Tuần trước, Nvidia tuyên bố các con chip họ cung cấp cho siêu máy tính Thiên hà 1A đã được lắp đặt và siêu máy tính của Trung Quốc này đã đạt được tốc độ tính toán 2,507 petaflop (2.507 tỉ phép tính/giây), vượt qua một hệ thống khác của Mỹ đang giữ vị trí số một trong danh sách Top500 về các siêu máy tính nhanh nhất thế giới.
Thiên Hà 1A (Tianhe-1A) là chiếc siêu máy tính hybrid, kết hợp khoảng 14.000 CPU Xeon của Intel cùng 7.000 chip đồ họa của Nvidia vừa mới được lắp thêm nhằm tăng sức mạnh tính toán.
Phóng viên Cnet đã có cuộc phỏng vấn Jack Dongarra, giáo sư tại khoa Kỹ thuật điện tử và Khoa học máy tính của trường ĐH Tennessee, ông cũng là thành viên của một chương trình kết hợp giữa ĐH Tennessee, Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, Viện Công nghệ Georgia mà gần đây đã mua một hệ thống hybrid. Oak Ridge chính là nơi đặt chiếc siêu máy tính Báo Đốm (Jaguar) hiện đang đứng đầu Top500 các siêu máy tính nói trên.
PV - Oak Ridge liệu có một thứ gì đó tương tự như hệ thống hybrid của Trung Quốc không?
GS Dongarra - Oak Ridge hiện đang sở hữu một hệ thống hybrid. Đây là kết quả đạt được nhờ một khoản tài trợ của Quỹ Khoa học Quốc gia. Nó liên quan đến Phòng Thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, ĐH Tennessee và Georgia Tech. Nhưng khả năng của nó “rất rất nhỏ hơn” so với hệ thống của Trung quốc. Hệ thống có tất cả 120 nút xử lý. Mỗi một nút có 2 chip Westmere của Intel và 3 bo mạch Fermi của Nvidia.
- Điều gì tạo nên tốc độ của siêu máy tính của Trung Quốc, thư giáo sư ?
- Người Trung Quốc đã thiết kế kết nối riêng theo cách của họ. Nó dựa trên các chip, các bộ định tuyến (router), các bộ chia (switch) mà họ sản xuất.
- Phải chăng, họ đã nghĩ ra một công thức bí mật?
- Người Trung Quốc đã tạo ra một kết nối rất nhanh giúp cho máy hoạt động cực tốt. Mặc dù dự án của họ sử dụng các bộ vi xử lý của Mỹ nhưng cách kết nối lại theo kiểu Trung Quốc. Đó là một điều rất thú vị. Họ đã làm tăng gấp đôi băng thông (bandwidth) của kết nối theo kiểu InfiniBand (được sử dụng phổ biến ở Mỹ).
|
Siêu máy tính Thiên Hà 1A (Tianhe - 1A) đặt tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Thiên Tân, Trung Quốc. |
- Hệ thống của Trung Quốc sẽ vượt lên vị trí số 1 trong Top500 vào tháng 11?
- Vâng, tôi đã nhìn thấy cỗ máy. Tôi đã chứng kiến kết quả. Điều đó là sự thật.
- Tại sao Oak Ridge không làm như những gì Trung Quốc đã làm?
- Oak Ridge không có khả năng hay công nghệ để phát triển một kết nối như vậy. Chúng tôi không tạo ra máy tính. Chúng tôi mua máy tính và sử dụng chúng. Nó không thuộc phạm vi hay nhiệm vụ của chúng tôi.
- Vậy ai sẽ làm điều đó?
- Các dự án đang được thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Năng lượng, Quỹ Khoa học Quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ.
|
Siêu máy tính Báo Đốm (Jaguar) giữ vị trí số 1 trong Top500, danh sách các cỗ máy tính toán nhanh nhất thế giới... vào tháng trước. |
- Ông đánh giá thế nào về sự vượt trội của Trung Quốc?
- Siêu máy tính cũng giống như một chiếc xe đua, để chúng chạy nhanh, bạn cần có một tay lái cừ khôi. Nghĩa là bạn cần phải sử dụng cỗ máy hiệu quả.
Chúng ta cần phải đầu tư ở các mức độ khác nhau cho các thành phần hợp thành của siêu máy tính. Một chiếc máy tính được tạo ra bởi phần cứng, hệ điều hành, trình biên dịch, các ứng dụng, các thư viện số,… Bạn phải duy trì vốn đầu tư trên toàn bộ số lượng lớn phần mềm để có thể sử dụng hiệu quả phần cứng. Và đó là khía cạnh mà đôi khi chúng ta quên mất.
Đó là sự thiếu đầu tư. Chúng ta tài trợ cho phần cứng nhưng chúng ta lại không tài trợ cho các phần khác. Điều đó không tạo ra sự cân bằng bởi vì phần cứng lại tiến xa hơn so với tương quan với phần mềm.
- Sự vượt lên của siêu máy tính Trung Quốc đe dọa vị thế của Mỹ?
- Vâng, đây là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta cần phải nhận ra rằng các quốc gia khác đã có khả năng làm điều này. Chúng ta đã mất đi lợi thế.
Trung Hiếu (theo Cnet)