Trong danh sách 125 người giàu nhất Trung Quốc đại lục được công bố mới nhất, phần lớn đều là những lão làng trong ngành xây dựng và dệt may. Nhưng vẫn có tỉ phú trẻ khởi nghiệp từ những ngành nghề rất bình thường và thành công nhờ vào sự quyết tâm, dám đối mặt với rủi ro và đứng dậy sau mỗi thất bại.
Wang Wei - Tỉ phú vận chuyển
Wang Wei là một trong những tỉ phú đáng chú ý nhất của Trung Quốc. Wang sinh ra tại Thượng Hải nhưng đã theo gia đình di cư đến Hong Kong khi còn nhỏ.
Wang đã thành lập công ty chuyển phát nhanh SF Express vào năm 1993 với số vốn ban đầu chỉ 13.000 USD mượn từ người cha của mình, cựu thông dịch viên tiếng Nga. Từ 6 nhân viên vận chuyển ban đầu (bao gồm cả Wang) và duy nhất một chiếc xe tải, SF Express giờ đây đã lớn mạnh và mở rộng các dịch vụ vận chuyển xuyên quốc gia.
Danh tiếng SF Express lan nhanh nhờ sự chi phí vận chuyển thấp và độ tin cậy cao. Nhờ đó, Wang đã đưa ra quyết định táo bạo là thế chấp toàn bộ công ty cho Ngân hàng Trung Hoa vay 550.000 USD vào năm 2005 để thực hiện một dự án lớn, vận chuyển bằng đường hàng không.
Năm 2009, Wang dồn tiền mua 2 chiếc máy bay Boeing-757 để thuận tiện hơn cho việc làm ăn và sự táo bạo này đã mang lại doanh thu 1,5 tỉ USD cho công ty vào năm 2011 (số liệu Forbes cung cấp). Đến năm 2012, Wang được liệt vào những người giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản ròng 1,2 tỉ USD.
Năm 2013, Wang thu hút được nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào công ty của mình, trong đó, có China Merchants, một trong những công ty nằm dưới sự quản lý của nhà nước đã bỏ ra 8 tỉ Nhân dân tệ (1,48 tỉ USD) để nắm giữ 24,5% cổ phần của SF Express. Hiện trị giá của SF Express vào khoảng 4 tỉ USD.
He Qiaonv - Chị bán cây kiểng
Do xuất thân từ một gia đình nông dân ở Zhejiang (Chiết Giang), He Qiaonv cũng đã theo truyền thống gia đình thi vào trường Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh và đăng ký học chuyên ngành thiết kế cảnh quan và trồng trọt. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1988, Qiaonv đã đến xin việc ở Hangzhou (Hàng Châu). Một lần đi xem triển lãm cây cảnh (bonsai) ở Bắc Kinh, He đã nảy ra ý tưởng kinh doanh các loại cây kiểng giả của Nhật.
Sau đó, He nảy thêm ý tưởng đến Quảng Châu mua các loại cây kiểng và đem về cho các khách sạn 5 sao tại Bắc Kinh thuê lại. Cô cũng mở một cửa hàng bán hoa ở khách sạn, nơi mà cho phép cô đảm nhận công việc của một nhà thiết kế cảnh quan trong khách sạn.
Công việc đang trôi chảy thì tai họa ập đến, một nhân viên quản lý đã ôm tiền bỏ trốn và cả việc đầu tư của cô vào lĩnh vực mỏ quặng cũng gặp thất bại. Tuy nhiên, He vẫn tiếp tục kiên trì và vận may đã đến vào năm 1994, thời điểm bùng nổ việc phát triển cảnh quan nhà đất cho người nước ngoài ở ngoại ô Bắc Kinh.
Năm 1995 và 1996 là hai năm cực kỳ thành công đối với He, hầu như tất cả hợp đồng thiết kế cảnh quan cho người nước ngoài đều rơi vào công ty cô.
