Rời Sony Ericsson Việt Nam năm 2008, sau khi đưa tổng doanh thu tăng trưởng trên 600%, Vũ Minh Trí gia nhập Yahoo! và mang về giấy phép thành lập công ty internet nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam trong năm đó. Hai năm sau, anh lại rời Yahoo! sang làm việc cho Qualcomm. Mục tiêu chiến lược lần này là mở rộng phát triển công nghệ di động 3G đến người tiêu dùng trong nước.
- Vì sao anh quyết định rời Yahoo! để đầu quân cho Qualcomm?
Có hai lý do. Thứ nhất, hợp đồng của tôi với Yahoo! chỉ có thời hạn 2 năm và tháng 4.2010 là thời điểm bàn hợp đồng mới. Tuy nhiên, việc thương thảo điều khoản hợp đồng và các vấn đề liên quan đến chiến lược đầu tư của Yahoo! tại Việt Nam gặp bế tắc nên tôi quyết định rời nơi đây. Điều tôi muốn nhấn mạnh là trước đó, Yahoo! tại Đông Nam Á từng lên kế hoạch đầu tư vào một số trang web hàng đầu Việt Nam với số vốn hàng triệu USD. Bộ phận M&A từ trụ sở San Francisco (Mỹ) đã sang gặp gỡ đại diện một số trang web này. Sau đó, Yahoo! thay đổi ban lãnh đạo vùng và chiến lược được thảo luận lại từ đầu. Yahoo! không thể triển khai kế hoạch đầu tư lớn tại Việt Nam thì dù tôi có ký hợp đồng mới cũng phải ngồi chơi vì không có gì để làm.
Tôi chọn Qualcomm vì chiến lược của Công ty phù hợp với thị trường đang phát triển về internet và công nghệ di động 3G như Việt Nam. Qualcomm chọn tôi vì kinh nghiệm về điện thoại di động và internet từ thời gian làm việc cho Sony Ericsson và Yahoo!. Đó là lời khẳng định của ông Phó Chủ tịch Qualcomm khi phỏng vấn tôi tại Bắc Kinh hồi năm ngoái.
- Anh vừa đề cập đến chiến lược của Qualcomm tại Việt Nam trong lĩnh vực internet và công nghệ di động 3G?
Chiến lược của Qualcomm tại Việt Nam, trong năm nay và những năm tiếp theo, là tập trung vào công nghệ di động 3G hay điện thoại di động bằng cách phối hợp với các mạng di động nâng cao chất lượng mạng. Qualcomm sẽ tham gia đào tạo các chuyên viên của VinaPhone, MobiFone, Viettel phương pháp khống chế tỉ lệ rớt mạng, số lần cuộc gọi không kết nối được...
Riêng đối với điện thoại di động, câu chuyện của chúng tôi với Viettel sẽ giống như trường hợp AT&T ký thương vụ độc quyền với iPhone. Sự khác biệt của AT&T không phải chất lượng mạng mà là sự kết hợp độc quyền với loại điện thoại người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều người sử dụng mạng AT&T chỉ vì iPhone. Tương tự, Viettel sẽ sản xuất các loại điện thoại di động công nghệ 3G sử dụng chip của Qualcomm.
Tiếp đến, chúng tôi ký hợp đồng bán chip cho các OEM (Originally Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) của Trung Quốc và Đài Loan. Sau đó, các OEM bán điện thoại di động có chip Qualcomm cho các thương hiệu Việt Nam như Q-mobile hay FPT, khuyến khích khách hàng chuyển từ công nghệ 2G sang 3G. Giá bán lẻ dự kiến từ 150-200 USD, đối với điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android.
- Anh có kế hoạch kết nối lập trình viên với nhà mạng di động như đã làm với Yahoo! không?
