BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Doanh nhân » Doanh nhân Việt » Chi tiết tin

“Chữ S là hình ảnh Việt Nam, GO TO là hướng ra thế giới”

  Ngày: 18/08/2011
Là một nữ giám đốc trẻ năng động, có nhiều ý tưởng kinh doanh mới, “dám” tạo ra thương hiệu thời trang cao cấp Gosto sánh cùng các nhãn hiệu thời trang thế giới khi tuổi đời chưa đến ba mươi, nhưng Vưu Lệ Quyên lại rất khiêm tốn khi nói về mình.


“Chữ S là hình ảnh Việt Nam, GO TO là hướng ra thế giới”
Chị Vưu Lệ Quyên - Phó tổng giám đốc Kỹ thuật và Kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), kiêm Giám đốc thương hiệu thời trang Gosto. Ảnh: Quý Hòa

Suốt buổi trò chuyện, chị nói nhiều đến ba mẹ, đến thương hiệu Biti’s do họ tạo dựng nên sau khi trải qua nhiều thăng trầm, thử thách, đôi lúc trong mắt chị ánh lên niềm tự hào, lại có lúc hoe đỏ.

Đắn đo mãi chị mới tiết lộ: “Hoài bão của tôi là sẽ có một ngày Trung tâm Thời trang Gosto xuất hiện ngay tại kinh đô thời trang của Ý, Pháp và nhiều quốc gia khác”.

* Năm năm có mặt trên thị trường chị đã đi được mấy phần đường trong giấc mơ đưa Gosto thành thương hiệu toàn cầu?

- Hết thời gian du học tại Canada, tôi về nước năm 2004 và làm việc ở bộ phận xuất khẩu của Công ty Biti’s. Tiếp xúc với nhiều khách hàng nước ngoài, tôi nhận ra Biti’s đang phục vụ cho số đông đối tượng khách hàng này và định vị ở tầm trung cấp.  

Nhìn lại ngành da giày trong nước, tôi tự hỏi: “Tại sao hầu hết các doanh nghiệp (DN) da giày chỉ nhận gia công hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài? Làm như vậy biết bao giờ ngành giày dép Việt Nam mới có chỗ đứng trên thị trường quốc tế?

Song, đáng buồn hơn là nhiều người nước ngoài còn cho rằng: “Người Việt Nam không thể làm được hàng hiệu cao cấp”. Vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng sẽ xây dựng một thương hiệu thời trang cao cấp gồm: quần áo, giày dép, túi xách... có thể mang sản phẩm do bàn tay khối óc của người Việt Nam giao lưu và giới thiệu đến các nước trên thế giới.

Khi tôi đem ý tưởng này nói với ba mẹ, cả hai đều không ủng hộ, một phần vì ở Biti’s có quá nhiều việc, ba mẹ không muốn tôi, một thiếu nữ đôi mươi, bước qua một ngã rẽ quá vất vả như ngày xưa ba mẹ đã từng đi, phần khác cũng không tin tôi sẽ thành công.Tôi nói:

“Lợi thế của con là kinh nghiệm của Biti’s, của ba mẹ, công ty mình lại từng gia công cho những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Prada, United Colour of Bennetton, Clarks, Speedo, Lotto.

Nền tảng đó cộng với sự chú tâm, kỹ lưỡng, hiểu thị trường và kiên nhẫn, tâm huyết, con tin mình sẽ làm được. Còn nếu không thành công, con cũng học được nhiều kinh nghiệm từ thực tế và cả trong thất bại, đây sẽ là hành trang cần thiết cho sự nối nghiệp Biti’s sau này”.

Nghe tôi thuyết phục, dù không mặn mà ủng hộ, nhưng ba mẹ cũng không cản, đồng ý hỗ trợ tài chính để tôi có cơ hội thực hiện ước mơ. Tôi muốn ngay khi ra đời Gosto phải đánh được vào tâm lý người Việt yêu thích cái đẹp và sự hiện đại.

Vì vậy, để gây sự chú ý, được khách hàng đón nhận và có thể cạnh tranh được với rất nhiều tên tuổi lớn đang hiện diện tại Việt Nam, tôi đã xây dựng mô hình cửa hàng thật sang trọng, trưng bày đẹp, mẫu mã độc đáo, chất lượng cao và dịch vụ bán hàng thật tốt.

