Bốn thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo là Lâm tỳ ni (Lumbini), nơi Đức Phật đản sinh, thuộc Vương quốc Nepal, gần biên giới phía Bắc Ấn Độ; Bồ đề đạo tràng (Bodhgaya) là nơi Đức Phật đắc đạo; thánh tích thứ ba là Vườn Lộc Uyển (Sarnath), một trung tâm lớn của Phật giáo và là nơi Phật giảng bài kinh đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp luân); cuối cùng là Câu thi na (Kushinagar), địa điểm người đã nhập diệt vào cõi niết bàn cách đây 2.556 năm.
Trừ Lâm tỳ ni, các địa điểm còn lại đều ở hai bang Bihar và Utta Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ, mỗi nơi cách nhau từ 170 đến hơn 200km đường ô tô, khá thuận tiện cho người hành hương và những khách du lịch không quá đòi hỏi những tiện nghi sang trọng.
Các thánh tích này ngày nay đã trở thành điểm hành hương quan trọng của đạo Phật, tương tự như thánh địa Mecca của đạo Hồi hay Vatican của đạo Thiên chúa. Bởi lẽ, theo tương truyền, một trong những lời khuyên cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập diệt là các Phật tử hãy đến những nơi này để chiêm bái với sự tôn kính và tấm lòng hoan hỷ.
Vì thế “Tứ thánh tích - Tứ động tâm” không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng mà còn là nơi được tâm niệm một lần đến trong đời của người tin vào Phật pháp.
Tùy theo các tour du lịch, các điểm tham quan được mở rộng với các thánh tích khác như: Sravasti, thủ đô của Vương quốc Kosala cổ cách đây hơn 2.500 năm, nơi Phật Thích ca trú ngụ và hành đạo trong 24 mùa mưa; núi Linh Thứu (thuộc nước Ma kiệt đà xưa) với nhiều chứng tích Đức Phật và 10 đại đệ tử đã dừng chân giảng đạo nhiều lần...
|
Đoàn báo chí cùng với cô Từ Tâm và học sinh ngôi trường từ thiện cho người nghèo |
Ngoài ra còn có các tự viện, tịnh xá trong thời kỳ hưng thịnh đều là những trung tâm văn hóa Phật giáo quan trọng như: Sanchi, Nalanda, Ajanta và Ellora.
Trong đó, Nalanda là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên mà nhà sư Huyền Trang của Trung Quốc (được biết với tên phổ thông là Đường Tam Tạng) đã đến để nghiên cứu Phật học vào thế kỷ thứ VII.
Các điểm du lịch trải dài theo các thánh tích, để dõi theo toàn bộ cuo äc đời Phật Thích ca từ khi còn là Thái tử Tất Đạt Đa đến khi nhập niết bàn lúc 80 tuổi, du khách mất không dưới nửa tháng di chuyển liên tục trên các chuyến xe ô tô và hai chuyến bay nội địa.
Chưa kể nếu tour còn ghé đến các điểm tham quan khác trên đường. Vì thế, các du khách muốn giữ sức khoẻ cho tour đường dài có thể đăng ký các chuyến bay của Jet Airways (9W).
Là hãng máy bay hàng đầu của Ấn Độ, có mạng lưới đường bay lên tới 52 điểm khắp Ấn Độ và 24 điểm bay quốc tế với tần suất 400 chuyến bay/ngày, hãng có thể đáp ứng các chuyến bay phù hợp với tour.
Nếu muốn đi đến các điểm tham quan nổi tiếng khác của Ấn Độ và Nepal, du khách cũng có thể sử dụng đường bay của hãng này, có thể đăng ký tại Việt Nam để yên tâm về kế hoạch chuẩn bị.
Những thánh tích và những địa danh quan trọng này không huy hoàng, lộng lẫy khiến khách hành hương phải ngây ngất chiêm ngưỡng như nhiều thắng tích trên thế giới, mà hầu như khi đến viếng ai cũng phải lắng lòng trước những phế tích từng đã có thời hoàng kim.
Sau 7-8 thế kỷ bị vùi lấp, san phẳng do chiến tranh và quan niệm tôn giáo cực đoan, các thắng tích này đang dần được phục dựng. Khởi đầu là nhà khảo cổ người Anh Alexander Cunningham vào thế kỷ XIX, sau đó là nhiều đoàn khảo cổ quốc tế và các nhà sư Srilanca, Myanmar, Ấn Độ và nhiều quốc gia cùng các tăng đoàn Phật tử thế giới đóng góp nhiều công sức trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới.
