Nghe nói tàu của nhà nước không cho đặt vé trước, lúc nào đi thì mua vé rồi đi luôn. Chưa đến 4 giờ sáng, tôi đã thức dậy, quảy ba lô xuống tiếp tân trả phòng. Thì ra tôi là người dậy sớm nhất, sau đó lần lượt những du khách khác bắt đầu xuất hiện. Thấy hai người đến từ Israel bước ra sân cùng ba lô lỉnh kỉnh, tôi đoán rằng họ cũng muốn đón taxi ra bến tàu nên bắt chuyện và gợi ý chia tiền taxi. Họ đồng ý và chúng tôi chờ thêm một người nữa để chia taxi, bởi vì một chiếc taxi “blue-cab” cho 4 người là 4.000 kyat.
Lát sau, anh chàng người Bỉ mà tôi gặp hôm trước xuất hiện. Anh ta định đi bằng xe Honda ôm nhưng khi tôi nói chúng tôi cần thêm một người để chia tiền taxi thì anh ta đồng ý. Thế là chúng tôi lên đường. Từ Royal Guesthouse đến bến tàu, mỗi người trả một ngàn kyat.
Ở bến tàu, người dân Myanmar và du khách chen mua vé. Có hai cửa bán vé, chúng tôi vào xếp hàng một lát mới biết rằng du khách có thể đi thẳng vào bên trong mua vé chứ không mua cùng ô cửa với người địa phương. Tôi đưa hộ chiếu và 10 đô la nhờ anh chàng Bỉ mua giùm. Anh ta nói, người bán vé phải rất vất vả đề tìm tên quốc gia của tôi. Tôi hơi ngạc nhiên bởi vì chữ Việt Nam được viết rất rõ ràng và hộ chiếu của tôi cũng có cùng kiểu với hộ chiếu của các nước khác.
Mua vé xong, chúng tôi xuống tàu. Thật ra, phải gọi đó là chiếc phà mới đúng. Nó có hai tầng. Tầng dưới chất đầy hàng hoá và cũng có nhiều người ngồi bệt trên sàn, trông khá nhếch nhác và ẩm ướt. Tôi đoán, chắc ở đây giá vé thấp hơn. Tầng trên thoáng mát và sạch sẽ hơn, là nơi du khách nước ngoài ngồi. Khách nước ngoài có một khu riêng và có ghế nhựa để ngồi. Người địa phương thì trải giấy báo ra ngồi bệt xuống sàn.
Tàu nhổ neo lúc 5giờ40 sáng và dự kiến sẽ đến Bagan vào khoảng 7 giờ tối. Thế là chúng tôi có dịp ngắm bình minh và hoàng hôn trên sông này trong cùng một ngày rồi. Khi mặt trời lên, mọi người tranh thủ chụp hình và sau đó ngồi nắm cảnh. Phong cảnh dọc bờ sông khá đẹp. Bên phía tôi ngồi là cảnh thiên nhiên. Bên phiá kia là cảnh nhà cửa, chùa chiền xen nhau. Myanmar quả không hổ danh là một xứ sở của chùa chiền. Cứ thấy mái chóp nhọn nhô cao hơn xung quanh một chút thì bạn có thể tin chắc rằng đấy là một ngôi chùa.
Khoảng hai tiếng đầu, tôi thấy hào hứng vì cảnh đẹp và lạ, những ngôi chùa và phong cảnh thiên nhiên hoà vào nhau vào trông rất đẹp; nhưng mãi rồi cũng thấy chán vì gần như suốt ngày chỉ thấy hình ảnh đó lập lại dọc hai bên bờ sông.
Tuy nhiên, thật sự chúng tôi cũng không được thảnh thơi lâu bởi vì mỗi khi phà dừng lại ở bến tàu nào thì đội quân bán hàng rong quây quanh chúng tôi mời mua hàng. Họ nói thách giá khá cao nên tôi luôn trả giá xuống một nửa. Ở đây họ bán samosa của Ấn độ, bánh bao, bánh ngọt, đu đủ, dưa hấu gọt sẵn, đặc biệt là chuối già. Họ đội cả nải chuối lên đầu để rảnh đôi tay bám leo lên phà bán hàng.
