Xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở nông thôn, Trần Huy Hợi (sinh năm 1983) huyện Phủ Cừ, Hưng Yên luôn nuôi mong ước làm giàu để có thể phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, với sức học kém nên anh Hợi không dám theo đuổi giấc mơ làm giàu từ con đường khoa cử.
Tốt nghiệp cấp 3, anh lên đường vào Nam làm đủ nghề từ phụ hồ, làm thuê tại các trang trại chăn nuôi, cho đến công nhân. Có thời điểm anh được cất nhắc làm tổ trưởng trong nhà máy nhưng anh vẫn nghĩ, nếu cứ đi làm thuê, sống xa quê thì cũng chẳng phụ giúp được nhiều cho gia đình. Năm 2006, anh Hợi bỏ về quê, tìm con đường làm giàu riêng.
Với suy nghĩ, ngành chăn nuôi đã cũ nhưng mình phải tìm ra những con gì người khác chưa làm, mới phát triển được. Do đó, anh lặn lội đến nhiều trang trại chăn nuôi từ cá tra, cá basa, cá chuối, kỳ đà, nhím... để học hỏi, phụ giúp, thậm chí không nhận tiền công. Khi trở về với số vốn 15 triệu đồng tích cóp suốt những năm đi làm thuê, anh Hợi quyết định mua dế giống về nuôi vì thấy đây là một mô hình mới ở miền Bắc.
Lúc đó những người dân ở quê còn xa lạ với món ăn từ dế nên đều can ngăn khi cho rằng anh sẽ không thành công. Thật không may, nuôi chưa được bao lâu, dế chết khá nhiều, anh bị thiệt hại khá lớn. Sau khi tìm ra nguyên nhân, anh vẫn tiếp tục mạo hiểm thêm một phen khi tăng số dế giống lên gấp 6 lần với khoảng 300 chậu dế. Rất may, số dế sinh trưởng tốt và có thể bán thương phẩm.
Tuy nhiên, bài toán đầu ra cho sản phẩm cũng không dễ dàng vì món dế lúc đó còn khá xa lạ với các nhà hàng tại miền Bắc. Có thời gian, anh phải mang dế đi bán rong, chào mời các nhà hàng, thậm chí là xào thử cho họ ăn. Khi dế bắt đầu được các nhà hàng mua nhiều, lúc đó anh quyết định thành lập Công ty TNHH Huy Lợi và xuất mặt hàng này sang Trung Quốc.
Công việc làm ăn khá thuận lợi, tuy nhiên, anh Hợi lại nghĩ đã đến lúc phải mở rộng mô hình, kết hợp thêm vật nuôi khác để phát triển đa dạng hơn. Đầu tiên, anh nuôi chim trĩ vì khi đó mặt hàng này còn khá mới. Vừa nuôi chim trĩ thương phẩm, vừa nhân giống, với đầu ra thuận lợi anh mạnh dạn đầu tư mở rộng số lượng. Cùng với đó, anh thuê đất của hợp tác xã để đầu tư xây dựng trại nuôi có quy mô hơn 1.000m2 với khoảng 1.000 con chim trĩ đỏ. Có lúc cao điểm, số chim trĩ tại trại của anh gấp 2-3 lần con số này.
Đầu năm 2011, tìm hiểu trên mạng và một số nơi, anh Hợi quyết định nuôi thêm gà quý phi khi thấy loại gà này đang được ưa chuộng, giá trị lại cao. Anh đã phải lặn lội đến nhiều hộ nuôi giống gà này và thuyết phục họ bán cho 50 con gà giống với tổng chi phí 75 triệu đồng. Ban đầu, khi gà mới sinh sản thì phát triển tốt. Tuy nhiên đến khoảng 15 ngày tuổi thì gà lăn ra chết dần.
Trong suốt 3 tháng, gà con chết hàng loạt khiến anh thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, rồi học hỏi trên mạng, suy ngẫm, anh tự đưa ra cách xử lý là giảm khẩu phần ăn, giữ ấm, thay đổi nhiệt độ theo mùa... cho đàn gà. Thoát được cửa ải đầu tiên, tưởng thành công đã mỉm cười thì anh lại vấp tiếp chướng ngại vật thứ hai. Gà được khoảng 4 tháng tuổi thì tiếp tục chết nhiều không rõ lý do. Lại mất một thời gian tìm hiểu, anh mới tìm ra nguyên nhân nhưng đã bị thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Hiện anh Hợi đã giảm việc nuôi dế và chim trĩ đỏ để tập trung cho phát triển gà quý phi. Trại nuôi của anh có 1.000 con gà đẻ, mỗi tháng bán ra thị trường 500 gà thịt khoảng 1,3-1,5kg. Anh cho biết, chi phí cám và thuốc cho mỗi con gà đến lúc xuất chuồng tầm 100.000 đồng. Thức ăn cho gà chủ yếu gồm thóc, lúa, cám tổng hợp, rau xanh...
Theo anh Hợi, giá gà quý phi khá ổn định, khoảng 250.000 đồng một kg vì hiện nay nguồn cung không nhiều. Đầu ra của sản phẩm, chủ yếu anh bán cho các nhà hàng hoặc khách đến tận trại mua về làm quà biếu... Ngoài gà thịt, anh còn xuất bán hàng nghìn con giống với giá 30.000-40.000 đồng, gà làm cảnh khoảng 500.000-600.000 đồng mỗi con.
Hiện anh Hợi phải thuê thêm 2 người phụ giúp. Ông chủ trẻ hi vọng thời gian tới sẽ mở rộng diện tích nuôi, thậm chí triển khai một số trang trại ở các địa phương khác để cung cấp giống cũng như gà thương phẩm ra thị trường.
Ngọc Tuyên