Sức hút của nghề
Xã Tam Hải hiện có hơn 200 hộ ngư dân theo nghề lặn tôm nhí, tập trung chủ yếu ở thôn Thuận An. Từ đầu năm đến nay, nghề lặn tôm nhí trên địa bàn xã đảo đã đem về tổng doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi hộ thu đạt 20 triệu đồng. Trong đó có nhiều hộ ở thôn Thuận An trúng đậm như ông Đào Duy Thoại đạt 80 triệu đồng, Bạch Ngọc Một thu về 70 triệu đồng, Huỳnh Đức Vĩnh kiếm được 60 triệu đồng và một số hộ thu đạt 50 triệu đồng...
Nghề lặn tôm nhí ít tốn kém về chi phí đầu tư. Chỉ cần một thuyền nhỏ công suất máy từ 30 - 40 CV với 2 đến 3 ngư dân lặn tôm và một người phục vụ, điều khiển máy nổ trên thuyền là đủ. Ở Tam Hải, ngư dân lặn tôm nhí thường hoạt động tại khu vực gần bờ như vùng biển hàng Dứa. Người lặn tôm nhí đeo kính, mang theo dây thở dẫn từ bình ô-xy đặt trên thuyền và lặn ở độ sâu 7 - 8m. Khi phát hiện tôm nhí, họ lấy cây sắt mang theo để chặn bắt. Thợ lặn có thể ở dưới nước hàng giờ, có khi cả buổi, đến giờ ăn cơm họ mới trồi lên thuyền dùng bữa rồi tiếp tục lặn. Thời gian lặn tôm nhí chủ yếu vào ban ngày và chỉ giới hạn từ tháng 1 - 3 hằng năm. Vì từ tháng 4 trở đi là mùa sinh sản của tôm hùm, Nhà nước cấm ngư dân khai thác.
Tôm nhí thường ở trong hang đá, rạn biển. Nó rất nhỏ, chỉ cỡ cộng tăm hương nên rất khó nhận biết, thợ lặn quen và rất tinh mắt mới nhận ra. Tôm nhí lặn được đem về có ngay chủ nậu mua với giá 250 nghìn đồng/con. Sau đó chủ nậu đem tôm nhí bán tại tỉnh Bình Thuận. Ở đây, người ta nuôi khoảng chừng 11 tháng là thành tôm hùm nặng cỡ 1kg, bán với giá mỗi con lên đến 1, 3 triệu đồng...
Dù so với giá thành phẩm là quá rẻ nhưng ngưòi lặn tôm nhí Tam Hải chỉ cần được 4 con tôm trong ngày là nắm được bạc triệu nên họ vẫn vui với thành quả của mình...
Đối mặt với hiểm nguy...
Nghề lặn tôm nhí hái ra tiền lại đầu tư ít vốn nhưng người hành nghề phải là những tay gan dạ, có bản lĩnh, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy. Để lặn được tôm nhí, họ phải xuống độ sâu hàng chục mét. Thợ lặn mang theo bình ôxy để thở nhưng thấy không an toàn, gần đây họ mang dây thở nối trực tiếp với máy cung cấp ôxy để trên thuyền. Cách này an toàn hơn nhưng những sự cố xảy ra không phải là hiếm. Ở Tam Hải đã có gần chục ngư dân bị chết hoặc tàn phế do hành nghề lặn tôm nhí. Gần đây có trường hợp ông Bạch Bá Cầu bị tê liệt rồi chết ở tuổi 40. Một số ngư dân khác bị chết dưới đáy biển do dây thở bị trục trặc hoặc do co giật, nhồi máu cơ tim... trong lúc lặn. Thực tế cho thấy, lặn tôm nhí ở độ sâu suốt hàng giờ trong môi trường áp suất cao của nước lại luôn lo lắng sự cố dây thở ôxy làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của ngư dân. Có không ít người lặn tôm nhí đang bị các loại bệnh như tê liệt, co rút chân tay và một số bệnh khác...
Dù vậy, sức hút của nghề vẫn kéo ngư dân xuống biển. Âu đó cũng là vì kế sinh nhai..
VĂN PHIN