Nằm ở phần đuôi của dãy núi Yên Tử, cánh cung Bạch Mã… chạy dài đến vùng Sơn Động (Bắc Giang), Quảng La Hoành Bồ (Quảng Ninh) từ xưa đến nay thuần túy phát triển nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với nghề rừng. Trước năm 2010, nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen canh tác quảng canh hay vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Thế nhưng, khi công tác quản lý rừng được siết chặt, người dân đã dần từ bỏ thói quen kiếm sống phụ thuộc vào rừng.
Có gan làm giầu
Tháng 8/2012, HTX Nông trang Quảng La được UBND huyện Hoành Bồ cấp giấy phép thành lập, trong đó, vật nuôi được coi là mũi nhọn trong sản xuất chăn nuôi của HTX là giống chim bồ câu Pháp.
Gia đình ông Ngô Văn Thành (thôn 3, xã Quảng La) là một trong 10 hội viên của HTX. Tháng 10/2012, ông Thành nhập 700 đôi chim bồ câu Pháp gần một tháng tuổi về chăn thả trong khu chuồng rộng hơn 100m2 được xây dựng trong đất vườn nhà mình. Sau một tháng chăm nuôi, đàn chim giống của ông đã đạt mức tăng trọng đúng kỹ thuật, trung bình 200gr/con/tháng.
Ông Thành cho hay: đầu tư ban đầu của mỗi chuồng trại chừng vài ba trăm triệu, trong đó bao gồm tiền xây chuồng trại, máng đựng thức ăn, khay đựng nước, lồng sắt nhỏ để sau này ghép đôi chim bố mẹ, khay cho chim bố ấp trứng… Thời kỳ chim nhỏ, chủ nuôi sử dụng cám nhỏ để gột chim, sau này chim lớn sẽ cho ăn thóc, ngô… như nuôi chim câu nhà.
Đến nay, tổng mức đầu tư chuồng trại, giống nuôi, chuồng, khay ấp, khay thức ăn… của gia đình ông Thành lên tới 500-600 triệu, trong đó, ông được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế 200 triệu đồng.
Một cặp chim giống bồ câu Pháp mua ban đầu có giá từ 300 – 400 ngàn đồng/đôi. Sau hai tháng nuôi, cặp chim giống đạt trọng lượng 5-600gram. Đến tuổi trưởng thành, chim được ghép cặp đực – cái trong các chuồng riêng biệt, trọng lượng của chim trưởng thành ở mức 7-800gram/con, gấp 3-4 lần trọng lượng chim bồ câu nhà. Ông Thành chia sẻ
Giá trị kinh tế của chim bồ câu Pháp được người nuôi rất kỳ vọng. Theo tính toán, thời điểm nuôi chim giống đến tuổi trưởng thành của chim câu Pháp mất từ 3-4 tháng. Từ tháng thứ 4, chim câu bắt đầu sinh sản. Một năm, trung bình chim câu Pháp sinh sản, nuôi ấp từ 7-8 lứa. Với giá chim giống ở thời điểm hiện tại, ông Thành tính toán, chỉ sau hai lứa chim đẻ, ông đã hoàn được số tiền vốn mua chim giống bố mẹ ban đầu. Từ lứa thứ ba trở đi, ông bắt đầu hưởng lời.
Với số lượng 700 đôi chim câu, mỗi tháng, hộ gia đình ông Thành sẽ có mức thu nhập 50 – 60 triệu đồng/tháng.
Nhân rộng mô hình
Thời điểm hiện tại, mô hình nuôi chim câu Pháp đang được triển khai nuôi quy mô lớn tại xã Quảng La, huyện Hoành Bồ. HTX nông trang Quảng La đã xây dựng được 6 phân xưởng nuôi chim tại các hộ xã viên, với quy mô từ 700 – 1.000 đôi/phân xưởng. Hộ ông Ngô Văn Thành là một trong những hộ đầu tiên triển khai nuôi ban đầu. Các xã viên khác như gia đình ông Bùi Xuân Lộc, Lương Xuân Thiệp, Nguyễn Văn Tuyền, Phạm Thị Hoa… đang tiến hành xây dựng chuồng trại trong vườn để tới đây sẽ đưa chim giống về nuôi thả.
Anh Bùi Văn Hà, chủ nhiệm HTX nông trang Quảng La cho biết: Quảng La có đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển đàn chim bồ câu Pháp. Giống chim này được chăn thả trong các chuồng nuôi nhốt nên không tốn nhiều không gian, diện tích, trong khi đó, diện tích vườn của các hộ dân tại xã Quảng La rất lớn, mỗi hộ trung bình cũng có từ 3-400m2 vườn tạp để không. Chim câu Pháp được nuôi bằng thóc, gạo, ngô… chứ không nuôi bằng thức ăn công nghiệp, do đó thịt chim rất thơm, ngon, có giá trị dinh dưỡng. Khi số lượng chim đàn được nhân rộng quy mô lớn tại nhiều hộ dân, Quảng La sẽ có số lượng hàng vạn đôi chim câu Pháp. Giá bán một cặp chim non làm thực phẩm cũng ở mức gần 200 ngàn đồng/đôi. Về lâu dài, giá trị kinh tế của vật nuôi này đối với các hộ nuôi là rất lớn.
Theo anh Hà: ngoài HTX nông trang Quảng La, mô hình nuôi chim câu Pháp cũng sẽ được triển khai nuôi tại xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn).
“Chúng tôi xây dựng một mô hình HTX kiểu mới, trong đó phân công rõ ràng ở các khâu đoạn: sản xuất giao cho các hộ nuôi chuyên biệt bằng cách xây dựng các phân trại trong vườn nhà; có đội ngũ cán bộ thú y chăm sóc chim đàn từ giai đoạn mua chim giống đến khi trưởng thành, sinh sản; nhóm xã viên đảm nhiệm tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường, cung cấp vật tư, chim giống… đầu vào cho các xã viên chăm nuôi… Quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ của mỗi xã viên, nên sẽ đảm bảo tinh thần tự giác, trách nhiệm của mỗi hội viên. Nếu mô hình nuôi chim bồ câu Pháp có hiệu quả, chúng tôi đã tính đến phương hướng sẽ xây dựng một thương hiệu chim bồ câu sạch của Quảng La để bán trong các siêu thị trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh” – chủ nhiệm Bùi Văn Hà cho biết.
P. Nam