Tọa lạc tại 41 phố Yên Duyên, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai - Hà Nội, Thành Công kỳ viên với diện tích gần 3.000 m2 với hàng trăm cây kiểng được các chuyên gia đánh giá có chất lượng cao, mỗi cây là một tác phẩm nghệ thuật sống động.
Theo ông Nguyễn Trọng Thành, chủ nhân của Thành Công kỳ viên, vườn cảnh này có tới hơn 200 cây cảnh nghệ thuật với trên 40 chủng loại cây khác nhau như Tùng, Sung, Sanh, Si, Đa, Đề, Du, Nguyệt quế, Lộc vừng... Trong đó đáng chú ý nhất là cây tùng La Hán cổ thụ ước định gần 300 tuổi, được cụ Lê Mỹ Cát, một nghệ nhân trên 90 tuổi và là chủ tịch danh dự của Hội cây cảnh nghệ thuật Hà Nội đặt tên “Thanh tùng ngạo tuyết” (Tùng xanh khinh tuyết).
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu sinh vật cảnh Lê Quang Khang, Thành Công kỳ viên hội tụ đủ bốn thành tố: mộc, thạch, ngư, cầm (cây, đá, cá, chim), và tất cả đều đạt được sự kỳ mỹ. Các vật thể trong vườn được sắp đặt đúng vị trí tạo nên một vẻ đẹp hài hòa. Thú vị nhất là Thành Công kỳ viên thể hiện được cách chơi thâm thúy của người Việt Nam là lấy cảnh để tải đạo.
Để có được vườn cây như ngày nay, suốt gần 20 năm qua, ông Thành đã dày công sưu tập, tìm kiếm cây phôi với đủ chủng loại, dáng vẻ, từ nhiều vùng miền trong nước và nước ngoài, đưa về tạo tác lại thế, dáng và thổi hồn cho từng cây. Vì vậy, tuy mới đi vào nghệ thuật cây cảnh khoảng mười lăm năm nay nhưng trong kỳ viên của ông Thành lại có khá nhiều cây có tuổi thọ hàng trăm năm.
Có người cho rằng khu kỳ viên có giá tới hàng trăm tỉ đồng nhưng có người cho rằng giá trị của khu vườn cây thật khó xác định bằng tiền. Ông Thành tâm sự, có những cây khi mua ở dạng phôi chỉ vài chục triệu đồng nhưng sau dăm, bảy năm chăm sóc, tạo dáng có cây đã được trả giá tới vài tỉ đồng. Thế nhưng có nhiều cây đã được ông chủ vườn giữ lại vì “mê cây hơn mê tiền”.
"Nếu tôi ham tiền hơn thì chắc chắn sẽ không bao giờ có được khu vườn thế này", ông Thành nói.
Trường Sơn
(thực hiện)