Đây là dịp để đoàn viên thanh niên nông thôn trong cả nước có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm.
Anh tài tụ hội
Đến với Festival lần này, có hơn 300 đoàn viên, thanh niên khắp các vùng nông thôn trên toàn quốc. Mỗi người có một cách làm, một chí hướng phấn đấu, sáng tạo khác nhau. Song, tất cả đều là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho thế hệ thanh niên nông thôn trong cả nước.
Chị Đỗ Thị Chinh (SN 1981, quê xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã lai tạo thành công giống lúa lai 2, có tên “Thanh ưu 3”, được Bộ NNPTNT công nhận là giống quốc gia năm 2011. Ngoài ra, chị còn tạo ra nhiều tổ hợp lúa lai mới được đánh giá có triển vọng và đang được khảo nghiệm.
Bên cạnh đó, chị có nhiều sáng kiến, như: Giải pháp “Cải tiến phương pháp chọn lọc và nhân dòng bất dục đực TGMS hệ 2 dòng của Trung Quốc cho phù hợp với điều kiện sản xuất tại Thanh Hóa”; giải pháp “Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật lai tạo, nhằm nâng cao hiệu quả lai thử trong chọn tạo giống lúa lai mới”...
Chị được Tổng Liên đoàn Lao động VN tặng bằng Lao động sáng tạo; Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Còn chị Võ Thị Thu Hằng (SN 1981) là một cán bộ kỹ thuật Tổng đội Thanh niên xung phong - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Chị là người đã tham gia quy hoạch, bố trí đất đai hợp lý cho 187 hộ đội viên; giúp các hộ sinh sống ổn định và phát triển kinh tế tại Tổng đội Thanh niên xung phong - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn; hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân gieo trồng và chăm sóc 135ha chè công nghiệp cho sản lượng gần 700 tấn/năm, đem lại thu nhập ổn định với mức 3.000.000 - 5.000.000 đồng/hộ/tháng; hướng dẫn các hộ dân phát triển trồng rừng, lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Nhà nước.
Đến nay, Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Tây Sơn đã trồng được gần 600ha keo; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng giặm 182ha và bảo vệ 927ha rừng phòng hộ; hướng dẫn 2 mô hình HTX và 3 hộ gia đình đội viên chăn nuôi quy mô tập trung, với tổng đàn lợn trên địa bàn lên tới 4.800 con.
Anh Đặng Ngọc Nghĩa (SN 1977, ở xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai) lại chọn cách phát triển cây công nghiệp để làm giàu. Năm 2003, anh đầu tư trồng 1ha cà phê. Đến năm 2011 anh tăng lên đến 5ha, cho sản lượng bình quân 40 tấn cà phê nhân/năm. Bên cạnh đó anh còn xây dựng 1.000m2 chuồng trại, nuôi 20 con heo nái, mỗi năm cho 900 heo con và 850 con heo thịt. Mỗi năm, mô hình phát triển kinh tế của anh cho thu nhập 1,986 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương….
Phần thưởng xứng đáng
Theo anh Nghĩa, để trở thành chủ nhân Giải thưởng Lương Định Của lần này, bản thân anh đã nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương cộng với tinh thần luôn phấn đấu, học hỏi, vươn lên trong khó khăn để làm giàu cho mình và xây dựng quê hương. Anh tâm sự: “Được về Thanh Hóa lần này để tham gia Festival cùng các bạn thanh niên nông thôn trong cả nước, bản thân tôi và mọi người đều mong muốn ngày càng có nhiều chủ nhân Giải thưởng Lương Định Của hơn nữa trong lực lượng thanh niên nông thôn, để khích lệ các phong trào hoạt động đoàn, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và đất nước” - anh Nghĩa nói.
Trong số 300 thanh niên nhận giải thưởng, 64 thanh niên có trình độ đại học và trên đại học; 39 người là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ nhiệm HTX; 47 gương mặt là thanh niên dân tộc thiểu số... Đặc biệt, có 17 thanh niên phát triển kinh tế đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.
|
Trong khuôn khổ chương trình, tối 24.11, T.Ư Đoàn tổ chức trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 7 cho 300 thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào hoạt động đoàn, hội ở địa phương và đơn vị.
Thế Lượng