Cuộc trò chuyện giữa
Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng và Tổng giám đốc BankInvest - hệ thống ngân hàng đến từ Đan Mạch và các nước khu vực Scandinavia diễn ra vào một ngày nắng nóng, thời điểm gần trưa, trước và sau đó đều là các cuộc hẹn khác của ông. Nhưng Hans Chtistian Jacobsen trao đổi một cách từ tốn, vui vẻ, thoải mái, và nhiệt tình đến độ cô trợ lý phải nhắc: “Sau đây chúng ta còn có cuộc hẹn, Hans à”.
Tiền đầu tư chỉ là một phần của công việc
* BankInvest với Quỹ Đầu tư Private Equity New Markets (gọi tắt là PENM) chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006. Từ đó đến nay, BankInvest đã đầu tư vào bao nhiêu công ty ở Việt Nam? Và ông có thể cho biết hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của các công ty đó?
- Cho đến nay, con số là 15. Quỹ PENM I với số vốn 100 triệu USD, chúng tôi đã đầu tư vào 8 công ty ở Việt Nam và 2 công ty tại Ai Cập. Quỹ PENM II với số vốn 150 triệu USD, chúng tôi đầu tư vào 7 công ty.
Hiện chúng tôi đã huy động được 150 triệu USD cho quỹ PENM III và dự tính sẽ tăng lên từ 50-100 triệu USD nữa trong vòng 6 tháng tới. Kết quả kinh doanh thì không phải tất cả đều đồng đều.
Có một số rất khả quan, một số công ty rất thành công, như Tập đoàn Masan, Hòa Phát, Eurowindow, hiện là những tên tuổi lớn. Khi chúng tôi bắt tay vào đầu tư, họ cũng có tiếng rồi, nhưng chưa lớn như bây giờ.
BankInvest cũng đã bán hai công ty rất thành công là ICP và quạt máy Asia sau khi hai công ty này lớn hơn gấp ba bốn lần so với ban đầu khi chúng tôi tham gia đầu tư.
* Tiêu chí để BankInvest lựa chọn đối tác đầu tư là gì, thưa ông?
- Điều quan trọng và hấp dẫn chúng tôi nhất chính là yếu tố con người, những người tạo lập nên công ty đó. Tất cả các công ty chúng tôi đầu tư đều được tạo dựng bởi hai vợ chồng, hai anh em, hai người bạn, hoặc một nhóm bạn.
Đó đều là những công ty trẻ, tuổi không quá 20, phần lớn là 10 -12 hoặc 15 năm; người đầu tư cũng đồng thời là giám đốc điều hành, chủ tịch hội đồng quản trị; các thành viên trong gia đình tham dự nhiều vào việc kinh doanh và chúng tôi là nhà đầu tư đầu tiên thuộc diện “ngoài gia đình”.
Chúng tôi lựa chọn khi thấy họ có tiềm năng để thành công. Họ đã chứng minh rằng việc kinh doanh của họ là đúng hướng, có thể phát triển hơn nữa, họ có khả năng đào tạo những người giỏi và giữ người tài, doanh nghiệp của họ đang có lãi và sẽ trở thành người đi đầu trong ngành hàng đó.
* BankInvest có gì khác so với các quỹ đầu tư khác?
- Điểm chung giữa chúng tôi là đều có vốn để đầu tư. Nhưng, với BankInvest, tiền đầu tư chỉ là một nửa, nửa còn lại chính là sự trợ giúp, và đó là điểm khác biệt lớn.
Chúng tôi là nhà đầu tư duy nhất ở Việt Nam tham gia vào việc quản lý của công ty, tất nhiên không bao giờ giành quyền kiểm soát, mà chỉ giúp đỡ, tư vấn cho họ về các vấn đề như cải tiến bao bì và chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân viên, tìm kênh phân phối, tìm thị trường xuất khẩu, giúp việc sản xuất trở nên hiệu quả hơn...
Nói chung là giúp đỡ nhiều mặt, và hình thức đầu tư như thế này có rất nhiều ở châu Âu, Mỹ, nhưng dường như khá ít ở Đông Nam Á.
* Vậy với việc trực tiếp tham gia vào quản lý, điều hành các công ty, ông có thể cho biết đâu là những vấn đề mà các công ty Việt Nam thường gặp phải?
- Cái thiếu lớn nhất là thiếu nhân sự có kinh nghiệm, tức là những người đã từng làm công việc này trước đây. Chính vì thế, đây là “cơ hội” cho các doanh nghiệp mắc sai lầm.
Nhiều doanh nghiệp hay hỏi tôi về vấn đề tìm người và giữ người, bởi vì ngay khi họ có được những người giỏi thì đối thủ của họ lại đưa ra những lời chào mời hấp dẫn, thế là người ta ra đi.
Câu trả lời là bạn phải xây dựng được một hệ thống tốt để thu hút người có năng lực, sau đó đào tạo họ và giữ chân họ. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách, ví dụ như đưa ra các chính sách khiến họ cảm thấy họ như là một phần của công ty vậy.
Vấn đề thứ hai là thị trường. Làm sao để biến một công ty ở TP.HCM hoặc Hà Nội thành một công ty Việt Nam? Ý của tôi là về việc phân phối, phát hành sản phẩm, làm sao để sản phẩm của bạn không chỉ có mặt ở hai thành phố lớn mà hiện diện xuyên suốt đất nước.
