Nhưng thú thực, nếu ta để ý một chút thôi, chắc chắn sẽ nhìn ra, nhận ra cái vẻ đẹp tiềm ẩn đó. Những cụm núi đá chen nhau lấp lánh in hình trên mặt nước xanh thẫm. Nếu quan sát gần từ góc nhìn phía Lán Bè, phía Bến Đoan, phía Bãi Cháy ta sẽ thấy những đảo đá như được tạc trên nền gam trầm nhiều sắc màu biến hoá. Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyên Ngọc đã gói gọn Hạ Long trong mấy chữ: "Đá và nước tạo nên Hạ Long huyền ảo".
Nếu quan sát từ xa theo những vệt sóng phía đuôi tàu, ta sẽ thấy những ngọn núi đá vút cao, hãy ngắm ngọn núi có vòm cửa hang Sửng Sốt như một cánh buồm no gió đang vươn cao, ở một góc nghiêng khác, ta lại nhìn thấy đó là một con ó khổng lồ đang vươn cao cái mỏ ghếch lên như đo xem trời biển cao thấp.
Hang Đầu Gỗ như một cái hàm Sư tử cực lớn, mà bờm râu của nó đang ung dung thả xuống sóng nước Hạ Long, thân nó đang tự tại khổng lồ vùng vẫy và ẩn chứa một kỳ quan trong lòng có tên động Thiên Cung. Nối tiếp và nối tiếp những tầng tầng, lớp lớp đá xếp, đá tạo vòm hang, đá tạo hang động, đá tạo ra... kỳ quan. Và nước, nếu không có làn nước trong xanh, nếu thiếu đi làn nước này đá biết cô đơn nhường nào. Vì thế hãy gõ vào đá để ta cảm nhận đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn về kiệt tác thiên nhiên trao cho ta này.
Ở trạng thái này, ta ngắm cặp Gà Chọi, nhưng ta ngắm ở vị trí khác nó lại biến hoá thành một khối đá nhìn như một bàn tay xoè ra giữa vịnh biển như thể đôi bàn tay của tiên nữ khum vào xoè ra. Nếu bạn từng đi hết những vùng biển lặng của vịnh Hạ Long, bạn hoàn toàn có những giây phút, những góc nhìn về các hòn núi đá mọc loang giữa biển với nhiều tâm thế khác nhau, hỉ, nộ, ái, ố.
Một không gian lạ lùng và kỳ ảo như đời sống con người vậy, hãy ngắm hòn núi có tên hòn Ông cụ hay còn gọi là hòn Mồ côi, hòn Bướm hay hòn Cánh quạt - Cánh buồm; hòn Đũa hay hòn Cây, bởi trông nó hệt như một cái đũa mà lại như một cái cây đá hẳn hoi. Bạn đã ngắm những hòn núi đá vô tri và tự đặt tên cho nó như người dân làng chài Hạ Long đặt cho nó từ triệu năm rồi.
Nào, ta hãy gọi tên từng đảo nhỏ, từng vồng rong rêu của Hạ Long để bạn bè cùng chiêm ngưỡng. Những hòn đảo được gắn những cái tên dung dị sẽ đi tiếp vào bài thơ lớn mang tên Hạ Long. Một dáng hình tựa như tiên ông, tựa như dáng Rồng, tựa như dáng cha ta, ông ta đang trầm tư với sóng nước Hạ Long, đó là hòn Đầu người, đó là Hòn Rồng, là lão Ngư, là Lã Vọng, đó là... chao ôi là những thạch kỳ dị ảo. Bất chợt ta sửng sốt hình đá Mặt người, ghé nghiêng một góc nhỏ lại như một gương Mặt sư tử khổng lồ, đang hướng về phía những Cánh buồm đá phất phơ trên vịnh biển - hòn Bướm.
Với hàng ngàn đảo đá, nếu có cuộc thi đặt tên cho chúng, chắc khó mà đặt lại tên cho những hòn, những trái núi đá như hình ảnh chúng tạo ra cho nhãn quan chúng ta những hình ảnh khác với cái tên mỹ miều khác, bởi vì chúng là đời sống cư dân biển Hạ Long, là những hình ảnh đã gắn với con dân đất Việt từ lâu rồi, giản dị mà rất đỗi thân thương cả triệu năm rồi. Hòn Trống Mái hay hòn Gà Chọi là một, hòn Chó Đá, hòn Con Cóc, hòn Ông Sư, hòn Mâm Xôi, hòn Lư Hương, hòn Đũa, hòn Ngón tay hay hòn Bút; hòn Ba trái đào hay hòn Ba ông đồ rau; hòn Đầu mối; hòn Đầu bê... cho đến động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Trinh Nữ...
Chao ôi một thế giới đá và nước đến mê hoặc lòng ta, những hình ảnh đó đã và còn theo ta suốt hành trình của cuộc sống. Không khác được khi ta định danh nó khác đi. Bởi vì đó mới là Hạ Long, mới là cái riêng biệt mà riêng ta có được. Một thực thể sống động hiện hữu giữa trời đất, chứ không phải là một thứ dễ dàng tạo ra bằng những công nghệ hiện thời hiện đại. Và, bạn hãy gõ vào đá để cảm nhận đầy đủ về Hạ Long kiệt tác...
Vũ Thảo Ngọc