* Năm 2013 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, ông chuẩn bị tâm thế đón chờ năm mới như thế nào và với kinh nghiệm từng trải, ông có thể chia sẻ đôi điều với các đồng nghiệp nhân dịp đầu năm?
- Với nền tảng đã có cũng như thành quả gặt hái được của năm 2012 và những năm trước, có thể nói Thịnh Phát hoàn toàn yên tâm bước vào năm 2013 với một tâm thế tự tin.
Bước sang năm mới, tôi cũng có vài chia sẻ với đồng nghiệp: Trong cuộc đời doanh nhân, chúng ta không tránh khỏi những biến cố tác động từ bên ngoài, nhưng quan trọng là chúng ta phải biết tự đánh giá lại mình, biết mình đang ở đâu trong ngành nghề và trong tình hình biến động phải biết nội lực của mình có kham nổi những dự án đã hoạch định hay không, từ đó mạnh dạn đưa ra những chiến lược phù hợp.
Tôi nói vậy vì thời gian qua, có không ít doanh nhân "bị” bệnh sĩ nên khi công ty đang gặp khó, họ vẫn không đủ "can đảm" thu vén lại, rút bỏ một số lĩnh vực đang hoạt động.
Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, cũng cần tỉnh táo để nhìn ra tiềm năng trong tương lai và quan trọng là dám dồn vốn để thực hiện kế hoạch của công ty. Bởi nếu mạnh dạn đón đầu cơ hội, khi kinh tế phục hồi, khả năng thành công sẽ rất khả quan.
* Vậy ông đã đón đầu và mạnh dạn đầu tư những gì cho bước đi những năm tiếp theo của Thịnh Phát, thưa ông?
- Trong lúc bức tranh kinh tế Việt Nam và thế giới đang hết sức ảm đạm, hơn 50.000 doanh nghiệp trong nước ngưng hoạt động và giải thể, hầu hết các ngành sản xuất đều bị động nhưng Thịnh Phát vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng mỗi năm và các hợp đồng sản xuất cũng đã ký đến hết tháng 8/2013.
Song, hạnh phúc lớn nhất của tôi là mỗi khi gặp anh em trong ngành, họ đều bảo: "Thịnh Phát đi sau lại về đích trước". Có được thành quả này là nhờ chúng tôi đã hoạch định chiến lược tầm xa từ những năm 2006, đặc biệt là tạo được giá trị cốt lõi, đó là ý chí quyết tâm làm việc trong mọi điều kiện khó khăn.
Năm 2007, bất động sản đang nóng, các doanh nghiệp đua nhau đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi cũng bị cuốn theo dòng chảy và phân vân giữa đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi hay bất động sản.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của tôi là phải đầu tư vào lĩnh vực chính mà mình đang làm. Vì vậy, tôi đã đầu tư 20 triệu USD để tiếp tục xây dựng nhà máy mới trên diện tích 10ha tại khu công nghiệp Thịnh Phát ở Long An.
Nhớ lại, khi biết tôi quyết định bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư khu công nghiệp và nhà máy, nhiều người tỏ ra lo lắng, lời ra tiếng vào, khiến đôi lúc tôi cũng băn khoăn, suy đi tính lại.
Song, với phương châm: "Làm ăn thì phải mạo hiểm, nhưng phải trong khuôn khổ cho phép, và đi bằng hai chân để khi bất trắc thì chân phải vẫn trụ được", với lợi thế của mình nên tôi quyết định đầu tư cả hai.
Tính toán của tôi là khu công nghiệp phù hợp với xu thế nền kinh tế, nhất là Việt Nam đang được nhiều tập đoàn nước ngoài đánh giá là địa điểm thuận lợi để đầu tư sản xuất. Giả sử "chân trái" khu công nghiệp có thua thì chúng tôi vẫn có "chân phải" là nhà máy sản xuất cáp điện lớn nhất Đông Nam Á với công nghệ hiện đại.
* Dù Thịnh Phát đầu tư vào khu công nghiệp rất khả quan nhưng ông vẫn thừa nhận đã có được những bài học xương máu?
- Đầu tư vào khu công nghiệp rủi ro rất lớn, nếu ai có ý định đầu tư vào lĩnh vực này thì lời khuyên của tôi là: nếu không có kinh nghiệm thì không nên làm, nghề cáp điện cũng vậy. Bởi lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự am hiểu riêng.
