Khởi nghiệp từ năm 2005, đến năm 2009, vợ chồng anh Nguyễn Văn Viễn (Tổ 5, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) đã có thể xây nhà biệt thự. Đến nay, gia đình anh không chỉ mở rộng diện tích, quy mô trang trại của gia đình mình mà còn có thêm vốn để giúp đỡ anh em làm trang trại. Ít ai ngờ, cơ ngơi ấy của anh chị chỉ từ nuôi gà quy mô trang trại mà ra.
Quyết tâm “làm liều”
Trước năm 2005, Anh Viễn làm nghề sửa xe máy, vợ anh bán rau dạo khắp các con đường to, nhỏ ở Hà Đông. Đôi vợ chồng trẻ với hai đứa con nhỏ lại thêm bố mẹ đã già yếu nên dù làm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Được người chị gái ruột mách cho là ở nhiều nơi người ta chăn nuôi trang trại “trúng lắm” nên vợ anh Viễn quyết tâm thuyết phục chồng xây trang trại nuôi gà.
Những tưởng chồng không đồng ý, chị vợ rất lo lắng nhưng anh lại vừa nói vừa cười với chị: “Thì em cứ làm đi, có anh cỗ vũ”. Được chồng đồng thuận, chị lại càng quyết tâm. Ban đầu anh chị gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn. Để xây dựng trang trai theo tiêu chuẩn, số vốn bỏ ra không hề nhỏ. Đặc biệt, ở thời điểm những năm 2005 thì con số 500 triệu đồng là cả một gia tài đối với vợ chồng anh nông dân nghèo. Hai bàn tay trắng, kinh nghiệm chưa có anh chị bị sự phản đối kịch liệt của bố mẹ và bà con họ hàng. Ai cũng lo anh chị làm ăn vỡ nợ nên chẳng dám cho vay mượn.
Giờ ngồi nhắc lại, chị tin khi đó vận may đã thực sự đến với anh chị. Khi cô em chồng được đền bù giải tỏa mặt bằng nên đã có chút vốn và đồng ý cho anh chị vay. Cầm số tiền quá lớn trong tay, anh chị lo đến mất ăn mất ngủ, chị đã xác định rõ: “Mình mong muốn làm giàu từ sức lao động chân chính chứ mình không vay tiền để đánh bạc hay buôn lậu. Nếu trời không thương cho mình thành công thì mình cũng không có gì phải xấu hổ với bố mẹ, anh em.”
Có vốn, anh chị bắt đầu tham khảo mô hình trang trại nuôi gà công nghiệp của những hộ đã thành công, nhận gà giống từ công ty và chăm nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Cứ khoảng từ 45 đến 60 ngày sau khi giao gà giống, công ty sẽ nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà thịt của trang trại.
Nuôi gà muốn thành công cũng phải chăm chỉ, say mê
Trang trại của anh Viễn mỗi lứa nuôi trên 3 vạn gà, chi phí bỏ ra cho đến khi xuất chuồng cũng lên tới mấy trăm triệu. Con gà trắng rất dễ bị bệnh nên anh chị phải theo dõi rất kỹ và tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật về tiêm chủng, thức ăn cho đến vệ sinh chuồng trại.
Chuồng nuôi gà trắng theo quy chuẩn là 7con/m2, tỉ lệ máng ăn khoảng 20 con/máng. Nhiệt độ chuồng nuôi luôn đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con gà. Theo anh Viễn, việc quan trọng nhất là phải cho con gà uống đầy đủ thuốc và và tiêm chủng vacxin đúng thời hạn, thường xuyên quan sát xem con gà có dấu hiệu bị bệnh hay không để nhanh chóng kịp thời khắc phục.
Hiện gia đình anh đang nuôi trên 3 vạn gà.
Anh Viễn cũng cho biết, kiếm được đồng tiền từ nuôi gà không phải dễ. Để đảm bảo công việc của trang trại, ngoài hai vợ chồng, anh chị phải thuê thêm từ 5 đến 6 người làm để chắc chắn gà được theo dõi và chăm sóc kỹ lưỡng. Bản thân anh Viễn phải trực ở trang trại 24/24 giờ mỗi ngày.
Mong muốn và trăn trở của người chăn nuôi
Anh Viễn cho biết, nuôi gà lỗ hay lãi phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ rất nhiều. Dù đã được công ty thực phẩm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhưng việc tiêu thụ đó cũng phụ thuộc nhu cầu thị trường. Có những khoảng thời gian, nhu cầu mua thịt gà giảm sút, công ty buộc trang trại phải nuôi thêm chục ngày thậm chí là nửa tháng mới được xuất. Cả chục ngàn con gà ăn trong nửa tháng tiêu tốn biết bao nhiêu chi phí nhưng chủ trang trại vẫn buộc phải chịu.
Một trong những lí do dẫn đến thị trường gia cầm trong nước giảm sức mua chính là gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào thị trường nội địa với số lượng lớn và giá thành rất rẻ. Nguồn gà nhập lậu này khiến nông dân nuôi gà thịt trong nước thường xuyên phải đối mặt với rủi ro về đầu ra cho sản phẩm. Bởi vậy anh Viễn rất mong muốn các cơ quan trong ngành quan tâm đến vấn đề này, ngăn cấm nhập lậu gà để người nông dân trong nước có cơ hội được phát triển nhiều hơn nữa.
Hồng Liên