Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, có một công việc với mức lương 10 triệu tháng tại Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội nhưng Kiều Oanh (sinh năm 1988) vẫn quyết định xin nghỉ làm sau hơn 2 năm gắn bó.
Quyết định của Kiều Oanh khiến tất cả gia đình đều cảm thấy sốc, thậm chí bố mẹ chị còn giận chị một thời gian dài.
“Ra trường mình muốn trở thành một nhà quy hoạch có những sản phẩm giúp thành phố xanh sạch đẹp nhưng sau 2 năm công tác, nhận thấy ý tưởng thiết kế của mình khó để thực hiện hóa, công việc nhà nước không phù hợp nên mình đã suy nghĩ và quyết định nghỉ việc. Thật sự lúc nghỉ việc mình vẫn mơ hồ không hề biết sau đó sẽ làm gì, chỉ nghĩ sẽ làm những gì mình thích thôi”, Kiều Oanh chia sẻ.
Trong lúc chưa biết làm gì, theo đuổi con đường nào thì trong một lần tình cờ vào quán cà phê chị đã bị những cây xanh trong thủy tinh trang trí ở đó hút hồn. Lúc đó Kiều Oanh quyết định mua một lọ về để nghiên cứu. Chị tự nhổ hết cây trong bình ra và trồng lại. Sau này chị mới biết đó là nghệ thuật trồng cây xanh trong bình thủy tinh (terrarium). Terrarium được ưa chuộng và phát triển trên thế giới nhưng tại Việt Nam còn khá lạ lẫm, chưa được biết tới nhiều.
“Chiếc bình đem đến cho tôi một cảm giác thư giãn, tươi mát. Lúc đó tôi chợt nghĩ tại sao mình không đưa những cây xanh này len lỏi vào từng góc nhà, bàn làm việc… đem tình yêu thiên nhiên đến gần gũi với mọi người. Vậy là ý tưởng trồng cây trong bình thủy tinh ra đời”.
Oanh thường mất 30 phút để bày trí sản phẩm. Mỗi tác phẩm được thiết kế theo cảm hứng, không mẫu nào giống nhau.
Nói là làm. Lúc đó Kiều Oanh đã tự mày mò tìm nguyên liệu và cách trồng cây trên mạng. Tuy nhiên việc tìm mua nguyên liệu khá khó khăn. Mới đầu chị còn nhặt nhạnh khúc gỗ, viên đá, sỏi, thậm chí cây dại ven đường. Có lúc chị bị bố mẹ quát mắng vì tội tha rác về nhà và không ít lần than phiền con gái sau bao năm ăn học cuối cùng lại về đi trồng cây.
“Lúc đầu tôi phải lang thang khắp nơi tìm mua nguyên liệu và phải nhập với giá rất cao. Thực ra rủi ro ban đầu cũng không quá nhiều nhưng công sức bỏ ra là khá lớn. Tôi phải mất nhiều thời gian để học kỹ thuật chăm bón, nghiên cứu từng loại cây cảnh trong từng điều kiện nhiệt độ, môi trường, ánh sáng để đảm bảo sản phẩm không chỉ đẹp mà còn phải bền”, Oanh chia sẻ.
Đến nay, sau 6 tháng kinh doanh, xưởng cây của chị đã có một thương hiệu riêng và lượng khách hàng đông đảo. Mỗi tháng doanh thu hơn 40 triệu đồng. Tại đây, sản phẩm cây mini trong bình nghệ thuật có giá từ 250- 600 nghìn đồng. Sản phẩm cao nhất là 1,8 triệu đồng.
Vốn là dân kiến trúc nên sản phẩm của chị đều được thiết kế tùy biến khá đa dạng, không mẫu nào giống mẫu nào. Ngoài ra chị còn nghiên cứu những sản phẩm phù hợp với thời tiết mùa đông, mùa hè.
Oanh quan niệm “sáng tạo là nền tảng của sự phát triển nên lúc nào cũng phải sáng tạo không ngừng ”. Tự nhận mình là một người khá khó tính, Kiều Oanh muốn sản phẩm của mình khi đến tay khách hàng phải mang được cái hồn và cảm xúc trong đó.
Oanh cho biết, từ khi kinh doanh đến nay chị đã tạo được khoảng gần 100 mẫu sản phẩm. Mỗi một chiếc bình có một phong cách trang trí, thiết kế khác nhau. Thông thường mỗi một mẫu sản phẩm chị mất 30 phút để bày trí. Nhưng có những chiếc bình lớn có khi mất nhiều ngày liền để sáng tác nhưng vẫn chưa thấy ưng ý.
Oanh chia sẻ: “Nhiều bạn đến đây mua cây nói các bạn ấy phải đi quãng đường gần 30km. Điều đó khiến mình càng có động lực tạo nên nhiều sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn cho khách hàng”.
Xuất phát từ ý nghĩ đơn giản, hiện nay Oanh đã có rất nhiều sản phẩm độc đáo cung cấp thị trường cả nước. Oanh cho biết, sắp tới chị sẽ hợp tác cùng một người bạn để cho ra đời những sản phẩm cao cấp, dòng sản phẩm mới mang tên pulatanium chuyên phục vụ cho các nhà hàng và khách sạn.
Theo Diệu Thùy (Infonet)