Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài báo viết về doanh nhân Nguyễn Quốc Khanh, ông chủ của Tập đoàn AA trên tạp chí Forbes. Đã có rất nhiều điều về sự nghiệp của người đàn ông tên Nguyễn Quốc Khanh được chia sẻ ở đây. Nhưng dĩ nhiên là chưa thể hết những điều đáng nói.
Ước muốn thoát khỏi "cái nhìn Ðông Dương"
Anh Khanh bảo những dấu ấn trong đời anh thì nhiều, nhưng đến giờ anh vẫn không thể quên được người khách nước ngoài đầu tiên của mình. Ông là Pierre Zerdoun, lúc đó là chủ ngân hàng Crédit Lyonnais của Pháp.
"Nói đến ngày gặp mặt vị khách đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất là vốn tiếng Pháp của tôi hầu như đã rơi rụng hết, tôi hầu như chỉ nghe hiểu lõm bõm, nhưng vẫn cố gắng đến gặp và có được thành công bước đầu. Bài học tôi rút ra sau lần đó là đừng bao giờ ngại ngùng vì rào cản ngôn ngữ. Điều đó thật sai lầm, bởi chỉ có sự tiếp xúc thường xuyên mới giúp chúng ta nâng cao được kiến thức, nhất là vốn ngoại ngữ. Ta có thể học từ cái đúng và cả từ cái sai"…
- Tôi được biết ngoài thông thạo tiếng Anh, Pháp, anh còn có thể nói được tiếng Nga, tiếng Trung. Còn "ngôn ngữ thiết kế" của anh thì sao?
Ngôn ngữ thiết kế của tôi đơn giản là đem đến cho khách hàng công năng sử dụng hoàn hảo; giúp cho những người sống trong các không gian ấy có được một đời sống khỏe mạnh, tươi vui và sáng tạo. Để làm được điều đó, với vai trò điều hành một công ty cung cấp đồ nội thất và các dịch vụ trong ngành, tôi không khư khư giữ "ngôn ngữ thiết kế" riêng mà phải cùng các nhân viên của mình tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của khách hàng để sáng tạo, cải tiến sản phẩm đạt được các yêu cầu về sử dụng, về vật liệu, điều kiện tiện nghi, chất lượng, thẩm mỹ… và nhất là gần gũi, thoải mái với chủ nhân.
- Tôi nhớ có lần anh nói cố gắng thoát ra khỏi "cái nhìn Đông Dương". Anh có thể giải thích cụ thể hơn?
Quan niệm phổ biến hiện nay là sản phẩm của các nước ở khu vực Đông Dương nói riêng và châu Á nói chung muốn đi ra thế giới thì phải giới thiệu những vẻ đẹp hoặc chiều sâu của tinh thần quốc gia mà thế giới có thể cảm thụ được.
Nhưng tôi thì không đặt ra một tiêu chuẩn nào để những người trẻ có thể thỏa sức sáng tạo. Nếu muốn phát huy hết tài năng của nhà thiết kế, thì phải cho họ đi theo mọi con đường họ muốn. Nếu họ nắm bắt được những ý tưởng xuất thần ở bất cứ phương diện, xu hướng hay trào lưu nào thì tôi luôn tìm cách hỗ trợ để họ đi đến tận cùng của thành công. Tôi không hẳn muốn tách biệt hoàn toàn ra khỏi "cái nhìn Đông Dương" mà chỉ không gò bó các đường lối thiết kế của chính mình cũng như của nhân viên. Trong những giai đoạn đầu giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng nước ngoài, tất nhiên tôi cũng muốn đưa những yếu tố đặc trưng của dân tộc vào trong thiết kế với lòng tự hào về đất nước và con người Việt Nam, nhưng không phải vì thế mà bất cứ thiết kế nào của tôi cũng mang nét "đặc thù dân tộc" theo lối mòn. Chúng tôi cũng đã rất nhiều lần thử sức mình với những dòng sản phẩm mang phong cách của nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Ý… Trong quá trình hội nhập, sự uyển chuyển, tinh thần rộng mở và cái nhìn toàn diện để liên tục tiếp thu, học hỏi là tất yếu.
- Nếu vào cái thời anh lập công ty cách đây 20 năm thì lối thiết kế hiện đại của người phương Tây được ưa chuộng. Nhưng nay xu hướng tìm về Phương Đông có vẻ như thịnh hành hơn. Anh nghĩ sao?