Chẳng hạn, đầu tư khu công nghiệp cần có những bí quyết mà làm qua rồi mới biết. Bây giờ, nếu Thịnh Phát đầu tư vào khu công nghiệp lần nữa, chắc chắn sẽ tránh được nhiều sai sót và sẽ làm tốt hơn lần đầu.
* Một kinh nghiệm ông rút ra là khi tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, chúng ta cũng sẽ có nhiều lợi thế và may mắn, ngay cả vào thời điểm khó khăn, ông có thể giải thích rõ hơn ý kiến này?
- Khi Thịnh Phát đầu tư xây dựng nhà máy có công suất, quy mô lớn và hiện đại, lợi thế đầu tiên là giá trị sản phẩm được nâng lên, nhiều khâu sản xuất được cải tiến nên tiết giảm được sự thất thoát, lãng phí, giá thành cũng tốt hơn.
Song, lợi thế lớn hơn là chúng tôi đã làm cho đối tác tin tưởng, bởi khi đầu tư nghiêm túc và chuyên nghiệp vào lĩnh vực của mình, cũng là cách chứng minh với đối tác chúng tôi đang theo đuổi nghề và gắn bó lâu dài, có trách nhiệm với khách hàng và sản phẩm.
Cũng vì vậy mà khi các nhà thầu ở các nước lân cận không thực hiện hợp đồng do bỏ thầu quá thấp, làm mất niềm tin với các nhà đầu tư, họ đã thẩm định và đánh giá cao nội lực cũng như kinh nghiệm, kỹ năng của Thịnh Phát, và chúng tôi được chọn hợp tác.
Cũng chia sẻ thêm, để có được những hợp đồng lớn, những năm trước đó Thịnh Phát không ít lần phải "cắn răng" chịu lỗ hoặc chấp nhận huề vốn khi giá nguyên liệu tăng, chính vì vậy chúng tôi đã tạo được sự tin tưởng, uy tín và khách hàng đã luôn đồng hành với chúng tôi trong các dự án sau.
* Doanh nghiệp nào cũng có chiến lược kinh doanh, nhưng bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ làm thế nào để chiến lược có thể thực thi khả quan nhất?
- Để có một chiến lược khả thi thì chúng ta phải có sự phân tích, tổng hợp, nhận định tình hình thật sâu sát, sau đó là kiên trì thực hiện chiến lược. Bởi trong quá trình thực hiện sẽ có không ít trở ngại, thậm chí cả những vật cản ngoài dự đoán, vì vậy, nếu không thật tin tưởng vào kế hoạch mình đặt ra, sẽ khó lòng vượt qua.
Song song đó, người lãnh đạo phải có nghị lực kiên cường, phải kỹ lưỡng trong từng hành động và chi tiết, trong từng lộ trình đi, vì không kỹ thì không thể thực thi chiến lược theo đúng hướng.
* Toàn cầu hóa là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước, cụ thể là cạnh tranh về sản phẩm và đấu thầu với các công ty nước ngoài, theo ông, trong cuộc chơi với các ông lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần phải trang bị kỹ năng gì để tạo ưu thế cho mình?
- Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều người đã chỉ ra, đó là không có chiến lược dài hạn và phòng ngừa rủi ro. Rút kinh nghiệm này, Thịnh Phát đã có những chiến lược xa đến năm 2020.
Song song đó, chúng tôi nhận ra ngoài uy tín thương hiệu và kinh nghiệm, việc đầu tư vào quản trị và công nghệ để gia tăng giá trị cho sản phẩm là yếu tố rất quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh, vì vậy, chúng tôi đã có những chiến lược cải tổ, đầu tư sâu vào phần mềm công nghệ, quản trị thông tin...
Thực tế, khi đầu tư vào các vấn đề này, chúng tôi đã tạo được ưu thế vượt trội về sản phẩm và giá thành. Do vậy, mặc dù việc đấu thầu trong tình hình hiện nay không đơn giản, nhất là hồ sơ dự thầu ngành điện rất khó khăn và thủ tục Nhà nước quản lý rất chặt, đòi hỏi nhà cung cấp phải thực hiện kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, nhưng năm 2012, Thịnh Phát đã trúng thầu nhiều dự án, để lại nhiều dấu ấn trong ngành dây cáp và ngành điện nói chung.
