Tinh thần "có thể làm mọi thứ" của doanh nhân
* Ông có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về chuyến đi Lào vừa qua?
- Chúng tôi đã đến Viêng Chăn và một số tỉnh miền núi phía bắc của Lào. Và còn băng qua cả một ngọn núi nữa chứ! Gần đến đỉnh núi thì chúng tôi không thể đi tiếp vì bị một số đoạn cây to ngáng ngang đường. “Thám hiểm” lên phía trên, một phụ nữ Lào hiện ra.
Tuy không biết tiếng của nhau, nhưng qua “ngôn ngữ hình thể”, chúng tôi hiểu bà chính là người đã đặt các khúc cây đó, để ngăn ngừa sự xâm phạm của người lạ đến rừng cao su của mình phía trên. Thật thú vị!
Cuối cùng, chúng tôi cũng kéo được các khúc cây sang một bên để cho xe qua. Sau đó thì khuân chúng về chỗ cũ cho bà.
* Thật là mạo hiểm! Được biết năm 2009, trước khi sang TP.HCM nhậm chức, ông là Giám đốc điều hành Tập đoàn NZ Bakels. Quyết định “đổi nghề” đột ngột này dường như cũng mang màu sắc “mạo hiểm”, thưa ông?
- Vâng, lúc đó tôi chưa từng đến Việt Nam, chưa từng làm trong ngành ngoại giao trước đó. Nhưng tôi không ngại dấn thân. Tôi rất tự hào được đại diện cho đất nước mình để vun đắp cho thương mại song phương Việt Nam - New Zealand phát triển.
Trước đó, tôi cũng có nhiều lần đổi công việc. Tôi từng là giáo viên thể dục, vận động viên và huấn luyện viên đội tuyển quốc gia vềtennis và bóng bầu dục (rugby) tại New Zealand và Hoa Kỳ, là doanh nhân ở New Zealand và Philippines.
* Hiện giờ ông đã quen với cuộc sống ở TP.HCM chưa?
- Gia đình tôi rất vui khi sống ở đây. Tôi thích ăn chả giò, canh măng chua, cá basa, gạo lức lắm. Tôi có nhiều bạn bè người Việt. Tôi cũng tham gia hoạt động từ thiện cùng với cộng đồng doanh nghiệp New Zealand, như gây quỹ và đóng góp cho Mái ấm Bà Chiểu.
* Đổi nghề thường xuyên, mà các công việc của ông đều ở vị trí “top”. Nhờ đâu ông có thể “băng” từ “đỉnh” này sang “đỉnh” khác dễ dàng như vậy?-
Thật ra, để thành công trong bất cứ công việc nào, bạn cũng phải có đủ “basic skill set” - bộ kỹ năng cơ bản. Dù là huấn luyện viên, vận động viên, doanh nhân hay nhà ngoại giao. Đó là tính cạnh tranh, kỷ luật cao, làm việc nhóm, hiểu con người. Đặc biệt, phải có tinh thần lạc quan, “can do” - “có thể làm mọi thứ”.
Tôi nghĩ, 80% thành công được quyết định bởi bộ kỹ năng cơ bản này. 20% còn lại có thể học được trong từng ngành nghề riêng. Mà chúng liên quan mật thiết với nhau. Ví dụ, doanh nhân cũng phải có kỹ năng ngoại giao tốt.
Tôi còn may mắn có được sự ủng hộ của người vợ đã chung sống 38 năm. Vợ tôi cũng rất đam mê thể thao, như tennis, bóng rổ. Hai con trai của tôi cũng vậy, một là vận động viên xe đạp xuống núi chuyên nghiệp ở Canada, một vừa tốt nghiệp ngành giáo dục thể chất. Cả hai đều là những tay đua mô tô mạo hiểm hàng đầu.
* Dường như người New Zealand rất yêu thích thể thao?
- Vâng, người New Zealand nhìn chung rất mê thể thao. Có lẽ vì chúng tôi sống trên đảo bốn bề là biển, có khí hậu thuận tiện cho các hoạt động thể thao ngoài trời. Các môn thể thao như lướt ván, đua thuyền, hockey, bóng đá, đua mô tô... rất phổ biến ở nước tôi.
Ngành sữa và gỗ - tiềm năng chưa khai thác hết
* Về giao thương giữa hai nước, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều sữa và gỗ từ New Zealand...
|
Mr. Graham Sims (right) with his wife and son |
- Vâng, sữa và gỗ là hai ngành mà New Zealand có thế mạnh. Dù là đất nước nhỏ bé nhưng New Zealand cung cấp tới 28% sản lượng sữa cho thế giới đấy! Chúng tôi xuất khẩu 92% sản lượng sữa sản xuất được, chỉ tiêu dùng 8% tại New Zealand.
Chúng tôi có nhiều đồng cỏ xanh, có khí hậu phù hợp để chăn nuôi bò. Nhờ vậy ngành công nghiệp sữa phát triển từ lâu và có chi phí sản xuất thấp.
New Zealand cũng có ngành công nghiệp gỗ phát triển bền vững. Đất đai và khí hậu ở đây rất thích hợp cho loại “gỗ mềm” pinus radiata. Chỉ cần trồng khoảng 25-30 năm là có thể thu hoạch, trong khi một số loại “gỗ cứng” ở Việt Nam phải mất cả trăm năm mới thu hoạch được.
Bên cạnh đó, đồ đạc làm từ một số loại gỗ của New Zealand sau khi được xử lý đặc biệt có độ bền đến 50 năm dù được đặt trong đất, hay nước.
* Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 0,5 tỷ USD từ New Zealand, nhưng chỉ xuất khẩu vào New Zealand gần 300 ngàn USD. Cán cân thương mại này không cân bằng, theo ông là do đâu?
- Bạn nghĩ xem, đất nước tôi chỉ có 4,3 triệu người, trong khi Việt Nam có tới 90 triệu người! Nên sự không cân bằng này là... bình thường. Điều quan trọng là thương mại song phương giữa Việt Nam và New Zealand đang phát triển rất tốt!
Hiện nay New Zealand và ASEAN cũng đã ký kết hiệp định thương mại song phương về tự do thương mại (AANZFTA). Đến năm 2020, 99% mặt hàng nhập khẩu sẽ có thuế suất 0.
* Tình hình đầu tư giữa hai nước thì sao, thưa ông?
- Triển vọng rất tốt! Tập đoàn Vinamilk đã đầu tư vào công ty sữa ở New Zealand để đảm bảo có nguồn cung ứng nguyên liệu. Mới đây, liên doanh đầu tiên về xử lý gỗ Timberlink cũng đã được thành lập ở Việt Nam. Nó sẽ xử lý các nguồn gỗ nhập khẩu để xuất sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, hoặc tiêu thụ nội địa.
Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh giới thiệu ngành giáo dục New Zealand tới các bạn trẻ Việt Nam. Hiện nay đã có 2.500 sinh viên Việt Nam theo học ở New Zealand. Một số trường đại học, trung học New Zealand cũng đã mở chi nhánh ở Việt Nam.
* Đâu là thách thức lớn nhất của ông trong công việc Tham tán thương mại?
- Bạn biết đó, chúng tôi không có ngân sách lớn cho các hoạt động quảng bá hay xúc tiến thương mại. Nhưng, tôi vẫn cố gắng tiến hành hoạt động một cách hiệu quả nhất có thể, với tinh thần “can do” - “có thể làm mọi thứ”.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
BÙI THỊ SONG HÀ thực hiện