Hoạt động chính của trẻ là ăn, ngủ và chơi đùa do đó ngoài giường ngủ bạn nên để dành một khoảng sàn rộng cho trẻ chơi đùa. Nên kê giường ngủ của trẻ vào sát tường để tăng diện tích trống càng nhiều càng tốt để trẻ có thể vận động, chơi đùa một cách tự do và thoải mái nhất.
Nhưng cũng chính vì tính hiếu động của trẻ mà khi lựa chọn đồ đạc cho phòng trẻ thì yếu tố an toàn cần phải được đặt lên hàng đầu. Bạn cần lưu ý không sử dụng đồ đạc cứng, sắc cạnh hoặc đồ dễ vỡ, hay những món đồ chơi nhỏ mà trẻ em dễ ngậm và nuốt.
Phòng trẻ em không nên có ban công, nếu có thì ban công phải thiết kế sao cho trẻ không thể trèo lên được, các thiết bị điện trong phòng phải được đặt ở ngoài tầm với của trẻ.
Sàn nhà nên là sàn gỗ vì dễ làm vệ sinh và chất liệu gỗ không quá cứng, lạnh..sẽ giúp bạn bảo vệ sức khoẻ cho trẻ được tốt hơn. Đối với tường nhà, bạn nên ốp gỗ hoặc tấm nhựa ở chân tường để có thể dễ dàng lau chùi khi trẻ bôi bẩn lên tường.
Đồ đạc trong phòng nên được lựa chọn với những hình khối cơ bản, không nên quá cầu kỳ về chi tiết bởi nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy những hình khối như hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật…sẽ kích thích tốt hơn trí tưởng tượng của trẻ.
Những món đồ được lựa chọn nên là những đồ đạc có tính cơ động cao, dễ dàng thay đổi kích cỡ, tháo rời bởi trẻ em tăng trưởng và thay đổi khá nhanh, sự lựa chọn như trên sẽ giúp gia đình bạn tiết kiệm những khoản chi phí không nhỏ khi phải bỏ tiền ra mua sắm những món đồ mới phù hợp hơn với lứa tuổi của chúng.
Và cuối cùng, bạn cần lưu ý không thiết kế không gian đóng đối với phòng của trẻ, không gian riêng của bé nên chỉ là không gian độc lập tương đối. Bạn cần bố trí phòng của trẻ nằm trong tầm quan sát của bố mẹ để luôn đảm bảo rằng bọn trẻ đang được an toàn và đó cũng là cách để củng cố sợi dây liên kết giữa trẻ em và cha mẹ.
Mai Anh