Chuẩn giao tiếp không dây DLNA được biến đến khoảng vài năm nay và gần đây, chúng được tích hợp nhiều trong các HDTV đời mới và được coi là một tiêu chí đánh giá mức độ hiện đại của HDTV.
DLNA là gì?
DLNA là chữ cái viết tắt của mạng giao tiếp Digital Living Network Alliance, được hỗ trợ rộng rãi bởi hầu hết các nhà sản xuất TV, cho phép chia sẻ nội dung hình ảnh, video không dây từ các thiết bị kỹ thuật số như laptop, điện thoại, máy tính bảng… lên màn hình TV, sử dụng trong cùng một mạng gia đình.
Giao tiếp này mang đến nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng nhờ chia sẻ rộng rãi hơn, cho nhiều TV hơn trong gia đình, xem màn hình lớn hơn hay tiết kiệm bộ nhớ hơn vì không phải lưu trữ ở tất cả các thiết bị.
Với mỗi nhà sản xuất TV, chuẩn giao tiếp này sẽ được gọi bằng những cái tên khác nhau như AllShare trong các dòng SmartTV của Samsung hay SmartShare của LG hoặc Simple Share của Philips, thậm chí là AirPlay – một phiên bản chia sẻ dữ liệu không dây thông minh của Apple nhưng đây chỉ là giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ, không phải giải pháp đầy đủ hoàn hảo như DLNA. Song, DLNA vẫn là tên phổ biến nhất để gọi cho chuẩn giao tiếp không dây nói trên.
Phân loại DLNA
Chia sẻ đồng thời với nhiều màn hình TV
DLNA cho phép bạn chia sẻ nội dung từ một máy tính PC hay laptop, máy tính MAC, điện thoại thông minh tới màn hình TV. Hoặc có thể chia sẻ từ một số thiết bị lưu trữ trong mạng nội bộ (NAS) với TV, máy tính bảng.
Để sử dụng được, hai máy chủ và khách cần được cài đặt chuẩn DLNA tương thích với nhau. Hiểu đơn giản là các thiết bị lưu trữ và truyền nội dung được gọi là máy chủ, máy khách sẽ nhận nội dung và hiển thị.
Như vậy, PC, MAC hay laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy quay, máy ảnh sẽ là những máy chủ, còn TV hoạt động như một máy khách.
Cài đặt và sử dụng DLNA
Chuẩn DLNA có thể được tích hợp trong các thiết bị lưu trữ NAS
Hầu hết các TV đời mới đều tích hợp chuẩn DLNA. Để chắc chắn được sử dụng giao tiếp hiện đại giữa các thiết bị số này, hãy kiểm tra trên website của nhà sản xuất và tính năng hỗ trợ của sản phẩm khi mua hàng.
Nếu bạn đang sở hữu một TV không tích hợp DLNA, bạn có thể mua thiết bị chuyển dữ liệu trực tuyến từ bên ngoài như Western Digital hay Popcorn Hour. Những thiết bị này thường có bộ giải mã tín hiệu tốt hơn.
Để có thể sử dụng DLNA để chia sẻ nội dung giữa các thiết bị, bạn cần làm theo các bước sau đây nhưng lưu ý cả TV lẫn thiết bị lữu trữ cần chia sẽ đều phải được kết nối trên cùng một bộ định tuyến (router)
Chuẩn DLNA: chọn chuẩn DLNA phù hợp với thiết bị hiện có. Bất kỳ thiết bị nào cũng cần có chuẩn giao tiếp DLNA.
Cài đặt: Tìm chuẩn DLNA phù hợp để cài đặt trên cả hai thiết bị truyền - nhận. Thông thường trên các thiết bị lưu trữ NAS, chuẩn DLNA được cài đặt sẵn.
Chia sẻ nội dung: Khi các chuẩn DLNA được cài đặt sẵn sàng, bạn chỉ cần điều chỉnh tới mục chia sẻ và chọn nội dung muốn hiển thị.
Trên màn hình TV: phải chắc chắn chuẩn DLNA cũng tương thích với TV. Nếu không tương thích, bạn có thể chọn chuẩn giao tiếp khác bởi không phải ứng dụng DLNA nào cũng hỗ trợ hoạt động trên TV. Sau đó, điều chỉnh trong giao diện SmartTV hoặc nút chuyên dụng DLNA/Share trên remote. Cuối cùng, thông tin đã kết nối, sẵn sàng cho bạn thưởng thức tất cả mọi nội dung.
Hạn chế của DLNA
Mặc dù hiệu quả tiện nghi đã thấy rõ, song DLNA cũng có những hạn chế nhất định mà người xem dễ dàng gặp phải trong quá trình sử dụng như:
Giải mã chương trình: Một số nội dung video có “đuôi” avi, mpeg2, mpeg4, wmv, DivX… sẽ bị hạn chế, không được hỗ trợ chuyển đổi lên màn hình TV.
Gián đoạn: kết nối không dây DLNA dễ gây ra hiện tượng gián đoạn đường truyền. Nếu bắt gặp sự cố này thường xuyên, hãy chuyển sang dùng cáp Ethernet để đảm bảo tốc độ đường truyền.
Hỗ trợ HD: Chỉ hỗ trợ HD, không thể trình chiếu video đạt chuẩn 1080p vì chúng chỉ hỗ trợ trên một số hệ thống và thiết bị nhất định.
Quỳnh Anh