1. Chọn theo giá tiền
Trước khi lựa chọn bất cứ chiếc tai nghe nào hiện có mặt trên thị trường, hãy xác định "hầu bao" của bạn sẽ định chi trả bao nhiêu.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại tai nghe với kiểu dáng khác nhau, cả loại có thương hiệu đến loại không có thương hiệu.
Chúng tôi khuyên bạn nên đầu tư một chiếc tai nghe có thương hiệu rõ ràng. Thực tế số tiền đầu tư không cao - kể với giá cả 100 nghìn cũng có, thay vì mua một chiếc headphone không thương hiệu giá 50 nghìn. Những loại tai nghe có thương hiệu thường có độ bền cao, cho chất âm tốt và được bảo hành từ 6 đến 12 tháng.
Loại tai nghe này có thể chia làm 3 phân khúc chính, bạn có thể chọn mua tai nghe theo mức giá tạm thời từ thấp hơn 1 triệu (~50USD), từ 1 đến 2 triệu (50~100USD) và trên 2 triệu (trên 100USD).
Những tai nghe ở dưới mức 1 triệu gồm có các loại tai nghe đáng chú ý như Sennheiser CX300, Sony MDR EX-51, Sennheiser MX75 , Creative EP630, Sennheiser HD414, PMX100, PMX200, Koss KSC75, ProtaPro, AKG K26 P… Đây là những chiếc tai nghe phần nào thỏa mãn được nhu cầu thưởng âm của những người không quá cầu kỳ.
Ở mức thấp hơn, 2-300 nghìn, tai nghe chí cho âm thanh ở mức chấp nhận được. Do vậy chúng tôi khuyên bạn nên đầu tư thêm chút xíu để có thể sử dụng trong lâu dài.
Tầm tiền từ 1 đến 2 triệu có các loại tai nghe của Sony hay Sennheiser như Sony MDR-V6, Sennheiser HD-280, Grado SR60/SR80, AKG 26 P, AKG K240S, AKG K240Studio. Các loại tai nghe này thường nằm trong dòng Full-sized.
Mức giá trên 2 triệu bạn có thể tìm đến các loại tai nghe headphone như Sony MDR-XD400, Audio Technica ATH-A500, Sennheiser HD580/HD595, Grado SR225 hay một số loại earphone của Shure hoặc Klipsch... Nhưng để có thể "hiểu" được hết loại tai nghe nhà giàu này, trình độ thẩm âm của bạn cũng phải khá tương xứng.
Với các loại tai nghe trên trên 6 triệu, có lẽ bạn đã là một trong số những người chơi hi-end hoặc mức độ thẩm âm cực khó tính, bạn có thể chọn những chiếc tai nghe được đánh giá 5 sao từ phía nhà sản xuất và các trang công nghệ chuyên về tai nghe.
Ngoài ra, đối với các loại tai nghe nhái có xuất xứ từ Đài Loan hoặc Trung Quốc thường cho chất lượng âm "ra tiếng", có thể không bền, tuy nhiên lại có lợi thế về giá cả với mức dưới 200 nghìn đồng - phù hợp với những nhu cầu nghe nhạc bình dân và không nặng về kĩ thuật.
2. Chọn theo mục đích sử dụng
Bỏ qua giá tiền mà chỉ chú ý đến nhu cầu di chuyển, bạn có thể tham khảo các loại tai nghe theo phân loại của nhà sản xuất.
Tai nghe in-ear có tính di động cao
Ví dụ như muốn một chiếc tai nghe có khả năng di chuyển cao, tiện lợi trên đường đi, bạn hãy chọn các loại tai nghe Earbud hoặc Earhook do thiết kế nhỏ gọn, ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng tai nghe Bluetooth nếu không muốn phiền phức vì dây nối.
Nếu cần một chiếc tai nghe trong lúc chơi thể thao như chạy, đi bộ, tai nghe thuộc dòng Sport Hearphone là thích hợp nhất.
Còn nếu chỉ có nhu cầu dùng trong văn phòng và gia đình, bạn nên chọn loại tai nghe Full-sized hoặc Earpad vì tính di động của hai loại tai nghe này thấp, bù lại khả năng tách ồn lại rất cao.
Tai nghe Full-sized cũng là loại tai nghe dành cho nhu cầu thưởng thức nhạc chất lượng cao kết hợp với Home Theater, dây nối của loại tai nghe này cũng đủ dài để bạn kết nối từ bộ dàn âm thanh, TV tới một vị trí đủ xa để không gây hại mắt hoặc thoải mái thư giãn trên ghế dài trong phòng khách hoặc giường ngủ.
Mỗi loại tai nghe đều có ưu nhược điểm chống ồn tùy thuộc vào thiết kế, do đó sẽ mang lại chất lượng âm thanh khác nhau. Để hiểu rõ hơn về thiết kế cũng như điểm mạnh và yếu của các các loại tai nghe trên thị trường, đọc thêm
tại đây.
3. Chọn theo kiểu dáng thiết kế
Nhiều người thích lựa chọn tai nghe theo kiểu dáng thiết kế, có những người thích loại tai nghe Earbud do nhỏ gọn, có thể sử dụng khi đội mũ bảo hiểm, mũ len hoặc mũ trùm đầu. Loại tai nghe Earbud cũng không ảnh hưởng nếu bạn đeo những chiếc khuyên tai rườm rà hoặc có một kiểu tóc cực Style.
Tai nghe màu sắc của Elecom (Ảnh: Elecom)
Nhưng với một số người, tai nghe earbud hay những loại tai nghe nhét trong, nhét sâu, in-ear, thường gây đau tai và khó chịu. Dó đó họ thích kiểu thiết kế của tai nghe Full-sized dù loại tai nghe này có thể khiến họ ra mồ hôi tai và gây nóng.
Ngoài ra, một số loại tai nghe được thiết kế ngộ nghĩnh, màu sắc cũng là lựa chọn của người dùng, nhất là với phái nữ. SkullCandy là nhà sản xuất khá nổi tiếng trong lĩnh vực thêm màu sắc vào tai nghe. Những loại tai nghe có thiết kế bắt mắt về màu sắc, hay lạ lẫm về kiểu dáng như biến tấu hai chiếc tai thành hình tai thỏ, hoặc gắn thêm hình mặt cười,… thường nằm trong dòng tai nghe Full-sized và Earbud.
Những chiếc tai nghe có thiết kế lạ và đẹp, phù hợp với nữ giới trên thị trường Việt Nam hiện nay đều là những chiếc tai nghe xuất xứ từ Trung Quốc. Bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Đội Cấn hoặc Tôn Thất Tùng (Hà Nội) và các cửa hàng bán phụ kiện điện thoại… với giá dao động từ 200~500 nghìn Đồng. Bạn cũng có thể tìm mua những chiếc tai nghe màu sắc, thiết kế lạ mắt của Elecom với mức giá từ 2 triệu trở lên.
Kết
Nhìn chung, việc lựa chọn một chiếc tai nghe không phải điều đơn giản. Một chiếc tai nghe phù hợp với tiêu chí sẽ mang lại cho bạn cảm giác thoải mái khi sử dụng. Thêm vào đó, đối với tai nghe, chất lượng âm thanh mới là điều quan trọng nhất.
Một số website về headphone nổi tiếng như headphone.com, onheadphones.com hay HeadphoneReviews.com hoặc các site trong nước như headphone.com.vn, handheld.com.vn.... có thể giúp bạn phần nào trong việc tìm hoặc đánh giá loại tai nghe bạn cần.
Tùng Nhi