Nắng hè chói trang xuyên qua kính không chỉ làm ca-bin nóng, nội thất nhanh bạc màu mà còn khiến làn da của phái đẹp đen sạm chỉ sau vài ngày cầm vô-lăng. Vì thế, dán phim chống nóng cho xế yêu trở thành một nhu cầu của những ai sở hữu xế hộp. Câu hỏi đầu tiên của khách hàng, giữa một thị trường thật giả lẫn lộn, là "Dán phim nào tốt".
Phân biệt phim thật-giả
Ông Vũ Mạnh Tiến, Giám đốc công ty Năm Sao, nhà phân phối phim LLumar cho biết phim dùng cho kính chắn trước là loại hay bị làm giả vì khó nhận biết. "Bằng mắt thường rất khó để phân biệt thật giả. Tốt nhất, khách hàng nên đến đại lý chính hãng".
Các thương hiệu sản xuất phim lớn trên thị trường hiện nay như LLumar, V-Kool, 3M đều có hệ thống đại lý được công bố trên website chính thức của các công ty. Chỉ những đại lý này mới có sản phẩm chính hãng. Phim giả ngoài khả năng chống nóng kém còn có độ bền thấp, sau một vài năm thường bị bong tróc, phồng rộp, hình bị méo, mặt kính xuất hiện gợn sóng, đi đêm thường có cảm giác lóa mắt.
Bên cạnh đó, môi trường, kỹ thuật dán cũng ảnh hướng một phần tới chất lượng dán. Tại những cơ sở dán nhỏ, không đủ thiết bị, phòng sạch cũng có thể gây hiện tượng phồng rộp. Keo dán không dính vào kính do có bụi bẩn hoặc độ ẩm không khí quá cao.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó giám đốc V-Kool Việt Nam khuyến cáo khách hàng nên kiểm tra bằng đèn hồng ngoại trước và sau khi dán phim. Sản phẩm thật thường cho độ thẩm thấu nhiệt chậm, trong khi ở loại giả, tốc độ thẩm thấu nhanh hơn, để tay sau phim sẽ thấy nóng rát.
Phim chính hãng V-Kool có logo ở trên tấm phim chưa dán, nhưng sau khi dán xong biểu tượng này sẽ không còn. Vì logo này chỉ được in ở mặt ngoài của lớp nylon bảo vệ, đây là công nghệ rất khó để làm giả. Do đó khi bóc lớp nylon này đi, sẽ không còn logo ở trên phim nữa. Nhiều loại giả trên thị trường hiện nay có logo nhưng vẫn bám vào phim sau khi dán. Đây là dấu hiệu rất dễ để phân biệt thật giả, nhưng nếu khách không để ý, nhân viên cửa hàng có thể dùng cồn lau sạch dấu vết.
Các thông số quan trọng đối với phim cách nhiệt
Ánh sáng mặt trời bao gồm một dải quang phổ: vùng tử ngoại, vùng nhìn thấy, vùng tử ngoại.
Tỷ lệ truyền sáng: Thông số này cho biết có bao nhiêu phần trăm năng lượng bức xạ thuộc vùng nhìn thấy truyền qua phim. Giá trị càng lớn, phim càng trong.
Tỷ lệ truyền tia cực tím: Đa phần các loại phim đều loại bỏ được tia cực tím, nhân tố chính làm chói mắt, đen da, bay màu nội thất. Loại V-Kool X75 có thể loại bỏ từ 98 - 100% tia cực tím trong ánh sáng mặt trời.
Độ phản gương (Visible light reflected) chỉ ra phần trăm ánh sáng trong vùng nhìn thấy bị phản xạ. Tất cả các loại phim dùng trên ôtô đều có độ phản gương dưới 30%. Bởi nếu thông số này quá cao sẽ gây ra hai vấn đề xấu: Ánh sáng bị phản xạ ngược về môi trường có thể làm chói mắt người điều khiển phương tiện giao thông khác; hiệu ứng gương (người ngồi bên trong có thể nhìn thấy ảnh ảo của các vật trong ca-bin) cản trở khả năng quan sát bên ngoài.
Tổng năng lượng mặt trời loại trừ là phần năng lượng bức xạ mặt trời bị phim loại bỏ, bao gồm cả tia tử ngoại, ánh sáng, và tia hồng ngoài. Giá trị này đặc trưng cho khả năng cản nhiệt của phim. Cùng với tỷ lệ truyền sáng, tổng năng lượng mặt trời loại trừ là hai thông số quan trọng nhất của phim.
Lựa chọn loại phim phù hợp
Nếu không thể dán toàn xe (kính lái, kính sườn, kính hậu) hãy ưu tiên dán kính lái vì đây là loại kính có diện tích lớn nhất, ánh sáng mặt trời chiếu vào nhiều nhất. Hơn nữa, khi xe di chuyển theo hướng Đông, Tây, ánh sáng mặt trời thường làm người lái và ghế trước thấy khó chịu vì chói mắt, cháy da. Phim dành cho kính lái phải là loại có độ truyền sáng trên 70%, độ phản gương thấp dưới 15%, và tất nhiên tổng năng lượng ánh sáng loại trừ cao sẽ chống nóng tốt hơn.
Kính sườn trước cũng nên sử dụng loại phim có độ truyền sáng từ 30 - 40%. Độ truyền sáng thường tỷ lệ nghịch với tổng năng lượng loại trừ. Nếu độ truyền sáng quá cao làm giảm hiệu quả chống nóng, nhưng nếu quá thấp sẽ hạn chế khả năng quan sát của người lái khi chuyển hướng.
Phim dùng cho kính sườn sau tùy thuộc vào khả năng kinh tế, cũng như sở thích cá nhân. Nếu muốn tạo không gian riêng ở hàng ghế sau, người sử dụng nên chọn loại phim tối màu hoặc loại có giá thành thấp hơn.
Phương pháp bảo quản
Các loại phim có chất lượng cao, thường khá bền màu, không bị bong tróc trong quá trình sử dụng kéo dài khoảng 5 - 10 năm tùy loại và điều kiện sử dụng. Ông Mạnh Tiến khuyến cáo, để lớp phim bám chắc cần tuyệt đối không hạ kính xuống trong 48 giờ đầu tiên sau khi dán và hạn chế trong lên-xuống kính trong 3 ngày.
Tránh sử dụng các loại dung dịch có độ kiềm cao như xà phòng, nước rửa chén bát để để làm sạch phim vì chúng dễ làm mất màu. Khi lau kính cần dùng loại vải mềm sạch, nước không lẫn dị vật để tránh làm xước.
Thế Hoàng