Nếu có một công ty Nhật Bản có thể khẳng định được danh tiếng về sự đổi mới và công nghệ tiên tiến thì đó chính là Honda.
Danh tiếng của hãng xe hơi Nhật Bản được xây dựng hơn 30 năm qua, bắt đầu từ mẫu Civic thế hệ đầu tiên vào những năm 70 và tiếp tục kéo dài qua nhiều năm với các sản phẩm như công nghệ VTEC, phiên bản Insight hybrid năm 1999, động cơ mạnh mẽ trên S2000, mẫu NSX... Tuy nhiên, có gì đó dường như đã thay đổi nhưng lại theo hướng không tích cực.
Tại Mỹ, Civic từng được biết đến như một mẫu xe tốt, đáng tin cậy, nhưng khi phiên bản sedan và coupe của Civic ra mắt tại triển lãm ôtô New York hồi tháng 4 năm ngoái, các chuyên gia đầu ngành đã không có mấy thiện cảm. Tiếp sau đó là bài thử nghiệm của tạp chí Consumer Reports, mẫu xe này thậm chí còn đi xa hơn nữa.
Theo Consumer Reports (CR), mẫu sedan nhỏ từng đứng thứ hạng cao trong nhiều năm liền và từng 5 lần nằm trong Top Pick (những mẫu xe an toàn nhất) suốt 10 năm thì vừa qua đã tụt hạng và được đưa vào diện “No Recommended - khuyến cáo không nên mua”.
"Trong khi những mẫu xe khác như Hyundai Elantra đã cải thiện đáng kể về mọi mặt sau quá trình tái thiết kế thì Civic lại đi xuống. Giờ đây, Honda Civic thậm chí còn nằm ở vị trí gần cuối phân khúc" - ông David Champion, biên tập viên cao cấp của trung tâm thử xe Consumer Reports, phát biểu.
Trong bài đánh giá mới nhất của Consumer Reports, điểm số mà Honda Civic LX 2012 giành được đã giảm từ 78 của phiên bản cũ xuống còn 61. Như vậy, Honda Civic 2012 chỉ đứng trên duy nhất một mẫu xe, đó là Volkswagen Jetta phiên bản mới.
Theo các chuyên gia thử xe của Consumer Reports, Honda Civic 2012 có những hạn chế như nội thất chất lượng thấp, độ ồn cao, độ đánh lái không còn linh hoạt, hệ thống phanh kém và chạy có cảm giác bồng bềnh so với mẫu xe mà nó thay thế. Có thể nói, khoảng không nới rộng cho hành khách ngồi phía sau và khả năng tiết kiệm nhiên liệu đứng thứ hai phân khúc cũng không giúp Honda Civic 2012 xóa nhòa những nhược điểm trên.
Trong buổi trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, ông Tatsuo Yoshida, một nhà phân tích ôtô tại UBS Securities nói: “Khi bước vào không gian nội thất của Civic, nó thực sự khiến tôi lo lắng. Mặc dù mức tiêu thụ nhiên liệu đã được cải thiện, nhưng đối với khách hàng lần đầu mua xe, ưu tiên trước hết là diện mạo bên ngoài và nội thất bên trong. Điều này thì các hãng xe Hàn đang chiếm ưu thế”.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Bill Visnic của trang Edmunds.com lại bày tỏ sự lo lắng về việc Honda đang đánh mất đi nét đặc trưng vốn có. “Honda gây dựng danh tiếng dựa trên sự ưu việt về kỹ thuật. Hiện tại họ dần trở thành một hãng xe hơi bình thường”.
Doanh số xe hơi tại Mỹ đóng vai trò rất quan trọng với Honda vì đây là thị trường lớn nhất của hãng, chiếm gần 30% doanh số toàn cầu. Năm 2010, với 3 mẫu xe Civic, Accord và CR-V, thị phần xe du lịch của Honda tại Mỹ là 10,7%.
Tuy nhiên, kể từ sau trận động đất gây sóng thần ngày 11/3 tại Nhật Bản, doanh số của Honda tại Mỹ đã giảm 10%. Bên cạnh đó, Honda còn phải chịu thêm áp lực từ Hyundai. Trong 4 năm qua, thị phần của hãng xe hơi Hàn tại Mỹ đã tăng 2,7%.
Theo J.D. Power, điểm mạnh của Honda là duy trì thứ hạng cao trong các nghiên cứu về độ bền và độ tin cậy. Đó là điều thuyết phục người tiêu dùng. Trong bản báo cáo mới nhất của J.D. Power công bố tháng 6, Honda vẫn giữ vị trí số 1 trong các thương hiệu phổ dụng nhất. Trái lại, Hyundai xếp dưới mức trung bình.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác đánh giá tổng thể, J.D Power đưa ra kết quả Hyundai là thương hiệu cải thiện tốt nhất: “Độ tin cậy rất quan trọng”, Raffi Festekjian, Giám đốc nghiên cứu xe hơi của J.D. Power nói. “Nhưng sự thoải mái, cảm giác thích thú khi cầm vô-lăng cũng đóng vai trò không kém tác động tới người tiêu dùng, mà ở khoản này, Honda chỉ xếp thứ 4 từ dưới lên”.
Chủ tịch Honda, ông Takanubo Ito sẽ phải nỗ lực rất nhiều để lấy lại danh tiếng cho hãng.
Vì vậy, cái mà Honda cần lúc này là cái mà tất cả các công ty khác đều cần: tìm ra động lực mới và tiếp tục cống hiến những giá trị cốt lõi của bản thân. Những hoạt động phụ liên quan tới việc sản xuất máy bay hay rô-bốt sẽ không mấy hiệu quả khi thị trường đang trong tình trạng suy yếu. Chúng chỉ làm Honda mất sự tập trung trong việc điều hành hoạt động sản xuất chủ yếu của mình.
Nhiều hơn thế, Honda cần phải kiểm điểm nghiêm khắc và cải tổ lại bản thân. Điều đó có thể bao gồm một hành động không tưởng như tuyển dụng thêm nhiều nhân tài mới từ bên ngoài, để họ mang lại cái nhìn mới về thị trường và khách hàng của Honda. Với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ đến từ các nhà sản xuất xe hơi như GM, Ford, Hyundai và Toyota, Honda cần phải ngừng “chơi” với rô-bốt và tập trung vào công việc kinh doanh sản xuất xe hơi của mình.
Gia Minh
Theo Bưu điện Việt Nam