Công ty Orient Landscape của He đã mở rộng nhanh chóng, đến năm 2003 đã thực hiện được 80 dự án trên toàn Trung Quốc và nhân viên cũng lên tới 700 người. Nhưng có thời điểm công ty rơi vào khó khăn do bong bóng thị trường vỡ, Orient Landscape đã phải cắt giảm nhân sự xuống còn 200 người. Khi thấy nền kinh tế cải thiện hơn vào năm 2009, He đã trở lại và vực dậy công ty. Orient Landscape lại tiếp tục cung ứng các dịch vụ bài trí cảnh quan cho các dự án nổi tiếng của thành phố. Hiện He đã 48 tuổi và giờ chỉ thực hiện các dự án cao cấp.
Năm 2010, He được đưa vào danh sách một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc. Năm 2013, bà đứng thứ 79 những người giàu nhất Trung Quốc theo danh sách liệt kê của Hurun với tài sản trị giá 13,5 tỉ Nhân dân tệ (2,2 tỉ USD).
Li Lixin - Anh bán văn phòng phẩm
Trong khi đó, Li Lixin, 47 tuổi, khởi nghiệp là một nhân viên bán hàng của một nhà sản xuất văn phòng phẩm khi mới 19 tuổi. Sau một thời gian, Li đã được cất nhắc lên làm quản lý đội bán hàng. Sau 6 năm gắn bó với nghề, ông bắt đầu ra kinh doanh riêng. Năm 1993, việc kinh doanh văn phòng phẩm đã mang về cho Li 1 triệu Nhân dân tệ.
Sau khoảng thời gian kinh doanh văn phòng phẩm, Li đã chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực đồ nhựa. Ông thành lập Công ty Lisi Plastic chuyên sản xuất các đồ nhựa gia dụng tại một nhà xưởng ở Ningbo (Ninh Ba).
Năm 1994, Li mang sản phẩm đồ nhựa gia dụng đi trưng bày ở hội chợ Canton. Một điều không tưởng đã xảy ra là Li đã thuyết phục được một người Mỹ đặt 1,5 triệu Nhân dân tệ để mua 6 container hàng nhựa do công ty mình sản xuất chỉ bằng vốn tiếng Anh sơ sài. Công việc kinh doanh bắt đầu thuận lợi hơn và giúp ông mở rộng mạng lưới chi nhánh ở Mỹ để bán hàng ra nước ngoài.
Năm 2004, Li đã sở hữu một công ty sản xuất đồ nhựa lớn nhất châu Á, với doanh số bán hàng 1,5 tỉ Nhân dân tệ. Công ty Lisi Plastic cũng cung cấp nguồn hàng cho chuỗi siêu thị Wal-Mart và Carrefour của Mỹ. Bên cạnh đó, công ty cũng xuất khẩu hàng hóa đi hơn 100 nước trên thế giới, trong đó 90% sản phẩm được xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, Li cũng đầu tư 120 triệu Nhân dân tệ vào công ty R&D để cải thiện chất lượng sản phẩm và cùng điều hành trường Đại học Thanh Hoa.
Li cũng dự định mở chuỗi cửa hàng bán lẻ giống như mô hình của Wal-Mart của Waltons hay Ingvar Kamprad của IKEA và kế hoạch này vẫn đang được xúc tiến.
Năm 2006, Li từng mua lại một cửa hàng kinh doanh hàng đầu ở Ninh Ba, sau đó ông mua thêm nhiều cửa hàng nhỏ, siêu thị và trung tâm mua sắm ở các thành phố hạng ba và hạng tư ở Trung Quốc. Hiện công ty Lisi có tổng cộng 10 cửa hàng kinh doanh, 40 siêu thị. Doanh thu của chúng mang về 60% lợi nhuận cho công ty.
Li là người ủng hộ sự cân bằng cuộc sống giữa công việc và gia đình. Trong bức tâm thư gửi nhân viên của mình, Li nói việc chủ trì một gia đình cũng giống như điều hành một công ty. Dù bạn có rất nhìều công việc phải làm nhưng không thể quên ngày sinh nhật vợ, hay con cái. Hãy dành nhiều thời gian cho gia đình, mua cho vợ con những món quà và hãy cổ vũ mọi người học cách thương yêu nhau.
Hiện Li được xếp ở vị trí 492 những người giàu nhất Trung Quốc theo công bố của Hurun vào năm 2013 với số tài sản trị giá 4 tỉ Nhân dân tệ (656,6 triệu USD).
Theo Một thế giới/SCMP