Phóng viên Tamnhin.net đã tiếp xúc với đại biểu Quốc Hội khóa XIII Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Những kiến nghị của cử tri về vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ là vấn đề được bà đặc biệt quan tâm. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Là một trong số ít nữ doanh nhân tái trúng cử lần này, có ý kiến cho rằng việc bà tái trúng cử sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Để được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội- người đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của nhân dân không phải là điều dễ dàng. Tôi thật sự xúc động vì nhận được sự đánh giá tốt đẹp của cử tri và cộng đồng doanh nghiệp cho những nỗ lực và đóng góp dù còn nhỏ bé và khiêm tốn của mình trong hoạt động Quốc hội khoá XII.
Tôi cảm thấy rất vinh dự vì vừa qua lại được thành phố Hà Nội trao tặng bằng khen cho đại biểu có đóng góp xuất sắc trong hoạt động đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2004-2011. Vì vậy, tôi đã thêm một lần nữa được đơn vị công tác, Hiệp hội Công thương thành phố cùng Uỷ ban MTTQ thành phố tiếp tục lựa chọn, hiệp thương, giới thiệu là đại diện cho giới công thương tái ứng cử ĐBQH khoá XIII lần này.
Đối với tôi, đây là một vinh dự lớn. Tuy nhiên, tôi cũng ý thức sâu sắc rằng vinh dự bao giờ cũng gắn liền với trách nhiệm, vinh dự càng cao thì trách nhiệm lại càng lớn. Đã được nhân dân tin yêu, tín nhiệm bầu làm làm đại biểu Quốc hội thì người đại biểu dân cử phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc gần gũi với nhân dân, lắng nghe, truyền tải ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội và các cơ quan chức năng, đóng góp ý kiến và đại diện cho cử tri biểu quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia xây dựng luật và các chương trình giám sát của Quốc hội.
Trong Quốc hội khoá XII, tôi là một trong 26 đại biểu Quốc hội- doanh nhân. Một trong những áp lực của đại biểu doanh nghiệp khi tham gia Quốc hội đó là vừa phải đảm nhiệm tốt cùng một lúc hai nhiệm vụ lớn: Đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình luôn giữ được nhịp độ, tính hiệu quả và đảm nhiệm tốt vai trò đại biểu đại diện của nhân dân theo luật định. Quốc hội là một diễn đàn rất lớn với những đại biểu rất trí tuệ và nghiêm túc. Vì vậy, sẽ không có chỗ cho những cá nhân tư lợi. Tôi thấy thực tế thì ở bất cứ lĩnh vực nào chỉ có làm việc nghiêm túc mới có thể có kết quả tốt. Vì vậy, xin thưa rằng, cho dù tôi có ở vị trí nào đi nữa thì chính sự NGHIÊM TÚC – một nguyên tắc mà tôi và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam luôn tuân thủ, tạo nên sức mạnh để đạt đựơc thành công.
Trúng cử ở đơn vị bầu cử số 6 của Hà Nội, bà có thể cho biết, cử tri ở đây đang mong muốn điều gì nhất?
Theo sự phân công của Uỷ ban bầu cử thành phố Hà Nội, tôi được phân công về ứng cử tại đơn vị bầu cử số 6 gồm 4 huyện: Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thường Tín và Phú Xuyên–hầu hết đều là những vùng đất thuần nông. Tôi thấy: Với tiềm năng sẵn có về quỹ đất, với những người dân hoạt bát, thông minh, chăm chỉ lại có nhiều nghề thủ công nổi tiếng và bề dày truyền thống văn hoá, với sự năng động, linh hoạt ,sáng tạo của huyện uỷ và các cấp chính quyền, 4 huyện thuộc đơn vị bầu cử số 6 hiện đang có rất nhiều cơ hội để phát triển về chiều sâu trở thành những vùng đất có nông nghiệp phát triển dựa trên công nghệ cao song song với việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hình thành những làng nghề, du lịch, dịch vụ.