Tuy đã có ba cửa hàng tại TP.HCM và một tại Hà Nội, trong đó có hai cửa hàng tại Trung tâm Mua sắm Parkson quận 7 và quận 11, nhưng những gì tôi làm được mới chỉ là bước khởi đầu. Bởi xây dựng một thương hiệu có vị trí trên toàn cầu là một giấc mơ lớn, đường đi còn rất dài, cần nhiều nỗ lực và sẽ rất vất vả. Tôi mới chỉ đi được một phần hành trình mà thôi.

* Chị có cho rằng khi mình nghĩ được, làm được thì cũng có nhiều người cùng nghĩ và muốn làm như mình? Theo chị, tại sao các doanh nghiệp giày Việt Nam chưa “mạnh dạn” thực hiện ý tưởng như chị?

- Xây dựng một thương hiệu riêng có tên tuổi và ở phân khúc cao cấp không phải chuyện dễ làm. Ngoài nội lực và sức “chịu đựng” bền bỉ còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác, mà cái nào cũng khó, cũng đòi hỏi đầu tư lâu và chi phí tốn kém. Chẳng hạn, phải có đội ngũ thiết kế giỏi, đội ngũ phát triển sản phẩm, có hệ thống phân phối tốt, có thời gian để người tiêu dùng trải nghiệm...

Song, theo tôi, cái khó nhất của những DN sản xuất giày dép trong nước là chưa có đội ngũ thiết kế tạo mẫu giày, túi xách chuyên nghiệp và không có hệ thống phân phối. Trong khi đó, đây lại là thế mạnh của Biti’s do ba mẹ tôi có tầm nhìn xa và đã đầu tư cho các yếu tố này gần 30 năm qua.

* Chị cho biết, khi cửa hàng đầu tiên của Gosto ra đời, nhiều người ngạc nhiên và người vui nhất không phải chị mà là ba mẹ, vậy lúc đó ngoài cảm giác hạnh phúc, chị còn có suy nghĩ gì khác không?

- Suốt một năm chuẩn bị “ra riêng” và “làm chủ” thương hiệu thời trang cao cấp Gosto, tôi làm việc gần như quên thời gian, ngày nào cũng miệt mài ở công ty đến tối mịt, hết nghiên cứu thị trường, hệ thống phân phối, mẫu mã đến tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng...

Khi cửa hàng đầu tiên của Gosto ra đời ở Phú Mỹ Hưng, với cách bài trí sang trọng, mẫu mã giày đẹp, không chỉ ba mẹ tôi mà nhiều khách hàng khi bước vào rất ngạc nhiên, họ không tin đây là cửa hàng thời trang Việt Nam, có người còn bình chọn cửa hàng của tôi lộng lẫy và sang trọng nhất ở khu vực quận 7.

Lúc đó, tôi hạnh phúc vô cùng và xen lẫn niềm vui là lời thầm cám ơn ba mẹ. Nếu không có tấm gương của ba mẹ cũng từng vượt khó, dám đổi mới bằng cách qua tận Đài Loan học công nghệ, nếu không có sự hỗ trợ về tài chính, nhất là nền tảng của thương hiệu Biti’s (vì khi đi đâu, đàm phán với ai, hễ cứ nói là “người của Biti’s”, thì tôi đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình), thì chắc tôi chưa đủ nghị lực để thực hiện ước mơ “đến sớm” của mình.

Cũng từ khi “làm chủ” một nhãn hiệu riêng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của ba mẹ khi gầy dựng sự nghiệp, và càng thấy phải nỗ lực nhiều hơn để gìn giữ, kế thừa sự nghiệp này.

* Dường như con đường xây dựng Gosto của chị khá suôn sẻ và thuận lợi?

- Như đã nói, tôi có nhiều hậu thuẫn và ưu thế về nội lực nên khởi đầu có vẻ thuận lợi. Tuy nhiên, ý tưởng của tôi mới chỉ là bước đầu có vóc, có hình, còn đi đến tận cùng hoài bão thì con đường còn dài và còn trăm nghìn thử thách.

Giày dép của Gosto tuy được sản xuất bằng chất liệu cao cấp nhất, sử dụng da thật 100% nhưng khi bán tại thị trường trong nước, người tiêu dùng vẫn chưa chấp nhận bởi tâm lý nếu bỏ ra số tiền gần tương đương mua hàng ngoại để mua một đôi giày “made in Vietnam” thì chọn giày ngoại vẫn thể hiện đẳng cấp hơn, sang hơn.

