Gà rừng, chim trĩ hiện được nuôi nhiều ở các địa phương và nhiều người đã thành công.
Khởi nghiệp từ việc đổi trứng gà
Một lần chúng tôi ghé thị xã Long Khánh rồi đi sâu vào ấp Núi Đỏ, giáp với cánh rừng cao su bạt ngàn, nơi đây tập trung nhiều quán ăn thu hút đông khách đến từ các tỉnh thành.
Cô chủ quán vui vẻ hướng dẫn chúng tôi ra phía bên hông quán đang nhốt mấy chuồng lớn gồm hàng trăm con gà rừng và chim trĩ. Chủ quán cho biết lấy gà rừng, chim trĩ từ các chủ nuôi ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom... thuộc tỉnh Đồng Nai.
Đến thị trấn Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai) hỏi nhà bà Đỗ Thị Xuân chuyên nuôi gà rừng và chim trĩ đỏ ai cũng biết.
Bởi gia đình bà đã sử dụng hơn 3.000m2 đất vườn làm trang trại nuôi hàng ngàn con gà rừng và hàng trăm con chim trĩ.
Bà Xuân cho biết từ nhiều năm trước gia đình bà sống trầy trật với nghề làm rẫy, nhưng từ khi chuyển qua nghề nuôi gà rừng thì cuộc sống gia đình trở nên dễ chịu.
Bà Xuân cầm con dao chặt trái dừa mà chồng bà vừa hái trên cây xuống rồi mời khách dùng.
Bà khoe: “Giống dừa này cho trái sai, nước ngọt, cơm ngon lắm. Chúng tôi trồng dừa để có trái bán, đồng thời tạo bóng mát cho đàn gà rừng nữa. Gà rừng sống trong rừng nên khi được đem về nuôi phải tạo bóng cây mát cho chúng”.
Nhìn đàn gà rừng đang lục lọi tìm thức ăn, bà Xuân cho biết cách đây khoảng bốn năm, khi thấy những người dân tộc thiểu số ở gần nhà thường vào rừng bẫy bắt gà rừng và nhặt trứng về ăn, vợ chồng bà đem trứng gà ta đổi cho họ để lấy trứng gà rừng về ấp nuôi thử xem được không.
Khi gà nở, vợ chồng bà nuôi theo phương thức giống như gà nhà, nhưng được một thời gian gà chết vì không thích nghi được.
Quyết không bỏ cuộc, vợ chồng bà Xuân vẫn tiếp tục đổi trứng về ấp nở, đồng thời chồng bà bắt đầu lên mạng tìm hiểu thông tin về loài gà rừng và môi trường chúng sống như thế nào để biết cách chăm sóc.
Từ đó vợ chồng bà mới biết rằng con gà rừng với bản chất sống trong môi trường thiên nhiên sạch sẽ quen rồi, nếu nuôi chúng giống như gà ta sẽ không phù hợp và gà sẽ lần lượt chết hết.
Hai vợ chồng bà bắt đầu làm theo hướng dẫn của tài liệu trên mạng Internet là thiết kế làm chuồng trại, thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ, ấm áp và sửa sang khuôn viên vườn sao cho gần giống môi trường thiên nhiên.
Vợ chồng bà trồng thêm nhiều loại cây ăn trái trong vườn như dừa, ổi, chôm chôm, sầu riêng, bưởi... vừa có trái để bán vừa phải tạo ra bóng mát cho gà rừng và chim trĩ cư trú.
|
Đàn gà rừng ở trang trại bà Xuân - Ảnh: T.H. |
Đến chim trĩ
Đặc biệt từ khi bắt tay vào nuôi gà rừng và chim trĩ trong vườn, vườn cây trồng của bà không hề phun bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật nào, mà chủ yếu bón vôi xung quanh gốc cây và treo bịch long não trên cành cây để ngăn ngừa kiến, sâu... gây hại cho cây.
“Chúng tôi làm như vậy để đàn gà được sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường tự nhiên trong lành. Chính phân của vật nuôi thải ra dưới những gốc cây càng làm tốt cho đất và tạo nguồn dinh dưỡng cho cây”, bà Xuân giải thích.
Theo bà Xuân, gà rừng khác gà ta ở nhiều chi tiết như: lông gà rừng có màu sắc rực rỡ hơn, đẹp hơn, chân màu đen, tích trắng, mồng lá nhỏ.
