Anh Trần Quốc Trí ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang có dịp theo người anh họ sang Thái Lan tìm hiểu mô hình nuôi dế. Sau khi trở về, do nuôi thử không thành công nên người anh này bán lại cho Trí một tô trứng dế Thái giá 100.000 đồng.
Nhận thấy chúng mang lại hiệu quả kinh tế, dễ nuôi, vòng đời phát triển nhanh hơn những con trong nước nên anh bắt đầu có ý định theo đuổi lâu dài. Dế đồng thường bay nhảy trong khi dế Thái không bay được nên việc quan sát và chăm sóc chúng tốt hơn. "Lúc trước, tôi bắt dế ngoài đồng nuôi thử nhưng mất khoảng 6 tháng chúng mới mọc cánh", anh chia sẻ lý do chọn dế Thái.
Sau khi nghiên cứu kỹ các giống, cách hướng dẫn kỹ thuật nuôi từ bạn bè, những người nuôi trước đó và tham khảo trên diễn đàn, anh bỏ tô trứng dế vào thùng xốp rồi đậy kín nắp, khoảng một tuần nở ra con. Một tô trứng bình quân cho ra 1 kg dế non, tương đương 800-900 con. Cứ thế, anh tiếp tục nhân giống bằng cách lấy trứng gây nuôi lại.
Nuôi dế Thái không cần diện tích nhiều, có thể tận dụng sân trước nhà hoặc khoảng đất trống, che chắn cẩn thận để tránh mưa hay nắng. Điều cần lưu ý là chỉ để dế vào thùng xốp trong hai tuần đầu, sau đó chuyển sang thùng nhựa dung tích khoảng 10-20 lít vì chúng phát triển rất nhanh. Nếu không thay đổi "chỗ ở" mới, chúng sẽ cắn thùng xốp chui ra ngoài.
Khi dế bắt đầu gáy là trưởng thành, anh Trí chọn những con to khỏe cho chúng giao phối với nhau, chuẩn bị những khay nhỏ bán kính khoảng 10 cm, để vào đó tro ẩm hoặc đất xốp cho dế bò vào đẻ. Sau một ngày lấy khay ra, dùng băng keo băng kín miệng thùng xốp lại, đúng 7 ngày mở ra và tới ngày thứ 8 sẽ thấy trứng dế nở rộ. Cứ một kg dế thì phải đặt một khay bằng nhựa, bề ngoài sần sùi để giúp dế dễ bám vào thực hiện chức năng sinh sản.
Khoảng 2 tuần đầu sau khi nở, chúng ăn lá rau muống đồng, sau đó có thể ăn trộn cám với thức ăn công nghiệp của gà, vịt xay nhuyễn. Cho chúng uống nước cũng là khâu quan trọng. Khi còn nhỏ, người nuôi phun nước lên cỏ để chúng hút hoặc lấy bông gòn thấm nước giắt cho khô. Hàng ngày thay nước để đảm bảo nước sạch, không nên đổ nước quá nhiều, dế dễ bị chết đuối. Tỷ lệ hao hụt số lượng dế có thể lên đến 50% nếu không kịp quan sát trong thời điểm dế lột xác vì có thể là nguồn thức ăn cho những con trưởng thành.
Anh Trí cho biết, dế Thái Lan được ưa chuộng vì kích thước to đồng đều, có thịt, béo hơn mà lại tăng trưởng nhanh. Nếu chăm sóc tốt thì khoảng 25-28 ngày đã mọc cánh, còn những con trong nước phải mất 4 tháng.
|
Dế trưởng thành một tháng tuổi. Ảnh: Q.T
|
Cách đây 6 tháng, anh Trí xây trại nuôi dế với diện tích 1.000 m2, bao gồm 4 bồn xi măng để chứa dế và thuê 6 người phụ việc. Vốn đầu tư một năm nay khoảng 30 triệu đồng.
Mỗi tháng, cơ sở của anh cung ứng hơn 200 kg, thu về hơn 30 triệu đồng. Các quán nhậu ở An Giang, Kiên Giang, tiêu thụ 20-30 kg, còn lại xuất sang Thái. Hiện giá dế sữa anh bán trong nước là 220.000 đồng một kg và dế trưởng thành 200.000 đồng. Riêng thị trường Thái có giá bán rẻ hơn 50.000 đồng một kg để dễ cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.
Không chỉ nuôi dế để tăng giá trị kinh tế, chàng trai 26 tuổi còn biết cách chế biến những món ngon từ loài côn trùng này như chiên bột, rang muối, xào cay, kho tiêu... Theo anh, để món ăn ngon, giữ được độ béo ngọt của dế thì chỉ nên bảo quản chúng tối đa 1,5 tháng trong điều kiện giữ đông lạnh.
Trong quá trình nuôi, anh gặp không ít thất bại. Có lần, do không khoét lỗ nhỏ trên thùng xốp khiến dế bị chết ngạt vì thiếu ôxy. Thời gian đầu, anh cũng như kiểm soát tốt giai đoạn dế sữa lột xác nên chúng tự thịt lẫn nhau. “Đó đều là những kinh nghiệm quý báu giúp tôi hiểu rõ hơn các đặc tính, giai đoạn phát triển của loài côn trùng này", anh chia sẻ.
Niềm đam mê côn trùng cứ thế tăng dần và hiện tại anh đã không còn làm cho công ty điện tử ở An Giang. Tạm cất lại tấm bằng cao đẳng, anh dồn sức cho trại nuôi dế của mình. "Tôi có thể xem tài liệu và trò chuyện về chủ đề này hàng giờ mà không thấy ngán. Công việc mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị và còn tạo thu nhập ổn định hơn những ngày tháng làm công ăn lương trước đây”, anh nói.
Hiện anh gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung ứng dế tại Thái Lan, đôi lúc họ bán phá giá, anh đành phải bán huề vốn. Do đó, anh định xây thêm bồn để nuôi dế cơm, tập trung phân phối trong nước nhiều hơn và tìm kiếm đối tác có nhu cầu với loài côn trùng này ở TP HCM.
Mai Phương