Có lần tôi chứng kiến một người khách chọn mua một đôi giày, khi đến quầy tính tiền, anh ta hỏi: “Giày này sản xuất ở đâu?”, nhân viên trả lời: “Tại Việt Nam”, thế là anh ta không mua nữa. Lúc đó tôi rất buồn và hiểu ra là còn rất nhiều thử thách phải vượt qua.

Hay một khó khăn khác là ngành công nghiệp phụ trợ thời trang của Việt Nam không có, tất cả các nguyên phụ liệu như vải, nút, da... đều phải nhập từ nước ngoài nên mỗi lần sáng tạo ra mẫu mới thì phải đi lùng nguyên liệu ở các nước, vừa mất thời gian, chi phí tăng và thời gian phát triển sản phẩm cũng dài hơn.

Rồi tìm kênh phân phối cũng khó khăn, vì muốn phát triển thương hiệu cao cấp thì không thể bán như hàng chợ. Mặt khác, tôi không chỉ bán sản phẩm mà còn bán một thương hiệu, một phong cách nên rất cần vị trí đẹp để mở cửa hàng, cách bài trí, trưng bày sản phẩm cũng phải sang trọng, mà mặt bằng ở Việt Nam lại quá mắc. Hơn nữa, nếu mở nhiều cửa hàng ở nhiều tỉnh thành, quốc gia thì việc quản lý cũng không đơn giản.

* Một trong những “bí quyết” thành công của Biti’s là tổ chức hệ thống phân phối theo kiểu chân rết, phối hợp với các nhà bán lẻ địa phương, sao chị không làm theo cách này?

- Đúng là hệ thống phân phối của Biti’s có nhiều điểm rất hay, tại các thành phố lớn sẽ có một trung tâm phân phối, trung tâm này kết hợp với các nhà bán lẻ địa phương và họ phân phối đến người tiêu dùng nên sức lan tỏa sẽ mạnh hơn.

Tuy nhiên, muốn phát triển hệ thống phân phối kiểu chân rết thì phải có nhiều đại lý bán lẻ, nhưng với thương hiệu cao cấp thì chưa làm được ở thời điểm này, vì ngành thời trang của Việt Nam còn ở giai đoạn khai phá, không có những nhà bán lẻ cao cấp như ở nước ngoài. 

Ở các nước, khi họ tổ chức các show trình diễn thời trang, mục đích cho các nhà bán lẻ đặt hàng, còn ở Việt Nam thì chỉ trình diễn để giới thiệu chứ không mang tính thương mại.

Tôi cũng có dự định chọn đối tác phân phối sản phẩm, song việc này cũng không dễ thực hiện vì phải tìm được người cũng có tâm huyết và thật sự yêu sản phẩm của mình.

* Chị nói xây dựng Gosto vì lòng tự tôn dân tộc, muốn đưa thương hiệu Việt sánh với nhiều nhãn hàng nước ngoài, nhưng tại sao chị lại đặt tên cho thương hiệu bằng tiếng Anh?

- Khi xây dựng Gosto tôi muốn nhắm đến thị trường nước ngoài, vì vậy tôi chú trọng đến ý nghĩa ẩn bên trong tên gọi này, như chữ S là hình ảnh đất nước Việt Nam, còn GO TO là hướng ra thế giới. Mục đích của tôi khi chọn tên Gosto là muốn khẳng định Việt Nam cũng có thể xây dựng những thương hiệu thời trang cao cấp.

Năm năm qua, có nhiều khách sử dụng hàng của Gosto thấy tốt nên đã đến đặt hàng để mang ra nước ngoài phân phối, nhưng tôi rất cẩn trọng vì Gosto vẫn đang trong thời gian hoàn thiện hóa sản phẩm, bản thân tôi cũng đang có kế hoạch đi học thêm nhiều khóa thiết kế về túi xách, giày dép ở Ý, Pháp, Anh...

Tôi thích giao lưu và học hỏi ở “những người thầy quốc tế” trong chuyên ngành của mình. Với vốn tiếng Anh và Hoa khá tốt, tôi rất tự tin mình là một công dân toàn cầu và một thế hệ mới của thanh niên trẻ Việt Nam, vì đối với chúng tôi, việc giao lưu học hỏi văn hóa các nước là một điều cực kỳ quan trọng.

Trở lại với Gosto, để xây dựng một thương hiệu cao cấp thì theo tôi, 5 năm vẫn chỉ là bước khởi sự. Khi đã xác định đây là đường dài, tôi không hề nôn nóng và cũng không vội về doanh thu. Khi nào tất cả người dân Việt Nam đều thấy tin tưởng Gosto và yêu thích thương hiệu này thì tôi mới có cơ sở để ra nước ngoài.

