Về ấp 2, xã Đạo Thạnh thuộc ngoại thành TP Mỹ Tho (Tiền Giang), hỏi "Trại ếch giống Bảy Có" của ông Phan Văn Có, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh thì ai cũng biết. Ông là người tiên phong và thành công trong mô hình nuôi ếch ở địa phương này.
Ông Có cho biết, bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi ếch Thái Lan trong ao đất vào năm 2008 chỉ với 20 cặp ếch bố mẹ và 2.000 con ếch giống. Lúc này, ếch bị dịch bệnh tấn công, dẫn đến hao hụt khá nhiều. Sau đó, nhờ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh nên đàn ếch dần phát triển ổn định và cho lợi nhuận trong năm đầu khoảng 30 triệu đồng.
Mỗi năm, ông Có cho ếch sinh sản 3 lần (mỗi cá thể ếch cái đẻ khoảng 2.000 trứng), tỷ lệ nở đạt 25%, giá ếch giống dao động 1.000 - 1.500 đồng/con. Ếch giống nuôi khoảng 3 tháng (trọng lượng 0,2 - 0,25 kg/con) là có thể xuất bán. Tùy thời điểm, giá thu mua ếch thịt dao động 35 - 70 ngàn đồng/kg.
Vụ ếch năm 2012, ông Có cho 300 cặp ếch bố mẹ đẻ được hơn 10 vạn ếch giống, giá bán tại trại 1.000 - 1.200 đồng/con, tính ra lợi nhuận thu được từ ếch trên 100 triệu đồng. Thời điểm này, trại ếch của ông có 16 bể, diện tích gần 200m2 với tổng cộng 150 cặp ếch bố mẹ và 5.000 ếch thịt.
Theo kinh nghiệm của ông Có, để hạn chế dịch bệnh trong nuôi ếch thương phẩm, cần phải phơi khô đáy ao, bón vôi sát trùng sau mỗi đợt nuôi. Nơi trú ngụ cho ếch có thể làm bằng lá dừa thay cho việc dùng vạt tre như trước đây, vừa tiện dụng vừa phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho ếch rất hiệu quả.
Đối với việc sản xuất ếch giống, vấn đề khó hiện nay là làm sao cho ếch mẹ giữ được trứng sang tới mùa nghịch để cho đẻ ếch giống, vì giá ếch có thể đạt trên 2.000 đồng/con so với 1.000 đồng/con trong mùa thuận.
Từ thành công trong mô hình nuôi ếch của ông Có, nhiều hộ nông dân ở Mỹ Tho đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu nuôi ếch từ việc cải tạo ao nuôi các loài thủy sản khác kém hiệu quả, hay lót bạt nuôi quanh sân vườn.
Năm 2009, phong trào nuôi ếch ở các xã ngoại thành TP Mỹ Tho đã phát triển lên đến gần 40 hộ, riêng xã Đạo Thạnh có 20 hộ nuôi ếch. Và từ đây, Tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh với 20 tổ viên đã ra đời để làm đầu mối chuyển giao kỹ thuật, góp vốn sản xuất cũng như tạo đầu ra ổn định cho các tổ viên.
Tuy nhiên, hiện nay một số hộ nuôi ếch ở địa phương này tạm ngừng sản xuất do hoạt động không hiệu quả. Theo ông Có, nguyên nhân là do nhiều người chủ quan không chú ý chăm sóc. Mặt khác, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về đối tượng này, kỹ thuật nuôi ếch của người dân chủ yếu là tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Thời gian gần đây, dịch bệnh trên ếch rất nhiều như: bệnh đỏ đùi, mù mắt, vẹo cổ, sình bụng,… nhưng không có thuốc đặc trị mà chỉ dùng thuốc dành cho người để trị bệnh ếch nên hiệu quả chưa cao.
Đây là vấn đề nan giải cần được khắc phục nhanh chóng để loài nuôi này phát huy được tiềm năng và giá trị kinh tế.
Theo Thủy sản Việt Nam