Tôi mua được một nải chuối giá 500 kyat của một người rao giá bán là 2.000 kyat. Thế là có thức ăn cho bữa trưa rồi. Anh chàng người Bỉ ngồi kế bên tôi đã thủ sẳn vài cái bánh ngọt rồi nên tỏ ra thờ ơ, chẳng muốn mua gì.
Mỗi khi phà cập bến, những hành khách người Myanmar thường có người thân ra đón. Họ dùng xe bò để chở hàng hóa hoặc hành lý cồng kềnh. Đám du khách lại đổ xô ra xem và chụp hình. Đến trưa, trời hơi nóng và hành khách đều mệt mỏi và buồn ngủ vì phải dậy sớm. Có một khoảng mặt sàn được trải chiếu và trở thành chỗ ngủ chung cho nhóm du khách nước ngoài thay phiên nhau nằm chợp mắt tí chút.
|
Ở các bến phà, hàng rong buôn bán rất nhộn nhịp. Hàng hóa đóng sẵn xếp trên bờ sẵn sàng chờ phà cập vào chở đi. |
Khi tàu gần đến Bagan thì có một đội quân bán những tấm drap trải giường may tay theo kiểu truyền thống Myanmar (tôi thấy rất giống thổ cẩm Việt Nam). Họ chào giá mỗi tấm là 7.000 kyat nhưng có vẻ chẳng ai quan tâm. Thế là họ gợi ý chúng tôi đổi quần áo, son phấn, dầu gội đầu, nước hoa... và bù thêm ít tiền để lấy tấm thổ cẩm. Anh chàng Miguel người Tây Ban Nha vừa lôi ra một cái áo thun trắng là một chị bán hàng nhanh tay cầm lấy và bảo anh ta đưa thêm 3.000 kyat nữa. Nhưng Miguel chỉ đồng ý trả thêm cho chị ta 2.000 kyat và cuối cùng anh ta có được tấm thổ cẩm.
Một cô bé bán hàng xinh xắn nài nỉ tôi mua và đổi đồ. Tôi chẳng có gì để đổi bởi vì phần lớn hành lý đã để lại Yangon. Tôi chỉ mang theo chiếc balô nhỏ. Tôi móc ra thỏi son liplip và bôi lên môi cô ta thử, cô ta thích lắm và đề nghị tôi đổi thỏi son cùng một ít tiền để lấy tấm thổ cẩm. Tôi không đồng ý bởi vì ba lô tôi chẳng còn chỗ nào để nhét vào. Thế là cô bé bắt đầu hạ giá từ 7.000 kyat xuống 5.000, rồi xuống 4.000 ... rồi 3.500 kyat. Vậy là tôi đoán tấm thổ cẩm chỉ có giá khoảng 2.500 đến 3.000 kyat thôi.
Khoảng 7 giờ tối, chiếc phà cập bến Bagan. Innwa guesthouse có xe đưa đón khách miễn phí (từ bến phà vào trung tâm Nyang U chỉ khoảng một cây số). Tuy nhiên, theo sách Lonely Planet thì giá phòng ở đây khá rẻ nên tôi và anh chàng người Bỉ cũng leo lên xe đi cùng những người Tây Ban Nha đến nhà khách này.
Nhưng khi đến nơi mới biết giá phòng mắc hơn so với thông tin của cuốn Lonely Planet. Chúng tôi không đồng ý, cùng vác ba lô lên vai quay trở ra. Tôi và một cô gái Tây Ban nha ngồi giữ hành lý, ba anh chàng Tây Ban Nha cùng anh chàng Bỉ đi quanh đó tìm chỗ trọ khác. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi ở vừa ý, giá cả chấp nhận được là 8 đô la Mỹ cho phòng đôi và 5 đô la cho phòng đơn; các phòng đều có máy lạnh và toa lét, nhà tắm bên trong.
Nguyễn Đức Quỳnh Dung