Tuy nhiên, chính quyền và nhân dân địa phương nêu trên cũng còn phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Bên cạnh một số yêu cầu về công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nông nghiệp và nông thôn, bảo vệ môi trường hay quy hoạch các cụm, điểm, khu công nghiệp và thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới, vấn đề nổi lên được đông đảo cử tri quan tâm đó là việc làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả và bền vững, làm thế nào để tạo việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là nam nữ thanh niên sau GPMB. Việc đào tạo nghề nghiệp, trang bị những kỹ năng thiết yếu cho người lao động, phù hợp với những đòi hỏi mới của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương và phù hợp với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với yêu cầu sau khi hợp nhất với Hà Nội cũng đang đặt ra cho người dân và chính quyền nhiều việc cần giải quyết. Tôi thấy trong tâm tư, nguyện vọng thì đây là điều mà cả cử tri và lãnh đạo chính quyến địa phương đều mong muốn được giải quyết .Vì vậy, đây cũng chính là vấn đề mà tôi rất quan tâm.
Vậy, bà sẽ chuẩn bị những chương trình hành động tại Quốc hội khóa XIII như thế nào để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri?
Trên cơ sở tìm hiểu sơ bộ về tình hình thực tế của đơn vị bầu cử số 6, tìm hiểu mong muốn của cử tri, bước đầu, tôi xây dựng chương trình hành động của mình gồm 5 điểm chính:
Sẽ lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu những bức xúc và bằng nhiều hình thức trao đổi chân thành, thẳng thắn với cử tri về vấn đề chung của địa phương, đất nước. Cùng các đại biểu khác, tôi có trách nhiệm truyền tải trung thực ý kiến của cử tri lên Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan làm cơ sở để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, để mỗi luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành luôn được xây dựng trên nền tảng không ngừng mở rộng quyền dân chủ, vì cuộc sống giàu đẹp, vì hạnh phúc và quyền lợi thiết thực của nhân dân. Tôi sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến những tâm tư, nguyện vọng của cử tri là những người dân làm nông nghiệp và việc thực hiện chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước.
Thêm vào đó, tôi mang những kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động kinh doanh, kinh nghiệm 12 năm là đại biểu HĐND TP Hà Nội và 4 năm làm đại biểu Quốc hội khóa XII của bản thân kết hợp với việc nghiêm túc lắng nghe các ý kiến cùng kinh nghiệm quý báu của cử tri để góp sức cùng các đại biểu khác xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm tạo hành lang pháp lý để mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội và điều kiện được phát huy khả năng của mình, đóng góp hiệu quả cho sự tăng trưởng, ổn định và bền vững của đất nước.
Ngoài ra, tôi sẽ tham gia đầy đủ và tích cực đóng góp ý kiến, góp phần thúc đẩy quá trình cải tiến hoạt động Quốc hội theo hướng tăng cường đối thoại, tranh luận cùng các đại biểu khác thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát, chất vấn theo luật định
Bên cạnh đó, là đại biểu nữ, tôi sẽ dành sự quan tâm đến vấn đề thực hiện luật bình đẳng giới để các quy phạm pháp luật đều đảm bảo cho cả nam và nữ được phát triển, cống hiến và thụ hưởng trong các lĩnh vực: giáo dục- đào tạo; văn hoá; kinh tế; lao động - việc làm; chăm sóc sức khoẻ; quyền tiếp cận thông tin, công nghệ, đặc biệt là quyền tham gia hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và quyền lợi chính đáng của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người có công với cách mạng, các tầng lớp thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Tôi luôn ý thức, dù ở cương vị nào, bản thân tôi sẽ tiếp tục không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, tích cực tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để xứng đáng là một công dân gương mẫu, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và niềm tin yêu mà cử tri tín nhiệm trao gửi.
Về đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bà có dự kiến chương trình hành động về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam chúng tôi đang là chủ đầu tư 10 khu công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Nhờ tập trung thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài nên ngoài việc trực tiếp tạo ra việc làm cho cán bộ công nhân viên của Tập đoàn, chúng tôi còn gián tiếp tạo ra cơ hội việc làm cho hơn 40.000 lao động tại các địa phương có KCN, trong đó chủ yếu là lao động nông nghiệp được chuyển đổi nghề nghiệp. Vì vậy, trong khả năng của mình, tôi sẽ tiếp tục làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp và thu hút đầu tư cho đất nước nhằm tiếp tục tạo ra cơ hội việc làm cho hàng vạn lao động, tạo cơ hội để người lao động được đào tạo cơ bản, được trang bị nghề nghiệp phục vụ trực tiếp cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa bàn thuần nông, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội đồng thời tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách các địa phương.
Trân trọng cảm ơn bà!
Văn Kỳ Thanh