Qualcomm sẽ tiếp tục thực hiện việc này trong thời gian tới. Những lập trình viên chuyên viết phần mềm ứng dụng trên nền các ngôn ngữ như Java, Android, IOS sẽ có cơ hội đưa sản phẩm lên mạng, thông qua các cuộc thi lập trình. Nếu thắng giải, phần mềm đó có thể được đặt trên trang chủ của nhà mạng di động để người tiêu dùng tải về điện thoại.
Năm rồi, Qualcomm đã phối hợp với Viettel tổ chức một cuộc thi như vậy. Tiếp đến, chúng tôi lên kế hoạch quảng bá trên các phương tiện truyền thông về những tiện ích khi sử dụng công nghệ di động 3G. Qualcomm vẫn tập trung vào nhóm 5 ứng dụng internet người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng là đọc tin tức, nghe nhạc, chơi game, chat và email.
- Người tiêu dùng đã có những đánh giá không tích cực về chất lượng hạ tầng mạng cũng như dịch vụ công nghệ di động 3G tại Việt Nam trong thời gian qua. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng đánh giá như vậy là hơi khắt khe vì theo con số tôi được biết, hơn 1 năm qua, các nhà mạng đã lắp đặt hơn 20.000 trạm phát sóng 3G trên cả nước. Ngoài ra, họ đầu tư thẳng vào công nghệ HSPA (High-Speed Packet Access), chứ không phải Release 99, công nghệ có tốc độ thấp hơn. Còn về chất lượng dịch vụ, như tôi đã nói, các nhà mạng cần nhiều phần mềm ứng dụng để mọi người có thể thấy được các tiện ích của 3G. Điều đầu tiên và dễ nhất là phần mềm cần tập trung vào các ứng dụng từ internet để phát triển dịch vụ giá trị gia tăng như thanh toán trực tuyến, hiển thị tin tức nóng trên nền màn hình điện thoại di động...
- Tại Hội nghị Di động Thế giới MWC 2011 ở Tây Ban Nha vừa qua, Qualcomm đã công bố các sản phẩm chip mới dành cho công nghệ 3G/4G và điện thoại thông minh. Kế hoạch triển khai các sản phẩm này tại Việt Nam như thế nào?
Khi Qualcomm công bố một sản phẩm chip mới thì phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để các OEM phát triển những sản phẩm điện thoại di động hoàn chỉnh sử dụng con chip đó. Vì vậy, phải hơn 1 năm nữa Việt Nam mới có thể thấy được những sản phẩm sử dụng các con chip mới.
- Dự kiến mức đầu tư của Qualcomm tại Việt Nam trong năm nay?
Mô hình kinh doanh của Qualcomm là có sản phẩm, nghĩ ra công nghệ nhưng không có nhà máy và để người khác sản xuất cho (mô hình Fabless). Vì vậy, đầu tư của Qualcomm sẽ tập trung vào chiến lược nghiên cứu và phát triển (R&D). Mỗi năm, Công ty dành khoảng 20% tổng doanh thu toàn cầu cho R&D (năm 2010 là 2 tỉ USD) và Việt Nam chiếm một phần trong đó.
- Qualcomm từng thành lập trung tâm phát triển công nghệ CDMA tại Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc (Hà Nội) vào tháng 12.2003. Anh có thể cập nhật hoạt động của trung tâm này?
Tôi được biết Qualcomm đã rút khỏi trung tâm này ngay thời điểm tôi gia nhập Công ty vào tháng 4.2010, nhưng tôi không ở vào vị trí thích hợp để bình luận về việc này.
- Đánh giá của anh về cơ hội M&A trong ngành công nghệ di động tại Việt Nam? Qualcomm dưới thời anh có hướng đến chiến lược này?
Tôi chưa thấy cơ hội M&A trong ngành công nghệ di động tại Việt Nam. Việc đầu tư trung tâm R&D cũng chưa thể được vì Việt Nam chưa có ngành công nghệ thiết bị di động và chip. Đầu tư vào nhà mạng cũng vậy vì không có ai bán và nếu đầu tư thì thị trường phải có bước tăng trưởng nhanh và đột biến.
Theo NCĐT