Nhờ vậy, du khách sẽ được chiêm bái nhiều chứng tích như đền Mahabodli, cội Bồ đề thiêng; đền thờ nàng Sujata cúng dường bát sữa, con sông Ni liên thiền tại Bồ đề đạo tràng gắn với các sự kiện Đức Phật ngộ ra đạo pháp
Tại thị trấn Kusinagar có tháp Ramabha hỏa táng Phật sau khi nhập diệt, tượng Phật nằm trong cõi Niết bàn dài 6,1m với gương mặt bình yên, thanh thản, nghiêm trang hay mỉm cười tùy theo góc nhìn.
Ở bảo tàng Sarnath có rất nhiều di tích cổ liên quan đến Phật giáo từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên đến thế kỷ thứ XI bên cạnh các tôn giáo khác được khai quật tại đây.
|
Vườn Lộc Uyển, nơi thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật sau khi đắc đạo, lúc nào cũng có đông người tu tập hoặc thiền định dưới cây Bồ đề thiêng 136 năm, nơi Đức Phật chứng ngộ - Ảnh: Xuân Tuyền |
Đặc sắc nhất là tượng đá bốn con sư tử (250 năm trước Công nguyên, thời vua Asoka) cũng là quốc huy của Ấn Độ và tượng Phật Chuyển Pháp luân bằng đá Chunar có từ thế kỷ thứ IV với vẻ mặt hoàn hoàn an tịnh, giải thoát, được xem là tượng Phật đẹp nhất hiện nay. Cả hai hiện vật này được Ấn Độ xem là quốc bảo và từ chối mang đi trưng bày theo các lời mời.
Tại Lâm tỳ ni, dấu tích nơi Đức Phật đản sinh và ngôi đền thờ Hoàng hậu Maya Devi, mẹ Phật Thích ca, cội cây che mát, giếng tắm trước khi sinh nở của hoàng hậu cũng được xác định và trùng tu đẹp đẽ...
Ngoài ra, còn rất nhiều những di chỉ, chứng tích liên quan đến dòng họ Sakya (Thích ca) và các quốc gia, các triều đại và những người có liên quan đến cuộc đời và hành đạo của Phật Thích ca sẽ được giới thiệu với du khách trên tuyến hành hương này.
Người Ấn Độ bây giờ khi giới thiệu về “Con đường Phật tích” đều tỏ lòng cảm ơn đến các nhà sư Trung Quốc, đặc biệt là hai vị Pháp Hiển (đã từng đến tu tại chùa Dâu ở Bắc Ninh) và Huyền Trang vào thế kỷ thứ V và thứ VII. Họ đã ghi chép hết sức cẩn thận về vị trí, kiến trúc, diện tích... các thắng tích, tu viện hoàng gia cũng như các đền đài, số lượng tăng đoàn trên con đường họ đến Ấn Độ để tu học Phật pháp.
Một trong những điều kiện để các nhà sư này xác định rõ ràng vị trí của các chứng tích, để ngày nay chúng ta dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, khai quật là nhờ công lao to lớn của Vua Asoka. Ông sống vào thế kỷ thứ III trước công nguyên và cai trị một quốc gia rộng hơn nước Ấn ngày nay.
Là vị vua ủng hộ Phật giáo, ông lập nhiều trụ đá để ghi lại những thánh tích trong cuộc đời Phật Thích ca và tên ông gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo. Tại hầu hết các thắng tích quan trọng, ngày nay chúng ta đều tìm thấy trụ đá Asoka dù không còn nguyên vẹn.
Đất Phật ở Ấn Độ và Nepal ngày này còn có nhiều chùa Thái, Tây Tạng, Nhật, Trung Quốc, Srilanca, Hàn Quốc... và Việt Nam với các kiến trúc độc đáo cũng là những điểm đáng tham quan. Và hiện nay, không thiếu các ni, sư Việt Nam có mặt tại Bồ đề đạo tràng tu tập và nghiên cứu Phật học.
Không những thế, Ni trưởng Thích Nữ Trí Thuận của chùa Linh Sơn ở Kusinagar, Ni sư Từ Tâm ở Bồ đề đạo tràng đã mở trường dạy học miễn phí cho từ 300-600 trẻ em nghèo với sụ giúp đỡ của Phật tử trong và ngoài nước, đã ghi được dấu ấn đẹp của người Việt trên đất Ấn.
HÀ VŨ