Khu bảo tồn động vật hoang dã Narcisse nằm ở phía bắc tỉnh Manitoba, Canada, là nơi tập trung số lượng rắn sọc đỏ Garter lớn nhất thế giới. Nơi đây nổi tiếng với hiện tượng kỳ thú của loài rắn mỗi khi mùa xuân về, thu hút hơn 20.000 du khách tới tham quan mỗi năm.
Suốt mùa đông đàn rắn ngủ trong hang đá vôi dưới lòng đất. Khi tuyết tan vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, hàng chục nghìn con rắn trườn ra khỏi hang đá lên mặt đất thực hiện kỳ giao phối.
Những con rắn đực thường ra khỏi hang đầu tiên, kiên nhẫn chờ đợi bạn tình. Khi thấy rắn cái ra khỏi hang, chúng nhanh chóng lao đến giao phối. Thường có từ 50 con rắn đực hoặc nhiều hơn tranh giành giao phối với một rắn cái. Chúng tạo thành từng cuộn rắn chuyển động xoắn xuýt trên mặt đất, xung quanh một con cái ở giữa. Những cuộn rắn đang giao phối xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên mặt đất, cành cây, gờ đá, phát ra âm thanh xào xạc.
Sau khi giao phối, rắn cái tiết ra pheromone (giống như “chiếc nhẫn đính hôn”) để những con rắn đực tránh xa chúng. Rắn đực có tới hai bộ phận sinh dục. Vì thế, nếu chúng không may bị thương trong cuộc tranh giành bạn tình thì vẫn còn một bộ phận sinh dục khác để giao phối.
|
Những cuộn rắn quấn lấy nhau giao phối trên mặt đất. Ảnh: Flickr Stan Milosevic.
|
Có 4 tụ điểm hoạt động của đàn rắn trong Khu vực quản lý động vật hoang dã Narcisse. Các tụ điểm nối liền với nhau bởi đường mòn dài 3 km, phục vụ khách du lịch tham quan. Du khách trên khắp thế giới đổ về đây để tận mắt chứng kiến, khám phá hiện tượng kỳ thú, có phần khiến nhiều người rùng mình của loài rắn ở Narcisse. Tuy nhiên, những chú rắn này không có nọc độc. Du khách cũng có những bục quan sát riêng nếu không muốn đến gần đàn rắn.
Có khoảng 70.000 con rắn sọc đỏ Garter quanh vùng Narcisse. Năm 1999, thời tiết khắc nghiệt đã giết chết hàng chục nghìn con rắn trước khi chúng kịp quay lại kỳ nghỉ đông dài. Thảm kịch năm 1999 gây ra mối lo ngại cho Khu vực quản lý động vật hoang dã Narcisse, bởi cứ một năm hai lần, rắn lại bò tràn qua quốc lộ 17 để cố gắng trở về hang ngủ đông. Số lượng rắn từ đó giảm đi đáng kể khi chúng bị xe qua đường nghiền nát.
Để hạn chế tai nạn cho đàn rắn, ban quản lý đã tạo một đường hầm khác men theo quốc lộ 17 cùng với hàng rào cao khoảng 15 cm để buộc chúng đi theo con đường an toàn hơn. Biện pháp này mang đến hiệu quả tích cực. Số lượng rắn chết vì bị xe chẹt mỗi năm giảm xuống còn 1.000 con.
Như Bình (Theo Amusingplanet)