* Không ít DN da giày gặp khó khăn do thị trường truyền thống đã mất, thị trường nội địa bị chiếm lĩnh bởi hàng Trung Quốc, cạnh tranh trong nước gay gắt. Nhưng doanh thu hằng năm của Biti’s vẫn tăng từ 20 - 30%, có phải vì vậy mà những năm gần đây Biti’s “im hơi lặng tiếng” trong các chương trình marketing, làm thương hiệu? Theo tôi, trong kinh doanh, “im hơi lặng tiếng” quá cũng không hẳn là tốt. 

“Chữ S là hình ảnh Việt Nam, GO TO là hướng ra thế giới”

- Trong hoàn cảnh khó khăn chung thì DN nào cũng gặp khó, và càng khó thì càng phải tiết giảm các chi phí làm marketing, thương hiệu, quảng cáo. Dù hiện nay mảng xuất khẩu vẫn chiếm 40% doanh thu, nhưng Biti’s luôn xác định thị trường nội địa vẫn là “đất sống” của Biti’s.  

Do vậy, chúng tôi tập trung đầu tư phát triển nội lực, đầu tư vào công nghệ, dây chuyền sản xuất để cho ra nhiều dòng sản phẩm mới như: giày chuyên dụng thể thao cho chạy bộ, tennis..., cải tiến các dòng sản phẩm.

Đặc biệt, chúng tôi đã bỏ ra cả triệu USD để trang bị hệ thống quản trị ERP - SAP. Ở khâu phân phối, chúng tôi đang xây dựng các cửa hàng Biti’s theo mô hình cửa hàng cho mọi gia đình, nghĩa là khi vào cửa hàng, mọi thành viên trong một gia đình đều có thể chọn cho mình một sản phẩm phù hợp.

Việc Biti’s ít tập trung quảng bá thương hiệu, làm marketing cũng có nhiều ý kiến ngộ nhận hoạt động của Biti’s đang bị chìm lắng. Đó cũng là điều không hay. Song, việc này tùy thuộc vào định hướng của ba mẹ tôi.

* Có vẻ như ba mẹ chị rất thận trọng trong việc giao cơ nghiệp cho chị kế thừa. Là một người trẻ có cách nhìn và cách làm mới, liệu chị có thuyết phục được ba mẹ khi có những sáng kiến đột phá? Có bao giờ cha con chị mâu thuẫn vì các ý kiến đối lập chưa?

- Kế thừa là cả quá trình dài về sau nên tôi cần có thời gian chuẩn bị, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Việc kinh doanh ngày xưa của ba mẹ khác với thế hệ tôi sau này nên ngoài những điều học được từ ba mẹ tôi phải có thêm nhiều kiến thức mới, ngay cả cách quản lý cũng khác.

Thực ra, ba mẹ tôi cũng rất thoáng trong việc tiếp nhận ý kiến, như việc tôi đề nghị bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư cho hệ thống quản lý ERP, hoặc như ý tưởng làm thương hiệu Gosto...

Riêng chuyện mâu thuẫn ý kiến trong kinh doanh tôi nghĩ là khó tránh khỏi, vả lại tính tôi vốn thẳng thắn, đôi lúc cũng có những tranh luận gay gắt với ba.

Sau những lần đó, tôi nhận thấy ba mẹ đã quản lý công ty 30 năm, mình góp sức là để tô điểm thêm những giá trị đã có nên tốt nhất là hãy làm tốt phần việc của mình, còn khi có ý kiến thì nên khéo léo để không làm ảnh hưởng đến tình cảm cha con. Sự nghiệp không phải là tất cả mà gia đình mới là cái quan trọng nhất.

* Lúc nãy, nhắc đến mẹ trong những thăng trầm, vất vả để gầy dựng sự nghiệp, mắt chị hoe đỏ, chắc hẳn chị dành tình cảm khá đặc biệt cho mẹ?

- Mẹ tôi là một phụ nữ rất giỏi, rất tuyệt vời cả trong gia đình lẫn công việc và cách đối nhân xử thế. Tuy đứng sau ba tôi trong sự nghiệp nhưng mẹ là người rất nghị lực, mạnh mẽ, kiên nhẫn và chịu khó, lúc nào cũng “giấu mình” để hỗ trợ cho chồng con.