Ví dụ, rất khó khăn để phân phối dầu gội đầu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi có 25 triệu dân. Làm thế nào để chắc chắn rằng đội ngũ nhân viên của bạn không bán hàng của đối thủ? Làm thế nào để chắc chắn là họ trả tiền cho bạn? Đây đều là những khó khăn, là vấn đề lớn.
Một vấn đề nữa là nhiều công ty không biết chắc có phải mọi sản phẩm của họ đều sinh lợi hay không. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh sản xuất quá nhiều mặt hàng.
Hãy lấy quạt máy Asia làm ví dụ. Khi chúng tôi bắt đầu tiếp cận, họ đang sản xuất tới 120 sản phẩm khác nhau.
Chúng tôi đã đưa phần mềm máy tính vào, tính toán cụ thể chi phí và lợi nhuận từ việc sản xuất và bán sản phẩm, kết quả là chỉ có 25 sản phẩm thực sự đem lại lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi đã cắt giảm xuống chỉ còn đúng 25 sản phẩm với 4 màu khác nhau.
Trong một năm, lợi nhuận tăng 400%. Cũng không trách các doanh nghiệp được, vì đó đều là những khó khăn đương nhiên họ phải đương đầu, và họ cần phải trải qua để đi lên và vững mạnh hơn.
Người Việt sẵn sàng lắng nghe
* Những năm gần đây nền kinh tế của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí suy thoái. Ông có suy nghĩ gì về cách các doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua giai đoạn này?
- Tôi nghĩ, là người đứng đầu doanh nghiệp, đương nhiên bạn sẽ phải làm mọi điều có thể để cứu doanh nghiệp của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thế.
Nhưng đôi khi họ muốn mà không thể, bởi đó là điều thực sự khó khăn. Ví dụ trong vật liệu xây dựng hay công nghiệp bán lẻ. Hãy nhìn những cửa hiệu mở ra rồi đóng lại, biến mất ở các trung tâm thương mại...
|
Ông Hans và gia đình |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số ngành có tính cạnh tranh rất tốt, như trong lĩnh vực thực phẩm, mặt hàng chăm sóc nhu cầu cá nhân. Vì thế, cách các doanh nghiệp Việt Nam đối phó với suy thoái còn tùy thuộc vào việc họ kinh doanh trong ngành hàng nào.
Việc cần phải làm vẫn luôn là cố gắng cải tiến sản phẩm, quản lý việc sản xuất sát sao hơn để chi phí không tăng, đôi khi phải giảm số lượng lao động, hoặc nhìn ra một hướng đi mới.
Ở châu Âu, nhiều nhà hàng đang “chết dần” vì người dân có xu hướng mua thực phẩm ở siêu thị để nấu ăn tại nhà nhằm tiết kiệm chi phí, nhưng đồng thời các siêu thị tại đây lại đang rất “ăn nên làm ra”.
* Theo ông, đâu là những ngành kinh tế triển vọng ở Việt Nam trong tương lai?
- Nhiều lắm, nhưng không thể thiếu ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ tài chính. Đây là các lĩnh vực rất cần thiết và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp những người trẻ trung lưu.
Nhưng dù sao đi nữa, quan trọng nhất vẫn là nhà đầu tư chỉ đầu tư vào lĩnh vực nào mà họ thật sự hiểu biết và có kinh nghiệm.
* Sau 6 năm làm việc tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về năng lực làm việc của người Việt?
- Ở Việt Nam cũng như Đan Mạch, không khó để tìm được người giỏi. Và dĩ nhiên, bạn phải bỏ thời gian, công sức để đào tạo nhân viên của mình cho tới khi có được một đội ngũ giỏi.
Đây là điều bạn phải làm không phải trong một năm, mà là cả đời. Có rất nhiều người tài ở Việt Nam, nhưng thiếu sót lớn nhất là họ thiếu kinh nghiệm tổng quát.
Cũng dễ hiểu, bởi mọi thứ ở Việt Nam vẫn còn mới. Hãy cho Việt Nam khoảng 25 năm nữa thôi, tôi chắc là sẽ có rất nhiều nhân lực có kinh nghiệm xuất hiện.
Họ từng làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, học hỏi được nhiều rồi trở về, lập công ty riêng. Tôi lạc quan về nhân sự ở Việt Nam, vì quan trọng hơn cả là họ luôn sẵn sàng học hỏi.
* Điều gì ở Việt Nam khiến ông thấy gắn bó?
- Tôi thích nhiều thứ ở Việt Nam lắm, nhưng thích nhất có lẽ là con người. Tôi không biết tại sao, nhưng thật dễ dàng cho một người đến từ Đan Mạch như tôi hòa nhập vào cuộc sống ở đây và làm việc với các bạn người Việt.
Tôi thích những người trẻ, những em bé ở Việt Nam, sự cởi mở và trí thông minh của họ. À, tôi thích khí hậu ở TP.HCM nữa. Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi làm việc nhiều năm ở Nga và thú thật là tôi rất sợ mùa Đông bên đó.
Một điều nữa, chúng tôi cảm nhận được rằng các doanh nhân Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, học hỏi, và sự hợp tác giữa chúng tôi rất tốt.
* Cám ơn ông về những chia sẻ. Chúc ông sức khỏe và thành công!
THU PHƯƠNG