Tôi không nghĩ mình cần phải thay đổi cách làm việc bởi phương châm của tôi luôn luôn là: "Thay đổi để phát triển"
|
Thị hiếu của khách hàng hiện nay rất đa dạng, họ luôn tìm kiếm những điều mới lạ thuộc về các dân tộc khác, thuộc về viễn tưởng, thuộc về cá tính độc đáo của xã hội, thuộc về tự nhiên và mới đây nhất là các vật liệu tái chế… Các yếu tố thuộc về phương Đông cũng là một trong những khía cạnh mới mẻ đó. Tôi không nghĩ mình cần phải thay đổi cung cách làm việc hiện tại bởi phương châm của tôi đã luôn là: "Thay đổi để phát triển". Bản thân tôi và công ty đã thực hiện nhiều cuộc thay đổi toàn diện và quy mô nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của ngành nội thất trong nước cũng như quốc tế. Tôi cho rằng các nhà thiết kế không cần phải cố gắng đi theo những quy định bài bản cho một thiết kế mang hơi hướng phương Đông hay phương Tây. Họ có thể sử dụng bất cứ chất liệu hay giá trị tinh thần nào, từ bất cứ nguồn gốc nào nếu muốn.
- Vươn ra thế giới và hội nhập để phát triển là điều rất tốt. Nhưng làm như vậy anh có sợ rằng sẽ bị mất bản sắc Việt Nam?
Bản sắc là một thứ không dễ để mất vì nó được hình thành từ truyền thống, quá khứ, môi trường, cuộc sống… từ khi con người sinh ra và lớn lên. Nói cách khác, bản sắc là một phần nằm sâu bên trong mỗi con người và gắn bó mật thiết đến mức không thể tách rời. Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ. Du lịch và đặc biệt là Internet cùng các công nghệ mới đã đưa mọi người trên thế giới đến gần nhau hơn bao giờ hết. Sự giao lưu văn hóa là điều tất yếu phải diễn ra. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa cũng đồng thời diễn ra quá trình loại suy, những gì không dung hòa được với văn hóa Việt Nam sẽ dần dần mất đi, để lại những yếu tố văn minh hơn, khoa học hơn. Và tất nhiên, tôi tin rằng những tinh hoa quý giá của dân tộc vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn. Đó chính là bản sắc.
"Ði trước một bước" và vươn tới doanh nghiệp 100 triệu USD
- Anh nói, bản thân cái tên gọi AA cũng là một cách thể hiện "bản sắc", mà "bản sắc" của AA là hiện đại… Anh nhận thấy thiết kế nội thất của Việt Nam hiện nay đã đạt được ngưỡng hiện đại?
Ngành thiết kế nội thất của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á hiện vẫn còn lạc hậu so với các nước khác, vì nội thất cũng như kiến trúc đều gắn liền với nền kinh tế và phải phát triển tương thích với nền kinh tế. Nhưng nếu so với 10 năm về trước thì ngành nội thất hiện nay đã có bước tiến rất dài. Ngày nay Việt Nam đã có rất nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành thiết kế nội thất như Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật… Bản thân tôi cũng không ngừng tìm kiếm các nhân tài trẻ trong nước để đưa về công ty đào tạo. Tôi cũng thường xuyên đưa các bạn trẻ qua các nước hàng đầu về nội thất như Ý, Đức, Đan Mạch… để họ học hỏi ở môi trường chuyên nghiệp đỉnh cao. Cộng với kinh nghiệm thực tế, họ sẽ đủ sức tạo nên danh tiếng trên thị trường quốc tế cho ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ nước nhà.
- Nhiều người cho rằng số doanh nghiệp thiết kế đồ nội thất ở Việt Nam có thể vươn ra và có tầm ảnh hưởng nhất định trên thị trường quốc tế như AA hiện đếm được trên đầu ngón tay. Anh có bí quyết gì không?
Tôi cũng không rõ hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đã làm việc được với khách nước ngoài. Và tôi cũng không có bí quyết gì đặc biệt cả. Hơn 10 năm trước, chúng tôi bắt đầu hợp tác với khách hàng nước ngoài với hành trang chỉ có sự tự tin và khi bắt tay vào làm thì làm bằng tất cả cái tâm và nhiệt huyết. Còn ngày nay, khi đã tích lũy kinh nghiệm thực hiện các công trình xuất khẩu mà đa số đều là các công trình phức tạp cho những thương hiệu bất động sản nổi tiếng khó tính, tôi có thêm một bài học: đó là phải chuẩn bị tốt, cả về kiến thức và công việc thực tiễn. Trong năm nay, tôi đã đưa câu khẩu hiệu "Đi trước một bước" phổ biến rộng rãi cho mọi nhân viên. Câu khẩu hiệu ấy có nghĩa là khi hợp tác với khách hàng nước bạn thì chúng tôi luôn quan tâm, tìm hiểu thấu đáo tất cả mọi điều liên quan đến công trình để có được những bước chuẩn bị chu đáo. Thái độ làm việc chuyên nghiệp, cầu tiến, kinh nghiệm hơn 18 năm hoạt động, sự tăng trưởng cả về chất và lượng cùng những cam kết chắc chắn về quyền lợi của khách hàng đã xây dựng được danh tiếng cho AA với các khách hàng trên thế giới.