Gà rừng trưởng thành cân nặng khoảng 8 lạng nên dáng dấp thon gọn và nhanh nhẹn. Thức ăn cho chúng là cám công nghiệp lúc nhỏ, lớn lên chủ yếu là lúa, ngoài ra cho ăn thêm bắp, đậu xanh...
“Con gà rừng thường bị bệnh hô hấp vào mùa mưa nên chúng tôi thường ngăn ngừa bằng nhiều biện pháp: giữ gìn chuồng trại sạch sẽ, chích ngừa, cách ly con bệnh để khỏi bị lây lan. Nhờ nắm vững phương pháp chăm sóc nên đàn gà sinh sôi nẩy nở ngày càng nhiều hơn. Hai năm đầu gia đình tôi nuôi để nhân giống chứ không bán. Cho đến nay tổng đàn gà đã lên khoảng 1.000 con, trong đó có 200 con gà mái chuyên đẻ trứng”, bà Xuân cho biết thêm.
Ngoài ra, tại khu vườn nuôi gà của bà Xuân còn nuôi thêm chim trĩ đỏ. Trước đây bà đã không ngại khó lặn lội về miền Tây để mua được giống chim trĩ về nuôi.
Trước khi nuôi, vợ chồng bà đã tham khảo nghiên cứu tài liệu trên mạng về loài chim trĩ, nên lúc đưa chim về nuôi mọi việc đều diễn ra thuận tiện và chim ngày càng nhân giống một nhiều.
Theo bà Xuân, một con chim trĩ mái có thể đẻ 100 trứng/năm. Cho đến nay tổng đàn chim của nhà bà lên đến hàng ngàn con.
Làm chơi ai ngờ... có ăn thật
Ngay khi vợ chồng bà Xuân đi đổi những quả trứng gà thường để lấy trứng gà rừng về ấp, rồi đi mua giống chim trĩ về nuôi, vợ chồng bà Xuân cứ nghĩ là chỉ để nuôi chơi, giải trí chứ không nhằm đến mục đích kinh doanh.
Nhưng rồi đàn gà sinh nở mỗi lúc càng nhiều, cộng với may mắn của vợ chồng bà là đàn gà cứ vậy lớn lên chứ không bị dịch bệnh gì. Chỉ trong vòng hai năm sau, số gà rừng và chim trĩ đỏ của gia đình bà đã phát triển khá nhanh.
Từ đây, vợ chồng bà Xuân phải mở rộng luôn trang trại tại vườn nhà, làm thêm nhiều chuồng, vây lưới B40 để nhốt chúng và bắt đầu bán bớt.
Từ việc nuôi giải trí, giờ đây gia đình bà đã trở thành một địa chỉ chuyên cung cấp gà rừng giống, gà rừng thịt và chim trĩ đỏ cho nhiều người trong và ngoài tỉnh.
Theo bà Xuân, gà rừng nuôi khoảng sáu tháng là bán được. Gà bán để gây giống, chơi kiểng, và gà để đá thì giá trung bình 250.000 đồng/con, còn con nào tướng tá xấu thì bán thịt 200.000 đồng/con.
Tương tự, chim trĩ cũng nuôi trong vòng sáu tháng, mỗi con nặng khoảng 1,5kg đối với con trống (con mái nhẹ ký hơn). Nếu bán chim trĩ giống nuôi từ một đến hai tháng tuổi thì có giá từ 100.000 - 200.000 đồng/con, còn chim trĩ bán thịt từ 300.000 đồng/kg.
“Ngoài việc người dân biết tìm đến tham quan và mua trực tiếp chúng tôi còn đăng ký rao bán qua mạng nên không những khách hàng trong tỉnh mà cả ngoài TP.HCM, Hà Nội, Ninh Bình... cũng tìm đăng ký mua. Mỗi tháng chúng tôi xuất chuồng từ 150 - 200 con gà và thu 25-30 triệu đồng. Còn chim trĩ mỗi năm tôi bán và thu vào hơn 100 triệu đồng”, bà Xuân cho biết.
“Tiếng lành đồn xa”, người dân tìm đến trang trại của vợ chồng bà Xuân để mua gà rừng, chim trĩ ngày càng nhiều.
Không dừng lại, hướng sắp tới gia đình bà Xuân sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và tìm kiếm thêm những thị trường tiêu thụ lớn, ổn định để xây dựng một thương hiệu sản phẩm gà rừng, chim trĩ đỏ cho mình.
THANH HUY