Ví dụ như dự án đường dây 500KV Vĩnh Tân - Song Mây 330 tỷ đồng, đường dây 220KV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long 275 tỷ đồng, đường dây 220Kv cung ứng cho 6 tỉnh của Campuchia 5 triệu USD, dự án cung cấp cáp ngầm trung thế cho điện lực TP.HCM 50 tỷ đồng...
* Trong lúc thị trường gặp khó, ở cương vị một người lãnh đạo, quyết định nào ông cảm thấy khó khăn nhất và ông đã giải quyết khó khăn đó như thế nào?
- Khi kinh tế khủng hoảng, một ngày tôi phải họp với bộ phận kinh doanh và tài chính đến bốn lần để làm sao tìm đầu ra hiệu quả nhất. Song, điều khó nhất mà người lãnh đạo doanh nghiệp phải giải quyết, đó là làm sao cân bằng được mâu thuẫn giữa bộ phận kinh doanh với người lãnh đạo, bởi người làm kinh doanh nào cũng muốn có nhiều doanh số, còn giám đốc thì muốn có nhiều doanh thu.
Mà trong tình hình thị trường kém sôi động, khách hàng thường ngâm nợ rất lâu, việc cân bằng bài toán bán hàng và thu được tiền là một quyết định khó, vì nếu không xử lý khéo, họ sẽ tự ái hoặc bỏ mình luôn.
Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rà soát lại một cách khéo léo thông tin khách hàng và thực trạng kinh doanh của các đại lý, thậm chí chấp nhận bỏ bớt một số khách hàng rủi ro cao.
Tôi nói rõ quan điểm với anh em: "Trong tình hình quá bi đát, chúng ta phải giữ mình trước, vì nếu sợ khách hàng giận thì chúng ta không tồn tại. Khi chúng ta còn thì còn cơ hội gặp khách hàng".
Hai mươi năm dấn thân vào nghiệp kinh doanh, tôi càng thấm thía nỗi khổ của doanh nhân chứ không như mọi người thường thấy các ông doanh nhân béo tốt, mượt mà...
* Nói vậy, nhưng lúc nào gặp ông cũng thấy phong thái rất ung dung.
- Ung dung bên ngoài nhưng lửa đốt bên trong, đó là tâm trạng của người làm kinh doanh mà không ai có thể hiểu hết được. Tôi quan niệm, càng lúc khó thì người lãnh đạo càng phải bình tĩnh, ung dung vì đó là cách tạo cho nhân viên niềm tin.
Có những lúc tình thế bế tắc, một mình đóng cửa trong phòng đi tới đi lui, thuốc đốt liền liền nhưng trước mặt nhân viên, tôi vẫn tỏ ra bình thản.
Điều quan trọng nhất của người làm lãnh đạo là phải biết quân bình tinh thần, biết giấu đi những cảm xúc bất ổn để tạo sự an tâm cho nhân viên. Và liều thuốc hiệu quả nhất để tôi quân bình áp lực, đó là buổi chiều trở về nhà với vợ con, ăn bữa cơm tối bên gia đình.
Buổi sáng dậy thật sớm đi bộ với vài anh hàng xóm, vừa đi vừa nói chuyện thế thái nhân tình, luận bàn chuyện xã hội. Thói quen này không chỉ giúp tôi giải stress mà còn là dịp giúp tôi kết nối tình thân chòm xóm.
* Trở lại vấn đề quyết định khó khăn, tôi thấy những năm gần đây, rất nhiều chủ doanh nghiệp đã phải thay đổi tư duy, mạnh dạn phân quyền cho cấp dưới, đây cũng là một quyết định rất khó của không ít giám đốc, nhất là các công ty gia đình, ông có gặp khó khăn này không, thưa ông?
- Đúng là thời gian qua, khi phải đối mặt với tình hình biến động hằng ngày, hằng giờ của thị trường, nguyên liệu đầu vào, giá nhập khẩu nguyên liệu, đối thủ cạnh tranh..., tôi bắt đầu thay đổi tư duy và quyết định phân quyền, trao quyền hạn dài hơn cho cấp dưới, bởi trong thời điểm cạnh tranh gay gắt, cái gì cũng phải trình tổng giám đốc duyệt như trước đây thì rất mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đôi lúc mất luôn cơ hội tốt.