- Với những gì mà anh đạt được, cái tên Nguyễn Quốc Khanh đã trở thành thần tượng của nhiều kiến trúc sư trẻ. Nhưng gần đây, người ta thấy anh chuyển sang cung cấp đồ gỗ nội thất là chủ yếu. Phải chăng anh đã mệt mỏi với việc đi tìm cái mới trong thiết kế hoặc nó đã không thể kiếm ra nhiều tiền cho AA?
Thực ra ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã hoạt động trong lĩnh vực cung cấp đồ gỗ nội thất và các dịch vụ thi công trang trí rồi. Lĩnh vực cung cấp đồ gỗ nội thất cũng là niềm tự hào của AA vì AA là một trong số ít công ty tại Việt Nam có thể sản xuất được các mặt hàng đồ gỗ nội thất tiêu chuẩn quốc tế. Có lẽ nhiều người biết đến AA qua các công trình hoặc các gói thầu cung cấp đồ gỗ nội thất cho khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, AA đã đầu tư vào ngành hàng bán lẻ đồ nội thất cho người tiêu dùng trong nước từ năm 1999 với thương hiệu Nhà Xinh. Cho đến nay, AA đã liên tục phát triển ngành hàng này với nhiều thương hiệu khác nữa như BoConcept, Bellavita, Calligaris. Chúng tôi cũng mới khai trương thêm một cửa hàng Nhà Xinh diện tích 3.000 m2 tại khu thương mại Vincom Centre Long Biên. Tôi chưa bao giờ dừng lại trong việc tìm kiếm cái mới, cái hay, cái đẹp của nội thất. Tôi sẽ sớm chứng minh cho bạn điều mình vừa nói. Sắp tới, AA sẽ tung ra thị trường dòng sản phẩm nội thất chưa từng xuất hiện tại Việt Nam vì đây là liên hàng mang tính tiên phong cho thị trường xuất khẩu và nội địa. Thông tin chi tiết thì chúng tôi xin phép được giữ bí mật và sẽ công bố rộng rãi vào tháng 3, thời điểm diễn ra Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam 2012 (Vifa 2012).
- Năm trước, anh có nói đầu năm 2011 sẽ đưa AA tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam và vươn tới doanh số 100 triệu đô la Mỹ. Đến giờ kế hoạch ấy đã được thực hiện như thế nào?
Hiện tại, AA vẫn giữ mong muốn gia nhập thị trường chứng khoán trong thời gian gần. Tuy nhiên, chúng tôi phải chờ đợi cho đến khi thị trường chứng khoán vượt qua những khó khăn trước mắt và ổn định hơn. Kế hoạch doanh số 100 triệu USD thì năm nay chúng tôi đã vượt qua hơn một nửa và chắc chắn một vài năm nữa có thể vượt qua con số đó để đặt tiếp những mục tiêu cao hơn.
- Khép lại một năm cũ, anh có thể chia sẻ với bạn đọc những kết quả mà AA đã đạt được trong năm qua và kế hoạch trong năm 2012 của AA?
Khi AA bước vào ngành nội thất ở thời thời điểm gần 20 năm trước, tôi đã ấp ủ hy vọng đến ngày nội thất Việt Nam có thể bắt kịp với nước ngoài. Tôi cũng luôn mong muốn các doanh nghiệp khác tự tin cùng AA vượt khỏi lằn ranh biên giới và vươn ra những thị trường mới. Năm 2011 khép lại, AA đã hoàn thành tốt mọi kế hoạch, trong đó, các công trình với chủ đầu tư quốc tế đều được đánh giá xuất sắc, dẫn đến lợi nhuận tăng. Kế hoạch năm 2012 của AA có thể nói là cũng khá tham vọng. AA chuẩn bị thành lập liên doanh ở Ấn Độ, Campuchia và Bhutan. Sau khi thành công ở các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông, trong năm nay, AA đã tìm cách tiếp cận với thị trường Ấn Độ và thực sự đã xâm nhập được vào thị trường này với một số công trình sẽ được tiến hành vào năm 2012.
- Xin cảm ơn và chúc anh có một năm mới thành công rực rỡ!
Bích Ngọc