Thật lòng, hồi còn nhỏ tôi rất ngưỡng mộ ba nhưng khi lớn lên, tôi lại ngưỡng mộ mẹ hơn vì càng lớn tôi càng hiểu rõ vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Nhiều lúc suy nghĩ, đặt mình ở vị trí mẹ, tôi nghĩ mình sẽ không làm được những gì mà mẹ tôi đã làm.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mẹ, đâu phải lúc nào cũng thẳng tắp nên đôi lúc mẹ cũng buồn, cũng khóc nhưng những giọt nước mắt của mẹ luôn giấu vào trong, không bao giờ mẹ có ý nghĩ tiêu cực và luôn thể hiện sự kiên nhẫn, lạc quan.

Những lúc gia đình quây quần, ba tôi thường nói: “Thành công của Biti’s có đến 70% là công lao của mẹ”. Và những lúc đấy mẹ tôi cười, một nụ cười thật mãn nguyện.

* Nhiều gia đình doanh nhân thường xao nhãng bữa cơm và sinh hoạt chung của gia đình, nhưng gia đình chị vẫn cùng nhau đi chơi cuối tuần, chị và em gái còn được ba dạy học vào các buổi tối, tôi rất ngưỡng mộ và chúc gia đình chị sẽ mãi giữ được “nếp nhà” hạnh phúc, đầm ấm này.

- Ba mẹ tôi quan niệm: “Làm việc thì có thể làm suốt đời, nhưng gia đình mới là nơi mang lại niềm vui, ý nghĩa cho cuộc sống”. Vì thế, chúng tôi phải tuân thủ “nội quy”: 19 giờ ăn tối, sau đó trò chuyện cùng nhau. Vào các buổi tối thứ Hai, Tư, Sáu ba tôi dạy tiếng Hoa cho ba chị em, ba dạy rất nghiêm, có làm bài tập hẳn hoi. Chị em tôi cũng rất thích học với ba vì đó cũng là dịp để cha con trò chuyện, gần gũi nhau hơn.

* Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!

