Dưới đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp do anh Phạm Thanh Phương gửi về VnExpress.
Tôi ra trường năm 23 tuổi rồi đi làm kỹ sư thi công, giám sát công trình trong ngành xây dựng. Chỉ hai năm sau, tôi đã giữ vị trí giám đốc một công ty xây dựng quy mô nhỏ. Tôi liên tục mang về nhiều hợp đồng và được cấp xe đi giao dịch, được thưởng lớn sau mỗi dự án.
Tuy nhiên, vì là giám đốc làm “thuê” nên dù bản thân ra sức làm việc trên công trường lẫn trên bàn nhậu thì cuối cùng tôi vẫn bị sa thải sau khi ông chủ bỏ cơ quan Nhà nước về trực tiếp quản lý công ty.
Năm 27 tuổi, với số vốn dành dụm hơn nửa tỷ đồng, tôi quyết định mở công ty riêng cũng trong lĩnh vực xây dựng và tiếp tục làm giám đốc. Được 9 tháng, công ty vỡ nợ do đối tác chỉ thanh toán 30% hợp đồng, khi công trình hoàn tất không chịu thanh toán tiếp. Trong 9 tháng đó, để có tiền trả lương 2 kỹ sư đứng công trình, một kế toán, tiền công của đội thợ hồ, tiền vật liệu..., tôi đã vay mượn khắp nơi và nợ gần 300 triệu đồng.
Một năm sau đó, tôi tiếp tục mượn vài chục triệu và hợp tác với một người chị mở nhà hàng hải sản tươi sống ở vị trí trung tâm thành phố. Bên cạnh việc mở quán, tôi vẫn đi làm kỹ sư giám sát công trình. Do công việc chính có giờ giấc tự do nên lúc rảnh rỗi tôi trực ở quán, đi từng bàn giao lưu với khách.
Do chịu khó lựa từng con tôm, con cá từ lúc 5h sáng chở về quán, nên lợi nhuận mỗi tháng cũng đạt dăm ba chục triệu đồng. Thế nhưng, kết quả cuối cùng là vẫn phải sang quán lại cho người khác do việc quản lý thu-chi của chúng tôi không hiệu quả, để xảy ra tình trạng đầu bếp ăn bớt tiền đi chợ, nhân viên thụt két... Tuy nhiên, đến thời điểm này tôi đã trả được một nửa số nợ vay thời mở công ty riêng.
Đến năm 30 tuổi, với niềm đam mê các sản phẩm home decor - đồ trang trí nội thất, tôi xin nghỉ việc và quyết định khởi nghiệp lại với số vốn 15 triệu đồng.
Nhận thấy các loại kệ gỗ treo tường là mặt hàng trang trí tiện dụng, thẩm mỹ, kiểu mẫu đa dạng như: kệ tổ ong, kệ chữ thăng, kệ dấu ngã, kệ hình cây, kệ các ô vuông/ô chữ nhật... phù hợp cho những không gian nhỏ hẹp lẫn biệt thự, tôi bắt tay vào kinh doanh
Khảo sát mặt hàng trên tại thành phố đang sống, tôi thấy ở Đà Nẵng chưa ai kinh doanh mặt hàng này. Ngoài ra, hai đầu đất nước là Hà Nội và TP HCM thì đa phần là kệ nhập của Trung Quốc, tuy mẫu mã đẹp nhưng chất liệu xốp, nhẹ, dễ nứt gãy. Thế là tôi quyết định tự gia công và chọn thương hiệu "Kệ gỗ trang trí Đà Nẵng" cho sản phẩm của mình.
Trước tiên, tôi lập trang fanpage thăm dò nhu cầu khách hàng, sau đó bắt tay vào nghiên cứu mẫu mã, đặt hàng sản xuất thử, cho đến khi ra được những sản phẩm như ý sau 2 tháng. Sở dĩ mất 2 tháng là do xưởng mộc đầu tiên tôi đặt hàng, họ làm ẩu và nước sơn quá kém. Tôi đặt hàng và trả tiền cho gỗ loại một nhưng họ lại làm gỗ rẻ tiền, rồi sơn qua loa trong khi mặt hàng trang trí thì thẩm mỹ và nước sơn là tiêu chí hàng đầu. Sau đó tôi tìm xưởng khác gia công hàng thì ưng ý hoàn toàn.
Tiếp theo, tôi bắt đầu nghiên cứu việc đưa sản phẩm đến khách hàng, không gì tốt hơn là qua kênh thương mại điện tử: facebook, các trang rao vặt, các forum, diễn đàn online... Chưa vội mở cửa hàng, tôi tập trung bán online qua trang fanpage, website và chỉ thuê một nhân viên lắp đặt bán thời gian - lắp bộ kệ nào thì được hưởng tiền công lắp bộ đó. Cùng với việc trực tiếp đi tư vấn tại nhà khách hàng bằng catalogue, tôi bám sát việc làm hàng ở xưởng thường xuyên để kệ làm ra được bóng bảy, không sai sót. Bên cạnh đó, tôi còn tự mình lắp từng cái kệ, lắp xong lau bụi, phun bóng, vệ sinh từng cái và ghi nhận các góp ý của khách hàng.
Sau một thời gian ngắn, tôi liên tục nhận được phản hồi tốt của khách. Các thông tin đó, tôi chia sẻ trên trang bán hàng và ngày càng có thêm nhiều hợp đồng, đơn hàng online. Thời gian đầu, trung bình một tháng cửa hàng của tôi bán được 12 -15 bộ, qua tháng thứ ba thì doanh số tăng gấp 3 lần và đến nay thì tương đối ổn định với doanh thu từ 40 đến 50 triệu mỗi tháng.
Tuy con số trên không là gì so với doanh thu và lợi nhuận của các cửa hàng, công ty lớn khác, nhưng nó lại có ý nghĩa với riêng tôi bởi bản thân đã vượt qua mặc cảm thất bại và sự lo ngại về rủi ro khi quyết định đầu tư, kinh doanh vào một lĩnh vực mới mẻ.
Hiện giờ tôi đã bước qua tuổi 32 và muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, nếu ấp ủ làm giàu và thất bại thì hãy mạnh dạn làm lại, bởi khát khao làm giàu là chính đáng và nếu bạn mạnh dạn làm thì bạn sẽ thành công, chỉ là sớm hay muộn. Các bạn hãy luôn nhớ một điều rằng: "không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách" (tên cuốn tự truyện nổi tiếng của Chủ tịch Tập đoàn Hyundai).
Ngoài ra, tôi muốn khuyên các bạn khi mới làm ông chủ, hãy tự tay làm mọi việc. Có tự làm thì bạn mới có thể lắng nghe khách hàng và hiểu rõ nhất sản phẩm, dịch vụ, hoạt động kinh doanh của mình và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách.
Hơn nữa, các bạn cần phải hiểu, ý nghĩa thật sự của sự thành công và giàu có không phải ở túi tiền hoặc tài sản bạn đang có mà là niềm vui sống, sự đam mê cuộc sống của bạn mỗi ngày.
Phạm Thanh Phương