Tuy nhiên, quyết định này lúc đầu cũng rất khó khăn, nhưng sau khi thực hiện, tôi thấy guồng máy chạy tốt hơn, anh em sáng tạo và làm việc tự chủ, hăng hái hơn và bây giờ tôi cảm thấy rất yên tâm.
* Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lâu nay nhiều người thường làm là đóng góp từ thiện cho xã hội, còn thịnh phát như thế nào?
- Nhiều năm qua, Thịnh Phát đóng góp rất nhiều vào các hoạt động từ thiện của xã hội, tuy nhiên, ngoài việc đóng góp về kinh phí, chúng tôi vẫn còn một đóng góp không kém phần quan trọng, đó là mang lại sự an toàn, giá trị nhân văn cho cộng đồng.
Mặc dù là mua bán sản phẩm, nhưng ở góc độ xã hội, nếu không có doanh nghiệp như chúng tôi phục vụ cho ngành điện thì Nhà nước phải nhập khẩu, thời gian thực hiện chậm, giá thành lại cao hơn. Chưa kể, nếu nhập khẩu từ Trung Quốc, chất lượng liệu có đủ tin cậy?
Bên cạnh đó, song hành với chiến lược cung ứng dây cáp điện cho các dự án công cộng cấp Nhà nước, năm 2013, chúng tôi sẽ có bước đột phá về thương hiệu, đó là tập trung cung cấp dây điện cho thị trường dân dụng, mục tiêu phục vụ rộng rãi cho cộng đồng những sản phẩm an toàn cao nhất về vấn đề cháy nổ. Cụ thể, kế hoạch sắp tới chúng tôi sẽ cung cấp dây điện cho một số bệnh viện, trường học.
* Là doanh nghiệp đạt rất nhiều giải thưởng và bản thân ông cũng nhận nhiều giải thưởng, vinh dự, hạnh phúc là đương nhiên, song sau những danh hiệu đó chắc hẳn không ít áp lực?
- Làm doanh nghiệp mà không bị một vết nhem nào từ sản phẩm, môi trường đến thuế má... là cả một áp lực vô cùng nặng nề, huống hồ lại là doanh nghiệp từng được nhận các bằng khen, danh hiệu cao quý. Phải nói rằng, áp lực này với tôi vô cùng lớn.
Vừa phải gìn giữ danh hiệu, vừa phải nỗ lực làm tốt hơn, tốt hơn nữa. Với những giải thưởng hằng năm, nếu năm sau không đạt được mình cũng cảm thấy có gì đó chưa trọn vẹn và... hơi buồn. Căng thẳng lắm, nhưng đó cũng là động lực để tôi không ngừng phấn đấu.
* Hiện nay, Myanmar đang là thị trường thu hút các doanh nghiệp trong nước, trong đó có Thịnh Phát, tuy tiềm năng nhưng bước vào thì không ít khó khăn, Thịnh Phát đã làm thế nào để kinh doanh hiệu quả ở thị trường này?
- Thị trường Myanmar đang nóng, nhiều doanh nghiệp muốn nhảy vào nên cạnh tranh cũng nhiều. Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư, chúng tôi đã mất một năm trời "nằm" ở Myanmar để tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và đưa ra những lộ trình cho từng giai đoạn.
Thực tế, giá bán ở thị trường Myanmar thấp hơn so với mặt bằng chúng tôi đang cung cấp tại Việt Nam vì phải bán thông qua đại lý, còn bán trực tiếp cho các công ty xây dựng thì bị họ ép giá, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận chịu lỗ trong vài năm đầu để có được thị trường cho vài ba năm sau.
Và để giữ uy tín thương hiệu, chúng tôi cũng kiên quyết không giảm chất lượng để chiều theo yêu cầu khách hàng nước sở tại, đồng thời khá nhanh nhạy ứng phó với những "luật lệ” bất thành văn ở đây nên Thịnh Phát đã bắt đầu bán được hàng, tạo được mối mang, sự tin cậy của đối tác, khách hàng ở thị trường này.
* Xin chúc mừng thành công của Thịnh Phát và cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!
LỮ Ý NHI thực hiện