Với nhiều người, chiếc máy ảnh chỉ đơn giản là công cụ ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống của gia đình và người thân, nhưng không ít người niềm đam mê với những khoảnh khác đẹp trong cuộc sống và muốn thể hiện tâm hồn mình qua những bức ảnh. Dưới đây là 7 lời khuyên cho những ai bắt đầu tìm đến nhiếp ảnh.
Không mua thiết bị đắt tiền
Hãy bắt đầu với những chiếc máy ảnh mirrorless, DSLR tầm trung hoặc bán chuyên không quá đắt tiền. Những chiếc máy ảnh này cho chất lượng ảnh khá tốt và đầy đủ những tính năng tương tự trên máy ảnh chuyên nghiệp. Bạn có thể dễ dàng làm quen các chế độ chụp và cách sử dụng máy ảnh hiệu quả qua những chiếc máy này. Khi đã nắm được những tính năng và những gì cần thiết cho thể loại nhiếp ảnh bạn theo đuổi có thể nâng cấp thiết bị về sau.
Nên có chân máy
Sử dụng chân máy tránh khả năng rung hình
Với những người mới, chân máy có thể làm nhiều điều hơn là đỡ chiếc máy ảnh cho bớt rung hình. Bạn không nhất thiết phải sử dụng chân máy quá đắt tiền, chọn một chân máy có thể giữ cân bằng và chắc chắn khi đặt máy là được.
Sử dụng chân máy sẽ giúp bạn tự tin hơn khi chụp ảnh những nơi có nguồn sáng yếu, đặc biệt khi tốc độ màn trập chậm mà bạn ít khi để ý tới. Nhờ đó, những bức hình sẽ nét hơn, tránh rung so với việc cầm máy trên tay và mang lại nhiều trải nghiệm thú vị như khám phá về tốc độ màn trập chậm.
Luôn mang theo máy ảnh
Nên mang theo máy để không bỏ lỡ những khoảnh khắc bất chợt
Nếu bạn yêu thích nhiếp ảnh và có ý định trở thành một nhiếp ảnh gia không chuyên hay chuyên nghiệp, việc cầm theo máy ảnh là cần thiết để trong mọi trường hợp. Điều này giúp bạn có thể chủ động ghi lại những bức hình độc đáo và duy nhất hay khoảnh khắc thú vị của người thân trong cuộc sống hằng ngày.
Việc mang theo máy còn thúc đẩy khả năng quan sát và tìm tòi cảnh chụp, từ đó bạn sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm chụp hình cho bản thân… bạn sẽ nhận ra chiếc máy ảnh không chỉ là công cụ ghi lại hình ảnh đơn thuần mà còn có thể trở thành người bạn thân thiết.
Lên danh sách những gì cần chụp
Trước khi có máy ảnh, chắc chắn trong đầu bạn đã ghi nhớ những địa điểm đẹp mình đi qua, hãy bắt đầu ghi lại và lên kế hoạch về các chi tiết cần có để chụp tại những nơi bạn sẽ quay lại. Trong đó, các chi tiết cần có như thời gian và ánh sáng... Ví dụ, chụp ảnh mùa thu bạn nhớ một bức tường cũ rêu phong rất đẹp, với những tán lá cây la đà, bạn có thể lên kết hoạch chụp vào buổi chiều khi có ánh nắng vàng nhẹ và chờ một gánh hàng rong đi qua đúng vị trí và chụp, bạn sẽ có một bức hình đơn giản nhưng đầy sắc thu. Như vậy, khi lên danh sách chụp, việc chọn thời điểm, địa điểm và chờ đợi của bạn sẽ chủ động hơn.
Khai thác “chất liệu” xung quang
Bạn có thể không nhận ra những điều thú vị ngay trong nhà mình nhưng hãy thử nhìn không gian quen thuộc ấy bằng một con mắt khác, một ánh sáng khác hay những thủ thuật của nhiếp ảnh. Nếu nhìn rộng không thấy gì thì hãy tiền gần cận cảnh từng vật, như những đóa hoa dại ngay trong vườn, những món ăn thường ngày, chú mèo con… cũng có thể mang lại bức ảnh đẹp.
Học hỏi và chia sẻ hình ảnh
Việc trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh và chia sẻ hình ảnh qua các diễn đàn, mãng xã hội như Vnphoto, Xóm nhiếm ảnh, Flickr... là cách giúp bạn học nhiếp ảnh hiệu quả hơn. Qua đánh giá của “đàn anh” bạn sẽ có những lời khuyên đúng đắn về cách chụp ảnh của mình.
Thử nghiệm với các thiết lập chế độ khác nhau
Thiết lập và thử nghiệm với nhiều chế độ khác nhau để có hiệu quả ưng ý
Tìm hiểu và giải mã tất cả những ký tự nhỏ trên máy ảnh sẽ giúp bạn hiểu rõ tính năng của máy. Hãy chụp các đối tượng với những thiết lập khác nhau để tìm ra cách chụp phù hợp nhất cũng như những hiệu ứng mới lạ. Khi lưu hình ảnh trên máy tính bạn có thể kiểm tra dữ liệu EXIF của file để xem lại thiết lập đã sử dụng chụp bức ảnh đó.
Chụp thật nhiều và đừng ngại thử nghiệm
Hãy đưa ra định mức chụp ảnh hằng ngày nếu bạn muốn “lên tay” nhanh hơn. Việc thực hành thường xuyên sẽ giúp bạn rút ra kinh nghiệm và không quên những gì học được. Ngoài ra, nên chụp thật nhiều góc độ trong một khung cảnh để khai thác góc nhìn đẹp nhất và tìm ra thế mạnh thể hiện của bạn.
Cuối cùng, lưu ý rằng những bỡ ngỡ của bạn với chiếc máy ảnh và kỹ thuật nhiếp ảnh có thể dễ dàng tháo gỡ khi bạn chụp thật nhiều và không ngại “bắn” hình mọi đối tượng.
Nguyễn Huyền