Không cố đi nếu ngập quá 25 cm
Theo các chuyên gia an toàn của Ford Việt Nam, cần hạn chế tối đa đi vào những đoạn đường ngập, và không cố vào đoạn ngập lụt khi mực nước ngập bánh xe quá 25cm.
Đặc biệt chú ý khi có xe chạy cùng chiều, bởi chúng có thể tạo nên những làn sóng nước dâng cao và tràn vào cổ hút gió, vào lọc gió, đi qua cổ nạp, xú-páp, vào động cơ, gây ra hiện tượng thủy kích làm cong tay biên, có thể sẽ gãy tay biên và phá hủy động cơ.
Khi xe vào đường ngập nước và đột ngột chết máy, tuyệt đối không được khởi động lại động cơ vì máy sẽ không thể khởi động lại được nữa, mà sẽ làm cong tay biên, vỡ thành máy… Cách tốt nhất lúc này là tắt ngay khóa điện và gọi ngay tới các trung tâm cứu hộ, dịch vụ sửa chữa lưu động của các hãng xe… để được trợ giúp.
Lưu ý, khi xe chết máy bạn muốn bước ra ngoài, hãy quan sát xem mực nước có vượt qua cánh cửa hay chưa, nếu cao hơn thì tuyệt đối không mở cửa, vì nước sẽ tràn vào bên trong, làm hư các hệ thống điện tử, các chất liệu nội thất như: nỉ, da, gỗ…”
Ngoài ra, khi lái xe vượt qua vùng ngập nước, bạn nên tắt toàn bộ các thiết bị phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, âm thanh, hình ảnh… để giảm tải cho động cơ.
Đi số thấp, tốc độ vòng tua cao
Đối với xe số sàn, thao tác đầu tiên khi xe vượt qua vùng ngập nước là chuyển sang các số thấp (số 1 hoặc 2), đạp chân ga mạnh hơn bình thường trong khoảng 1/2 – 1/3 hành trình chân ga (hoặc tốc độ vòng tua máy hiển thị trên đồng hồ ở mức trên 2000 vòng/phút).
Với những xe số tự động có chức năng đi số sàn như: Toyota Camry, Altis, Ford Mondeo, Mercedes Benz C.Class, E.Class, S.Class, BMW serie 3, 5, 7… thì bạn hãy gạt cần số về phía bên trái để chuyển sang chế độ lái số tay, tùy thuộc vào mực nước nông hay sâu rồi chọn số 1 hoặc 2; còn với những xe số tự động có ký hiệu chế độ số sàn trên cần số là D1, D2, D3 như: Kia Morning, Hyundai Getz 1.4L, Ford Everest… thì bạn nhanh chóng chuyển số về D1 để vượt qua vùng ngập lụt…
|
Nếu xe bị chết máy vì ngập nước, tuyệt đối không khởi động lại vì sẽ gây hiện tượng thuỷ kích, phá hỏng động cơ. Cần tắt máy, đẩy xe lên vùng khô hơn và gọi cứu hộ. ảnh AN
|
Ông Hà Quốc Huy - Giám đốc chi nhánh miền Bắc, Công ty BMW Euro Auto (Nhà phân phối xe BMW tại Việt Nam) cho biết: “Nhiều lái xe cho rằng cách an toàn khi vượt qua vùng ngập nước là đạp mạnh chân ga hết cỡ để xe khỏe và thốc nhanh hơn. Nhưng trên thực tế, giải pháp hoàn toàn sai lầm, bởi khi tăng ga quá mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút.
Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, và khi gặp nước tràn vào sẽ làm hiện tượng thủy kích mạnh hơn, dẫn tới cong tay biên nhanh hơn... Do đó, nguyên tắc chung khi lái xe qua vùng ngập nước của mọi loại xe là giữ tốc độ vòng tua máy cao (hoặc 2/3 hành trình chân ga) để tạo hơi thoát ra mạnh hơn từ ống xả, tránh nước lọt vào máy từ đường này…”
Khắc phục sự cố
Cũng theo ông Hà Quốc Huy, sau khi lái xe qua vùng ngập nước (kể cả xe không bị chết máy) bạn cũng nên mang xe tới các gara để kiểm tra, bảo dưỡng. Trong trường hợp nước tràn vào xe, ngoài việc kiểm tra và sửa chữa động cơ, hệ thống gió, điện… còn phải làm sạch và sấy khô các chi tiết nội thất như: mút cách âm, ống dẫn khí điều hòa thổi chân, hệ thống điện điều khiển ghế, sưởi ghế, lỗ sạc điện và hệ thống dây dẫn điện điều khiển toàn bộ đèn ở đuôi xe…
Ngoài ra, thảm lót sàn, nỉ trải sàn, mút cách âm cũng cần được phơi khô hoặc thay mới nếu chúng bị ngâm nước quá lâu. Kiểm tra và sấy khô các giắc cắm, mối chuyển điện, các đầu tiếp xúc kim loại… để tránh hiện tượng han gỉ làm ảnh hưởng đến khả năng truyền điện, cháy chập cầu chì gây hỏng hóc lan truyền sang các thiết bị khác trên xe…
Quỳnh Trang - Anh Nhi