LỮ Ý NHI thực hiện

Nguồn:  Doanh Nhân Sài Gòn
Các bài đăng trước cùng danh mục   Doanh nhân Việt
Hà Tĩnh: Tôn vinh Doanh nhân cống hiến phát triển tỉnh nhà - 17/08/2011
Hà Tĩnh: Tôn vinh Doanh nhân cống hiến phát triển tỉnh nhà NEWS7172
Ngày 16/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Tuyên dương Doanh nghiệp, Doanh nhân thực hiện tốt chính sách thuế năm 2010; đối thoại Doanh nghiệp năm 2011.
Xem thêm
Dự án SPIN: Sản xuất sản phẩm bền vững vì tương lai - 10/08/2011
Dự án SPIN: Sản xuất sản phẩm bền vững vì tương lai NEWS7172
Dưới sự tài trợ của chương trình Asia Switch của Liên minh Châu Âu, dự án SPIN (Sustainable Product Innovation - Đổi mới sản phẩm bền vững) đã được thực hiện tại ba nước Việt Nam, Lào và ...
Xem thêm
Doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung : "Bông hồng Vàng" của miền sơn cước - 08/08/2011
Doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung : "Bông hồng Vàng" của miền sơn cước NEWS7172
Cô gái miền xuôi không thể dứt tình với Hà Giang – mảnh đất địa đầu của tổ quốc, để rồi, cái tình ấy níu giữ, tôi luyện nên một trong những Nữ doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam, chị Nguyễn ...
Xem thêm
Làm từ thiện là “làm giàu” - 06/08/2011
Làm từ thiện là “làm giàu” NEWS7172
Là một khách sạn nhỏ nằm ở trung tâm thành phố Ninh Bình, nhưng từ lâu Khách sạn Sài Gòn đã là nơi dừng chân đáng tin cậy của du khách trong và ngoài nước. Nhưng, với nữ doanh nhân Vũ Thị ...
Xem thêm
“Nữ hoàng đường” - 03/08/2011
“Nữ hoàng đường” NEWS7172
Thân thiện, chân chất, giản dị, mới gặp ít ai nghĩ bà cùng lúc là Chủ tịch HĐQT hai công ty, là một trong những phụ nữ Việt Nam giàu có tiếng trên sàn chứng khoán và là mẹ của hai doanh ...
Xem thêm
Độc quyền nhưng không đoạt quyền - 01/08/2011
Độc quyền nhưng không đoạt quyền NEWS7172
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay, giới kinh doanh máy vi tính và ngành in ấn ở TP.HCM hầu như không ai không biết thương hiệu KTC. Họ là một trong những doanh nghiệp kinh ...
Xem thêm
Những cây nấm đã chọn tôi - 28/07/2011
Những cây nấm đã chọn tôi NEWS7172
Khi nghe nói bài phỏng vấn mình được đăng ở chuyên mục “Trò chuyện doanh nhân”, ông Cổ Đức Trọng xua tay: “Tôi không phải doanh nhân mà là một anh nông dân thích nghiên cứu, tìm tòi các ...
Xem thêm
Tổng Giám đốc Công ty D2D : Trải nghiệm hai phần đời - 27/07/2011
Tổng Giám đốc Công ty D2D : Trải nghiệm hai phần đời NEWS7172
“Tháng 7, cảm xúc nhớ nguồn lại trào dâng hơn bao giờ khi ngày Thương binh liệt sĩ gần đến. Cùng với các địa phương khác trên mảnh đất hình chữ S, Đồng Nai kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh ...
Xem thêm
Chơi đồ cổ, vừa chơi vừa... làm giàu - 26/07/2011
Chơi đồ cổ, vừa chơi vừa... làm giàu NEWS7172
Với niềm đam mê đồ cổ, năm 2007, 12 thành viên đã tụ họp lập nên CLB cổ vật Quỳnh Lưu (Nghệ An). Với họ, chơi đồ cổ không chỉ thỏa mãn niềm đam mê, mà còn là một con đường giúp họ thành tỷ
Xem thêm
Trở thành “vua mỳ tôm” xứ Nghệ từ hai chỉ vàng - 26/07/2011
Trở thành “vua mỳ tôm” xứ Nghệ từ hai chỉ vàng NEWS7172
Khuôn mặt của Nguyễn Thế Kinh (phường Quán Bàu, Tp Vinh, Nghệ An) cũ như hiện vật trong bảo tàng. Xa áo lính, ông chấp nhận làm thuê rồi học lỏm và thành “vua mỳ tôm, bột canh” ở xứ Nghệ ...
Xem thêm
Đại biểu quốc hội là doanh nhân nói về chuyển dịch cơ cấu kinh tế - 23/07/2011
Đại biểu quốc hội là doanh nhân nói về chuyển dịch cơ cấu kinh tế NEWS7172
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế Quốc hội khoá XII, Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám ...
Xem thêm
Dẫn đầu, nhưng đích đến còn xa - 20/07/2011
Dẫn đầu, nhưng đích đến còn xa NEWS7172
Chính thức có mặt trên thị trường từ năm 2004, Thế Giới Di Động là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực cung cấp thiết bị di động đầu cuối. Trong những giai đoạn kinh tế khó ...
Xem thêm
Nữ doanh nhân gắn với định mệnh sữa - 18/07/2011
Nữ doanh nhân gắn với định mệnh sữa NEWS7172
Có đôi lúc hoài nghi về tương lai khi theo học ngành chế biến sữa, song qua những lần cọ xát với khó khăn, người đứng đầu Vinamilk nhận ra niềm đam mê với nghề cứ lớn dần lên và là bàn đạp ...
Xem thêm
Làm giàu từ mô hình nuôi cá sấu - 16/07/2011
Làm giàu từ mô hình nuôi cá sấu NEWS7172
Từ chỗ chỉ một vài hộ nuôi mang tính tiêu khiển vào năm 2001, phong trào nuôi cá sấu ở Sóc Trăng đã phát triển mạnh với hàng ngàn con vào những năm sau đó nhờ giá cá sấu thương phẩm khá ...
Xem thêm
Võ Thanh Cúc: “ Bây giờ. Tại đây” - 14/07/2011
Võ Thanh Cúc: “ Bây giờ. Tại đây” NEWS7172
Là con cháu của một gia đình có tiếng trong ngành sản xuất gạch men tại Long An, có điều kiện đi du học chuyên ngành marketing ở Singapore, ai cũng nghĩ Võ Thanh Cúc sẽ trở về nối nghiệp ...
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Doanh nhân » Doanh nhân Việt
Tìm liên quan » “Chữ S là hình ảnh Việt Nam, GO TO là hướng ra thế giới”
Đang xem » “Chữ S là hình ảnh Việt Nam, GO TO là hướng ra thế giới”