng của các dự án Internet.
Với kinh nghiệm từ những ngày sống ở Mỹ, Mikitani tin tưởng rằng Internet sẽ mang lại những cơ hội mới. Vì thế, tháng 10/1996, ông thành lập Rakuten chỉ với hai nhân viên và không hề có kỹ thuật viên. Chỉ trong một năm, số công ty quảng cáo trên Rakuten đã tăng từ 21 lên con số 180. Rakuten trở thành một trong những trang web mua sắm trực tuyến được xem nhiều nhất ở Nhật Bản.
Mikitani tin rằng ai cũng có ước mơ và ai cũng có năng lực để làm được một điều vĩ đại. Nhưng sự khác biệt giữa người thành công và không thành công là những người thành công biết hành động vì ước mơ của mình, không ngại đương đầu với rủi ro nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần để chấp nhận tất cả những khả năng có thể xảy ra.
Khi được hỏi, chìa khóa của thành công là gì, Mikitani lập tức trả lời, đó là ý chí mạnh mẽ và mong muốn đạt được mục tiêu. Một sinh viên hỏi ông, nếu đương đầu với rủi ro và gặp thất bại hay sai lầm thì sao, Mikitani đáp lại một cách hài hước: “Không có ngày nào trôi qua mà không có sai lầm. Mắc sai lầm cũng không sao, nhưng điều quan trọng là học được gì từ sai lầm đó để không bao giờ mắc phải nữa”.
LÊ HƯỜNG