Không chỉ sở hữu một cảnh quan thiên nhiên độc đáo, di sản thiên nhiên thế giới Thạch Lâm tỉnh Vân Nam, Trung Quốc còn có vị trí địa lý thuận tiện, chỉ cách thủ phủ Côn Minh một giờ xe buýt. Mặc dù hơi e ngại khi nghe nói về mật độ du khách dày đặc ở đây, nhưng danh hiệu “thiên hạ đệ nhất kỳ quan” của Thạch Lâm cuối cùng cũng thuyết phục được chúng tôi mua vé và leo lên chiếc xe buýt màu trắng vào một buổi sáng đẹp trời.
Đúng như dự đoán, mặc dù không phải ngày cuối tuần, vẫn có rất nhiều người tới thăm khu thắng cảnh lừng danh này. Đón khách ở cổng là các cô hướng dẫn viên xinh đẹp trong trang phục rực rỡ của dân tộc Di trong vùng. Đa phần các đoàn khách được hướng dẫn đi theo một lộ trình cố định vào khu vực đã được cải tạo thành công viên với bãi cỏ cắt tỉa gọn gàng và các tiểu cảnh nhân tạo.
|
Các cô gái hướng dẫn người Di trong khu di sản Thạch Lâm
|
Sau khi lướt qua khu vực này, chúng tôi quyết định rời các đường lớn ồn ào tấp nập, rẽ vào những con đường nhỏ vắng vẻ nhưng lại mở ra khung cảnh hoàn toàn khác lạ. Tới đây, chúng tôi mới hiểu tại sao khu danh thắng này mang tên Thạch Lâm, nghĩa là “rừng đá”. Các “cây” đá khi thì đứng một mình, lúc lại liên kết với nhau tạo thành hàng “cây” đá giăng giăng. “Cây” thấp, “cây” cao, lớp này tới lớp khác, rừng đá tuần tự và gọn gàng như được ai cần mẫn xếp.
|
Đá xếp lớp trải dài đến chân trời
|
Theo các nhà địa chất, rừng đá này được hình thành từ 270 triệu năm trước, khi cả khu vực này còn là một vùng mênh mông biển cả. Núi đã nâng lên hay biển cạn dần để tạo nên rừng đá? Câu trả lời chính xác vẫn còn bỏ ngỏ. Chỉ biết, thiên nhiên đã tạo ra một cảnh quan kỳ vĩ khiến cho con người trầm trồ thán phục. Đá ở đây có đủ hình dạng… duyên dáng e ấp như bông hoa sen, hùng dũng như sư tử đá trước các ngôi đền cổ, hay nhọn hoắc hướng thẳng lên trời như mũi kiếm. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hòn đá Asima, mang hình cô gái đeo gùi sau lưng, gợi nhớ truyền thuyết về mối tình buồn của Asima, cô gái người Di không lấy được người mình yêu, đau buồn hóa thành đá.
|
Một hòn đá mang hình thù kỳ lạ
|
Đường đi càng lúc càng hẹp, hai bên là những vách đá thẳng đứng. Có đoạn chúng tôi phải nghiêng người lách qua. Mải mê ngắm cảnh, tôi không để ý là đã đi rất sâu vào rừng đá và từ lâu không còn bóng người. Tôi bàn với bạn đồng hành tìm đường quay ra, nhưng khu vực này lại rất khó định hướng, xung quanh toàn là đá, cũng không hề có các bảng chỉ đường. Chúng tôi loay hoay quay đi quay lại mấy lần, vẫn trở về cùng một vị trí.
|
Du khách dễ bị lạc trong những lối nhỏ của “mê cung” đá
|
Lúc đó, tôi mới hiểu tại sao các trạm điện thoại ở bên đường chỉ có một nút đỏ duy nhất để cho du khách đi lạc nhấn nút cứu hộ. Chúng tôi đang bối rối thì chợt thấy hai khách du lịch Trung Quốc đi ngang qua. Tôi vội vã kéo tay bạn đồng hành đuổi theo và thoát ra được khỏi “mê cung” đá. Mặc dù bị một phen hú vía, những phút “lạc rừng” hồi hộp giờ đây lại trở thành kỷ niệm thú vị, làm đậm nét thêm ấn tượng của chúng tôi về Thạch Lâm, một kỳ quan sáng tạo của thiên nhiên.
Hạnh Liên